Những điều cần biết để thuê bao di động không bị khóa SIM, thu hồi số
(Dân trí) - Nếu thuê bao di động của bạn lâu không sử dụng và không nộp thêm tiền thì số thuê bao có bị nhà mạng khóa và thu hồi hay không? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn câu trả lời.
Những trường hợp nào thuê bao di động bị khóa SIM, thu hồi số?
Kể từ ngày 31/3/2023, người dân phải chuẩn hóa thông tin thuê bao di động để trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Những thuê bao di động nào không có thông tin trùng khớp sẽ bị khóa tài khoản và thu hồi số. Động thái này nhằm giải quyết triệt để tình trạng sử dụng SIM rác hoặc SIM không đúng thông tin khai báo theo quy định.
Kể từ thời điểm đó, nhiều thuê bao di động cho rằng số điện thoại sẽ luôn gắn liền với mỗi cá nhân và không bị nhà mạng thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế đây là một hiểu lầm và có thể khiến nhiều người bị khóa SIM, mất số điện thoại.
Nghị định 49/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào tháng 4/2017 có quy định về các trường hợp nhà mạng được phép khóa SIM của thuê bao di động.
Đầu tiên đó là khi thông tin thuê bao không chính xác hoặc không trùng khớp với giấy tờ tùy thân. Điều này xảy ra khi có sự khác biệt giữa thông tin đăng ký thuê bao di động và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ hai, trong trường hợp SIM di động được sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, phát tán tin nhắn rác, quấy rối… và cơ quan chức năng gửi yêu cầu khóa SIM, nhà mạng sẽ phải thực hiện theo.
Ngoài khóa SIM, nhà mạng sẽ có quyền thu hồi số thuê bao di động nếu người dùng không sử dụng SIM trong một thời gian dài, không nạp tiền hoặc không phát sinh cước phí, không thực hiện hoặc nhận cuộc gọi…
Số thuê bao sau khi được thu hồi sẽ được bán ra và cấp phát cho những thuê bao mới. Việc thu hồi số thuê bao di động để tái sử dụng sẽ giúp tối ưu hóa trong việc sử dụng tài nguyên số.
Các nhà mạng lớn tại Việt Nam thu hồi số thuê bao như thế nào?
Nhà mạng Viettel
Thuê bao di động trả trước của mạng Viettel sẽ bị khóa một chiều (chiều gọi đi) nếu đến ngày hết hạn nhưng không nạp thêm tiền hoặc trong vòng 60 ngày không phát sinh các giao dịch như nạp thẻ; thực hiện cuộc gọi đi, gửi tin nhắn có tính cước; hoặc phát sinh Internet di động có tính cước. Ngoài ra, nếu người dùng thuê bao trả trước nhập sai mã thẻ cào 5 lần cũng sẽ bị khóa một chiều.
Trong khi đó, nếu thuê bao di động trả sau không thanh toán cước phí đúng kỳ hạn cũng sẽ bị khóa một chiều, mất chức năng kết nối mạng di động.
10 ngày sau khi bị khóa một chiều nhưng người dùng không thanh toán cước phí, không nạp thêm thẻ nạp thì thuê bao sẽ bị khóa 2 chiều (cả chiều đến lẫn chiều gọi đi), chặn kết nối Internet, nhắn tin.
Sau khi đã khóa cả 2 chiều, người dùng Viettel sẽ có 30 ngày để giữ số thuê bao di động. Sau 30 ngày nhưng vẫn không thanh toán cước phí thì nhà mạng sẽ khóa SIM và thu hồi số thuê bao di động, đưa trở về kho số để cấp phát cho thuê bao khác.
Nhà mạng VinaPhone
Đối với thuê bao trả trước của nhà mạng VinaPhone, nếu SIM đã hết hạn mà người dùng không nạp thêm tiền sẽ bị khóa một chiều, không thể gọi điện hoặc gửi tin nhắn đi. Trong vòng 10 ngày sau khi đã bị khóa một chiều nhưng thuê bao vẫn không nạp thêm tiền, SIM sẽ bị khóa 2 chiều.
Trong vòng 45 ngày (30 ngày giữ số và 15 ngày chờ khôi phục) kể từ thời điểm đã khóa 2 chiều mà người dùng vẫn không đến điểm giao dịch của VinaPhone để khôi phục số, SIM của thuê bao sẽ bị hủy và số thuê bao sẽ được thu hồi.
Ngoài ra, trong vòng 3 tháng nếu thuê bao trả trước không phát sinh cước phí, không thực hiện cuộc gọi đến và đi thì số điện thoại di động cũng bị thu hồi.
Trong khi đó, thuê bao trả sau sẽ bị khóa một chiều nếu không thanh toán cước phí trong vòng 7 ngày sau khi nhận được thông báo cước từ nhà mạng. Trong vòng 15 ngày sau khi khóa một chiều nhưng vẫn không thanh toán cước thì SIM sẽ bị khóa 2 chiều.
Trong vòng 45 ngày sau khi đã khóa 2 chiều (30 ngày giữ số và 15 ngày chờ khôi phục), khách hàng không đến điểm giao dịch để khôi phục số thì SIM sẽ bị hủy hợp đồng và số điện thoại sẽ được thu hồi, đưa trở lại vào kho số để bán cho người khác.
Nhà mạng MobiFone
Thuê bao trả trước của MobiFone sẽ bị khóa một chiều nếu người dùng không nạp thêm tiền trong vòng 10 ngày sau khi hết thời gian sử dụng. Trong vòng 10 ngày sau khi đã khóa một chiều nhưng người dùng vẫn không nạp thêm tiền, thuê bao sẽ bị chuyển sang khóa 2 chiều.
Trong vòng 30 ngày thuê bao đã bị khóa 2 chiều nhưng người dùng vẫn không nạp thêm tiền vào tài khoản di động, SIM sẽ bị khóa và số điện thoại sẽ bị thu hồi vào kho số. Trước thời hạn này, người dùng phải tới phòng giao dịch của nhà mạng để yêu cầu mở khóa 2 chiều và nạp tiền vào tài khoản.
Tương tự, thuê bao trả sau của MobiFone cũng sẽ bị khóa một chiều nếu không thanh toán cước phí trong vòng 10 ngày sau khi nhận được thông báo. Trong vòng 10 ngày sau khi khóa một chiều mà thuê bao vẫn chưa thanh toán cước phí sẽ bị khóa 2 chiều và thuê bao sẽ có 30 ngày để thanh toán cước phí, nếu không số thuê bao sẽ bị nhà mạng thu hồi.
Số điện thoại di động đã bị thu hồi có thể mua lại được không?
Trong trường hợp số thuê bao của bạn đã bị nhà mạng thu hồi, nhưng người dùng vẫn muốn tiếp tục sử dụng số thuê bao này do đã gắn bó từ lâu hoặc đây là số điện thoại sử dụng để kinh doanh, thì người dùng vẫn có thể mua lại số thuê bao đã bị thu hồi trong trường hợp số này chưa bị nhà mạng bán ra cho một người dùng khác.
Để kiểm tra số thuê bao bị thu hồi đã được cấp phát cho người dùng khác hay chưa, bạn có thể đến các phòng giao dịch của nhà mạng để nhờ kiểm tra. Trong trường hợp số thuê bao vẫn chưa có chủ mới, người dùng có thể đăng ký để mua lại số điện thoại này và tiếp tục sử dụng.