DNews

Mất tiền vì ứng dụng dịch vụ công giả - Trò lừa cũ nhiều người vẫn sập bẫy

T.Thủy

(Dân trí) - Kẻ lừa đảo mạo danh cơ quan chức năng, yêu cầu người dân cài ứng dụng dịch vụ công giả có chứa mã độc, sau đó xâm nhập smartphone để chiếm đoạt tiền. Đây là chiêu lừa cũ nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy.

Mất tiền vì ứng dụng dịch vụ công giả - Trò lừa cũ nhiều người vẫn sập bẫy

Liên tục những vụ mất tài sản lớn vì bị lừa cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo

Trong vài tháng gần đây, liên tục những trường hợp bị mất tài sản giá trị lớn vì bị lừa cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo có chứa mã độc.

Trường hợp đầu tiên xảy ra với chị H. (ở tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) vào cuối tháng 5 vừa qua, tuy nhiên, thông tin về sự việc mới được cơ quan chức năng công bố vào cuối tuần trước.

Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, vào ngày 23/5, chị H. nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, yêu cầu chị tải phần mềm Dịch vụ công để làm định danh mức 2.

Sau đó, đối tượng gửi cho chị H. đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Sau khi cài đặt ứng dụng giả mạo này lên smartphone, chị H. bị chiếm quyền điều khiển điện thoại và bị chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.

Công an huyện Hoài Đức đang điều tra vụ việc để xác định danh tính kẻ lừa đảo.

Mất tiền vì ứng dụng dịch vụ công giả - Trò lừa cũ nhiều người vẫn sập bẫy - 1

Các ứng dụng giả mạo VNeID kẻ xấu đã lừa các nạn nhân cài đặt để chiếm quyền điều khiển smartphone (Ảnh: Công an thành phố Hà Nội).

Một vụ việc tương tự xảy ra tại xã Kon Đào (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), khiến một giáo viên bị lừa và mất số tiền 330 triệu đồng.

Trước đó vào ngày 10/6, một người tự xưng là công an gọi đến cho ông T. (trú tại xã Kon Đào), yêu cầu ông cung cấp thông tin cá nhân để kích hoạt tài khoản định danh mức 2. Kẻ lừa đảo cũng đã hướng dẫn ông T. truy cập vào đường link để tải và cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo vào điện thoại.

Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo (bao gồm cả bước chụp ảnh thẻ căn cước công dân và chụp ảnh chân dung gương mặt), ông T. liên tục nhận được thông báo từ ứng dụng ngân hàng cho biết ông đã chuyển đến tài khoản lạ số tiền 330 triệu đồng.

Khi biết mình đã bị lừa, ông T. lập tức đến cơ quan Công an xã Kon Đào để trình báo sự việc.

Hiện hồ sơ sự việc đã được chuyển lên công an huyện Đăk Tô để điều tra, xử lý.

Lừa đảo cài ứng dụng dịch vụ công giả mạo - Chiêu lừa cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy

Chiêu trò của những kẻ lừa đảo đó là chúng sẽ mạo danh người của cơ quan chức năng như công an, cán bộ phường, nhân viên của bảo hiểm xã hội… sau đó gọi đến số điện thoại của nạn nhân và yêu cầu họ cài đặt các ứng dụng dịch vụ công như VNeID, ứng dụng bảo hiểm y tế VSSID…

Mất tiền vì ứng dụng dịch vụ công giả - Trò lừa cũ nhiều người vẫn sập bẫy - 2

Ngoài giả mạo VNeID, những kẻ lừa đảo cũng giả mạo nhiều ứng dụng dịch vụ công khác nhau với mục đích xâm nhập vào smartphone của người dùng (Ảnh: VCS).

Đôi khi, các đối tượng lừa đảo sẽ giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân của họ bị lỗi hoặc phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh… sau đó yêu cầu người dân tải ứng dụng dịch vụ công giả mạo để nhanh chóng được cập nhật dữ liệu.

Đây đều là những ứng dụng có chứa mã độc và không được phân phối trực tiếp trên kho ứng dụng của nền tảng Android hay iOS, do vậy, những kẻ lừa đảo sẽ gửi đường link tải ứng dụng giả mạo (chứa mã độc) thông qua các ứng dụng nhắn tin, yêu cầu người dân tải về và hướng dẫn chi tiết cho họ cách cài đặt ứng dụng từ bên ngoài.

Nạn nhân mà những kẻ lừa đảo nhắm đến thường là người cao tuổi, nội trợ hoặc những người không có nhiều kiến thức về công nghệ. Những người này sẽ thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của những kẻ lừa đảo, cấp quyền cho các ứng dụng giả mạo xâm nhập sâu vào hệ thống mà không hay biết.

Kẻ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo để mạo danh công an, thực hiện cuộc gọi video nhằm qua mặt người dân (Video: Facebook).

Sau khi ứng dụng giả mạo đã được cài đặt lên smartphone với những quyền hạn được truy cập sâu vào hệ thống, các ứng dụng này có thể chiếm quyền điều khiển smartphone, đọc trộm tin nhắn hoặc xâm nhập vào ứng dụng ngân hàng để âm thầm chuyển tiền mà người dùng không hay biết.

Trên thực tế, hình thức lừa đảo bằng cách yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo, có chứa mã độc, để xâm nhập vào smartphone và lấy cắp tiền trong tài khoản ngân hàng không phải là mới, mà đã xuất hiện từ lâu.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin, bị những kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý khi lợi dụng cơ quan chức năng để đe dọa… khiến không ít người bị mắc bẫy.

Mất tiền vì ứng dụng dịch vụ công giả - Trò lừa cũ nhiều người vẫn sập bẫy - 3

Người dân luôn cần cảnh giác trước những cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của người gọi, dù phía bên kia có tự xưng là người của cơ quan chức năng (Ảnh minh họa: Getty).

Do vậy, để phòng tránh trở thành nạn nhân, người dân cần phải cảnh giác trước các thủ đoạn tinh vi của những kẻ lừa đảo, tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo bài viết của Dân trí tại đây giúp nhanh chóng nhận diện những cuộc gọi lừa đảo, quảng cáo… để không phải trở thành nạn nhân cho những hình thức lừa đảo qua điện thoại.