Nước mắt người đàn ông lâm nạn khi sắp về với vợ con: "Tôi mất Tết rồi"
(Dân trí) - Sau ca làm đêm, người đàn ông chuẩn bị chạy về đón Tết với vợ con thì bị tai nạn chấn thương nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong ngày cuối cùng của năm Quý Mão.
Chiều 30 Tết, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) có hàng chục bệnh nhân nằm trên băng ca. Ngoài nỗi đau bệnh tật, gương mặt họ thể hiện rõ vẻ buồn rầu, khi khả năng rất lớn phải xa gia đình, đón Tết Giáp Thìn lặng lẽ trong bệnh viện.
Nằm ở chiếc giường bên ngoài, anh Đ.T.T. (53 tuổi) cho biết, anh làm cho một hãng thức ăn gia súc ở Tiền Giang, thường xuyên phải làm đêm. Cận Tết, anh cố gắng ở lại kiếm thêm ít tiền lo cho vợ con. Sáng 8/2 (tức 29 Tết), người đàn ông xong ca làm đêm cuối cùng của năm, định bụng soạn đồ về Đồng Tháp đón xuân với vợ và 2 con nhỏ.
Tuy nhiên, khi chạy xe máy về phòng, người đàn ông bỗng mệt mỏi rồi tự té giữa đường, khiến chân phải bị thương nặng. Tại bệnh viện tỉnh, anh được bó bột, chăm sóc vết thương rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào chiều 9/2, vì tuyến dưới không có dụng cụ mổ xương.
"Qua nay tôi đã đóng viện phí khoảng 5 triệu đồng, là tiền dành dụm cho các con vui Tết. Bác sĩ nói có mổ cũng phải nằm phục hồi lâu dài, giờ xem như tôi mất Tết rồi…", anh T. mắt đỏ hoe.
Cách đó vài chiếc giường, chị Duyên (ngụ tỉnh Bình Dương) cùng con gái 5 tuổi, nét mặt lo lắng.
Theo lời người mẹ, khoảng 21h ngày hôm qua, dì ruột chở bé đi mua sắm. Trên đường về, xe của hai dì cháu bị một người đàn ông say xỉn trong hẻm lao nhanh ra tông phải, khiến bé bị đập đầu mạnh. Bé T.H. được gia đình đưa đi bệnh viện tỉnh chụp MRI theo dõi. Sau đó, cả nhà chủ động đưa bé lần lượt chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Chợ Rẫy trong ngày 30 Tết.
"Tôi còn 1 bé trai 3 tuổi đang được bà ngoại chăm ở nhà. Giờ con bị như vậy rồi, mình không còn tâm trạng đón Tết nữa, bỏ cả việc cúng ông bà. Chỉ mong cháu không có vấn đề gì, nhưng trưa giờ bé không ngủ được, cứ nằm li bì và nôn ói", người phụ nữ chia sẻ.
Còn ông L.S.R. (74 tuổi, nhà ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) bị gout nặng, tự mua các loại thuốc quảng cáo trên mạng uống. Một tuần trước, cụ ông xuất huyết dạ dày, phù tay chân, phải vào 3 bệnh viện ở Đồng Nai trước khi chuyển lên Chợ Rẫy chiều 30 Tết trong tình trạng nặng.
"Bây giờ chỉ mong các bác sĩ chữa khỏi, cho tôi khỏe lại. Với tôi, có sức khỏe tốt là có Tết rồi", cụ ông trải lòng.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Anh Thế, trưởng tua trực khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kíp trực ngày 30 Tết tại đây có khoảng 50 nhân viên y tế, bao gồm 10 bác sĩ và các điều dưỡng, nhân viên phục vụ.
"Lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu anh em trong những ngày Tết phải tập trung công việc, trên tinh thần phải phục vụ nhân dân bất cứ lúc nào", bác sĩ Thế chia sẻ.
Thông thường khoảng chiều tối ngày 30 Tết kéo dài đến mùng 5, mùng 6, bệnh nhân từ tuyến cơ sở và tuyến trước sẽ chuyển vào đây nhiều hơn những ngày thường. Hiện tại, bệnh nhân vào khoa dao động khoảng 200 - 250 ca mỗi ngày. Nhưng cao điểm, khoa có thể tiếp nhận khoảng 400 ca bệnh hoặc nhiều hơn.
Theo bác sĩ Thế, các bệnh nhân vào khoa dịp này có nhiều nguyên nhân, như tai nạn giao thông, đả thương xô xát, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa... Kế đến, những trường hợp ngộ độc rượu, côn trùng và động vật cắn, tấn công...
Đặc biệt trong giai đoạn cận Tết, đã có một số trường hợp bị tai nạn pháo nổ, gây vết thương nặng nề trên cơ thể.
Ngoài ra, còn những trường hợp là người nước ngoài chuyển đến viện cấp cứu. Để chủ động phục vụ công tác khám chữa bệnh ngày Tết, Bệnh viện Chợ Rẫy lên kế hoạch sẵn các tình huống bệnh đông đột biến, tai nạn hàng loạt... để kích hoạt quy trình báo động đỏ, các kíp trực khẩn có mặt ngay khi được điều động.
Làm việc ở Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 10 năm, bác sĩ Thế nhiều lần trực 30 Tết, nếu không cũng vào mùng 1.
Ban đầu, vị bác sĩ thấy hơi chạnh lòng nhưng qua thời gian dài làm việc, anh dần hiểu nỗi đau của bệnh nhân để thấy được trách nhiệm thiêng liêng của mình. Bác sĩ Thế khuyến cáo người dân không nên uống rượu bia khi tham gia giao thông, hạn chế tụ tập tại những nơi đông người, nếu tiệc tùng mùa Tết nên đảm bảo việc an toàn thực phẩm, tiết chế lại việc ăn uống để hạn chế những vấn đề ở đường tiêu hóa. Với các bạn trẻ, cần hạn chế tiếp xúc các vật liệu nổ, chế tạo pháo nổ...
Chiều 9/2 (30 Tết), chỉ còn vài tiếng nữa là đến giao thừa, bước sang năm mới Giáp Thìn 2024, nhưng các y bác sĩ tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang tích cực làm việc, cấp cứu cho hàng chục ca nhập viện mới trong chiều cuối năm.