DNews

Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo

Quang Huy

(Dân trí) - Nếu nhận được một trong những cuộc gọi này đến số điện thoại của bạn, hãy lập tức dập máy ngay để khỏi tốn thời gian và tránh trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo.

Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo

Các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội và Internet đang ngày càng trở nên tinh vi. Bên cạnh đó, những kẻ lừa đảo cũng thực hiện các chiêu trò thông qua những cuộc gọi đến số điện thoại di động, với những mánh khóe lừa đảo khó lường.

Mục tiêu nhắm đến của những kẻ lừa đảo thường là những người già, nội trợ hoặc những ai đang gặp tình trạng thất nghiệp… đây là những nhóm người nhẹ dạ, cả tin và thường muốn tìm cách kiếm tiền nhanh, do vậy rất dễ làm theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo, từ đó trở thành nạn nhân của chúng.

Dưới đây là những chiêu lừa phổ biến được thực hiện qua những cuộc gọi đến số điện thoại di động, bạn đọc nên nắm rõ để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo cũng như không phải mất quá nhiều thời gian để nghe các cuộc gọi phiền toái này.

Cuộc gọi giả danh công an, cơ quan chức năng

Đây là một trong những chiêu lừa phổ biến nhất hiện nay. Những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh công an, tòa án hoặc người của cơ quan chức năng, thông báo với nạn nhân rằng họ liên quan đến một vụ án nào đó hoặc bị lỗi phạt nguội giao thông, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hoặc khai báo số tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, một số kẻ lừa đảo sẽ mạo danh công an phường gọi điện để yêu cầu người dùng cài đặt các ứng dụng dịch vụ công mới được ra mắt, nhưng thực tế là lừa nạn nhân cài đặt các ứng dụng chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển smartphone, xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của họ để lấy cắp tài sản.

Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo - 1

Những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan chức năng, yêu cầu người dùng cài đặt các ứng dụng có chứa mã độc "ẩn nấp" dưới danh nghĩa các ứng dụng dịch vụ công, nhằm xâm nhập smartphone nạn nhân (Ảnh: VCS).

Để làm tăng thêm mức độ tin cậy cho cuộc gọi, những kẻ lừa đảo sẽ thực hiện cuộc gọi video vào số điện thoại của nạn nhân, phía bên kia là hình ảnh của một chiến sĩ cảnh sát. Tuy nhiên, thực tế đây chỉ là những đoạn video giả mạo, được những kẻ lừa đảo tạo ra bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo.

Thông thường, chất lượng hình ảnh và âm thanh của những cuộc gọi video này sẽ rất thấp, khiến nạn nhân khó có thể nhận ra phía đầu bên kia chỉ là đoạn video được chuẩn bị sẵn, không phải là người thực đang nói chuyện trực tiếp.

Kẻ lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo để mạo danh công an, thực hiện cuộc gọi video nhằm qua mặt người dùng (Video: Nguyễn Huy).

Nhiều người nhẹ dạ cả tin đã thực hiện theo yêu cầu của những kẻ lừa đảo, chuyển tiền vào số tài khoản của chúng hoặc cài đặt mã độc lên smartphone, sau đó bị lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Do vậy, nếu bạn nhận được cuộc gọi mà đầu phía bên kia tự xưng là công an, người của tòa án… thì có thể dập máy ngay, không cần phải tiếp tục cuộc gọi, sau đó liên hệ trực tiếp với đại diện công an phường nơi mình cư trú để phản ánh lại cuộc gọi này để đảm bảo rằng bản thân đang không gặp vấn đề gì liên quan đến pháp luật.

Cuộc gọi nâng cấp SIM, nâng cấp thẻ ngân hàng…

Với chiêu trò này, những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên nhà mạng hướng dẫn người dùng nhắn tin theo cú pháp để nâng cấp dịch vụ SIM từ 4G lên 5G, hoặc để hưởng các ưu đãi về gói cước…

Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo - 2

Tin nhắn giả mạo về dịch vụ nâng cấp SIM của những kẻ lừa đảo khiến nhiều người hoang mang (Ảnh chụp màn hình).

Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng để hướng dẫn người dùng nâng hạng thẻ tín dụng, rút tiền từ thẻ không mất phí hoặc các ưu đãi khác của ngân hàng…

Trên thực tế, mục đích của những kẻ lừa đảo là nhằm lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng, lừa họ cài đặt các ứng dụng chứa mã độc để xâm nhập vào smartphone của nạn nhân… Do vậy, nếu nhận được những cuộc gọi mà phía đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên nhà mạng, ngân hàng… bạn có thể dập máy ngay thay vì tiếp tục cuộc gọi.

Cuộc gọi thông báo trúng thưởng, gia hạn bảo hành sản phẩm…

Tương tự như hình thức lừa đảo kể trên, với chiêu trò này, những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên các cửa hàng điện máy hoặc đại diện các nhãn hàng, thông báo cho người dùng biết họ đã may mắn trúng thưởng hoặc được gia hạn thêm thời gian bảo hành sản phẩm.

Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo - 3
Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo - 4

Hai chiêu thức lừa thông báo trúng thưởng thường gặp (Ảnh: NCS).

Lúc này, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP đăng nhập vào tài khoản hoặc yêu cầu nạn nhân chuyển một số tiền mới được nhận phần thưởng.

Nhiều người nhẹ dạ cả tin và mong muốn được nhận các phần thưởng có giá trị đã lập tức làm theo những kẻ lừa đảo, mà không hề hay biết mình đã bị đưa "vào tròng".

Do vậy, nếu nhận được những cuộc gọi với nội dung thông báo trúng thưởng hoặc gia hạn bảo hành sản phẩm… mà trước đó bạn không hề tham gia bất kỳ giải thưởng nào (chẳng hạn như mua vé số hoặc tham gia quay số trúng thưởng) thì bạn có thể bỏ qua những cuộc gọi này.

Những cuộc gọi đến từ số điện thoại quốc tế, số điện thoại có mã vùng lạ

Trong trường hợp điện thoại của bạn hiển thị những cuộc gọi đến với đầu số lạ (thay vì mã vùng +84 của Việt Nam hay đầu số của các nhà mạng), chẳng hạn đầu số +375, +381, +881, +882… thì tuyệt đối không được bắt máy, nên lập tức nhấn nút từ chối nhận cuộc gọi.

Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo - 5

Nếu nhận được cuộc gọi nhỡ từ những số điện thoại có đầu số lạ, hãy bỏ qua thay vì gọi lại vào các số này (Ảnh: H.T).

Đây đều là những cuộc gọi từ quốc tế được thực hiện bởi những kẻ lừa đảo. Ngoài ra, những tên tội phạm mạng có thể dùng các ứng dụng để tạo số điện thoại giả nhằm che giấu tung tích, sau đó thực hiện các cuộc gọi để thực hiện hành vi lừa đảo người dùng.

Bên cạnh đó, những số điện thoại lạ này cũng thường được sử dụng để thực hiện chiêu lừa cuộc gọi nhỡ.

Để thực hiện hành vi này, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng một thiết bị để tự động thực hiện các cuộc gọi đến hàng triệu số điện thoại di động ngẫu nhiên trên toàn cầu. Mỗi cuộc gọi sẽ chỉ kéo dài trong 1 đến 2 tiếng chuông rồi sẽ tự động ngắt, đủ ngắn để lưu lại cuộc gọi nhỡ trên máy của nạn nhân, nhưng cũng không quá dài để nạn nhân có thể bắt máy từ cuộc gọi.

Theo thói quen, những người nhận được cuộc gọi sẽ gọi ngược lại vào số gọi nhỡ, từ đó phí của cuộc gọi sẽ được tính với giá rất cao và số tiền thu từ cuộc gọi này sẽ được chia sẻ giữa nhà điều hành mạng và các công ty sở hữu, vận hành đầu số này.

Tinh vi hơn, nhằm tìm cách kéo dài thời gian thực hiện cuộc gọi của nạn nhân, những kẻ lừa đảo sẽ xây dựng một hệ thống tự động trả lời để yêu cầu người dùng thực hiện theo nếu muốn kết nối với đầu dây bên kia. 

Đây có thể là chiêu trò lừa đảo của những tên tội phạm mạng xuyên quốc gia, xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước khác trên thế giới. Người dùng tại Việt Nam nên nắm rõ chiêu trò lừa đảo này để tránh trở thành nạn nhân.

Cuộc gọi thông báo chuyển nhầm tiền vào tài khoản

Trong trường hợp tài khoản ngân hàng của bạn có một khoản tiền được chuyển đến mà không rõ người gửi, sau đó có người gọi điện trực tiếp vào số điện thoại của bạn đề nghị gửi lại số tiền đó với lý do "chuyển nhầm". Lúc này, bạn tuyệt đối không chuyển tiền lại theo yêu cầu của đầu dây bên kia.

Thay vào đó, người dùng cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng đang cung cấp dịch vụ cho mình, thông báo về một giao dịch chuyển tiền không rõ nguồn gốc. Phía ngân hàng sẽ nắm thông tin và thông báo cho người dùng một khi họ đã tìm được thông tin của người gửi nhầm tiền vào tài khoản của bạn.

Nếu bạn không liên hệ với ngân hàng mà chuyển khoản lại tiền đã nhận theo yêu cầu của người gọi đến, rất có thể bạn sẽ bị mắc lừa những kẻ lừa đảo, bởi lẽ có thể kẻ thực hiện cuộc gọi không phải là chủ nhân của số tiền đã gửi.

Sau này, phía ngân hàng có thể sẽ liên hệ với bạn để thông báo về khoản giao dịch nhầm, bạn sẽ buộc phải chuyển khoản lại số tiền đã chuyển nhầm cho đúng chủ nhân ban đầu, trong khi đó, số tiền đã chuyển đi cho những kẻ lừa đảo rất khó để có thể lấy lại được.

Cuộc gọi từ tổng đài tự động, nội dung được thu âm sẵn

Trong trường hợp nhận được cuộc gọi từ tổng đài tự động hoặc từ số lạ, nhưng khi bắt máy thì bên kia phát ra âm thanh được thu âm sẵn hoặc giọng nói không tự nhiên, được tạo ra bởi các phần mềm máy tính… thì bạn nên dập máy ngay để khỏi mất thời gian của chính mình.

Những cuộc gọi tiếp thị, quảng cáo, môi giới chứng khoán, bất động sản

Trên thực tế, đây không hẳn là cuộc gọi lừa đảo, nhưng đây lại là những cuộc gọi làm phiền người dùng nhất. Người thực hiện những cuộc gọi này sẽ tự xưng là nhân viên công ty chứng khoán, bất động sản… để giới thiệu về những lớp học đầu tư chứng khoán hoặc môi giới bất động sản.

Nhận được những cuộc gọi này, dập máy ngay để tránh bị lừa đảo - 6

Nếu nhận được cuộc gọi từ số lạ nhằm môi giới chứng khoán, bất động sản… bạn có thể dập máy ngay để đỡ mất thời gian của đôi bên (Ảnh minh họa: Getty).

Do vậy, nếu người dùng nhận được cuộc gọi từ đầu số lạ và phía bên kia tự xưng là nhân viên môi giới chứng khoán, bất động sản… bạn có thể dập máy ngay để không làm mất thời gian của mình và của từ chính người gọi phía đầu dây bên kia, bởi lẽ họ sẽ biết bạn không có nhu cầu cho những sản phẩm, dịch vụ đang quảng cáo.

Lời kết

Một khi đã bị lừa đảo, việc lấy lại số tiền bị mất là rất khó để thực hiện, bởi lẽ danh tính của những kẻ lừa đảo thường không thể xác định được. Vì vậy, mọi người nên tự trang bị cho bản thân những kiến thức, tránh trở thành nạn nhân cho những kẻ lừa đảo. Ngoài ra, nên hướng dẫn những người trong gia đình, nhất là những người cao tuổi, giúp họ đề cao cảnh giác

Các hình thức lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại đang ngày càng trở nên đa dạng và tinh vi. Trên đây là một vài hình thức lừa đảo phổ biến nhất mà người dùng có thể phải đối mặt, bạn nên nắm rõ để tránh trở thành nạn nhân.