1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bệnh viện Chợ Rẫy: Sẽ là thảm họa nếu chiếc máy cuối cùng bị hỏng

Hoàng Lê

(Dân trí) - "Thảm họa nhất là việc chiếc máy cuối cùng trong Bệnh viện Chợ Rẫy bị hỏng. Các bệnh nhân nặng, bệnh nhân cấp cứu, đưa đi càng xa thì nguy cơ càng cao" - đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Sáng 23/3, Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã thông tin cụ thể về hoạt động khám chữa bệnh, tình hình mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế của nơi này sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành.

57% gói thầu được "gỡ vướng"

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, Nghị quyết 30 đã tháo gỡ được vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) trên máy đặt, máy mượn, trên thiết bị y tế mà bệnh viện được tặng nhưng kịp nhập vào tài sản quốc gia.

Kế đến, Nghị định 07 đã cho phép kéo dài số lưu hành và giấy phép nhập khẩu hóa chất, vật tư tiêu hao và trang thiết bị y tế. Từ việc tháo gỡ này, một loạt vật tư y tế đã được thông quan ồ ạt. Về đấu thầu thuốc cũng rất yên tâm, bởi ngoài các quy định mới còn có sự hỗ trợ của luật Dược.

Bệnh viện Chợ Rẫy: Sẽ là thảm họa nếu chiếc máy cuối cùng bị hỏng - 1

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ vấn đề mua sắm của bệnh viện sáng 23/3 (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 ra đời như "mở cửa xả lũ", mang lại lợi ích cho bệnh nhân và tháo gỡ rất nhiều cho bệnh viện. Trước khi có 2 văn bản trên, 57% các gói thầu vật tư y tế bị vướng mắc do quy định về bảng báo giá. Đến nay, vướng mắc này đã giải quyết được.

Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, trước khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30, nơi này chỉ còn 1 máy CT, 5 máy hư hỏng mà không thể sửa chữa. Nhân viên khoa Chẩn đoán hình ảnh phải làm việc 24/24 để phục vụ cho cả bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nội trú và bệnh nhân nặng, đồng thời rất nhiều bệnh nhân phải chuyển đi nơi khác thực hiện chụp chiếu.

Đến nay, bệnh viện đã sửa chữa được máy CT đặt ở khoa Cấp cứu, vừa hoạt động lại vào ngày 22/3. Các máy còn lại dự kiến sẽ sửa xong vào trung tuần tháng 4.

Bệnh viện Chợ Rẫy: Sẽ là thảm họa nếu chiếc máy cuối cùng bị hỏng - 2

Bệnh nhân chụp CT tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 23/3 (Ảnh: Hoàng Lê).

"Khi máy CT cấp cứu hư, tôi như ngồi trên lửa vì phải chuyển bệnh nhân sang máy CT đặt ở vị trí xa hơn, ảnh hưởng đến an toàn và tính mạng người bệnh. Nếu so với nơi khác, máy CT của bệnh viện hư liên tục, vì cường độ làm việc rất khủng khiếp" - bác sĩ Thức chia sẻ.

Về máy móc điều trị ung thư, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, toàn bệnh viện có 5 máy xạ trị gia tốc, nhưng thời gian qua chỉ có 2 máy còn hoạt động. Tổng số bệnh nhân cần xạ trị tại Trung tâm là 300 ca/ngày, do đó việc đáp ứng điều trị theo đúng thời gian và phác đồ gặp nhiều khó khăn, cũng như khiến bệnh nhân mang tâm lý lo lắng khi phải chờ đợi.

Đến ngày 22/3, bệnh viện đã cho hoạt động lại một máy xạ trị sau khi sửa chữa xong, giúp số lượng bệnh nhân xạ trị giãn ra, thời gian chờ không còn quá lâu. Theo lãnh đạo bệnh viện, dù chưa hết công suất tối đa nhưng được vậy đã quá tuyệt vời, giúp thoát cảnh phải làm cả ngày lẫn đêm, thậm chí đến sáng. Dự kiến trong 1-2 tuần tới, 2 máy còn lại sẽ được mở thầu.

Bệnh viện Chợ Rẫy: Sẽ là thảm họa nếu chiếc máy cuối cùng bị hỏng - 3

Bệnh nhân chờ xạ trị gia tốc tại khoa Xạ trị của Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Hoàng Lê).

"Thiếu thiết bị là lỗi của giám đốc bệnh viện"

Trưởng Đơn vị đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin, Nghị quyết 30 đã giải quyết nhanh nhiều thứ, trong đó có vấn đề xây dựng giá gói thầu. Khi bệnh viện triển khai đấu thầu được, các máy móc đã có thể sửa chữa.

Ngoài ra, đối với trang thiết bị, vật tư y tế, bệnh viện đã thông báo mời thầu. Trong 1-2 tuần nữa, bệnh viện sẽ công bố lựa chọn nhà thầu thuốc. Sắp tới, vấn đề thiếu vật tư tiêu hao sẽ được giải quyết.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp chia sẻ thêm, cứ mỗi máy hoạt động trở lại sẽ giảm được khoảng 100 bệnh nhân phải chuyển ra ngoài chụp chiếu. Dù vậy, việc giảm tải trên còn chưa nhiều, chủ yếu cho khu vực cấp cứu. Bởi trong những ngày thiếu máy móc, bệnh viện phải tăng công suất các máy còn lại, nên nay phải hạ xuống để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Bệnh viện Chợ Rẫy: Sẽ là thảm họa nếu chiếc máy cuối cùng bị hỏng - 4

Dù máy CT ở khu vực cấp cứu đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy phải chuyển sang cơ sở khác chụp chiếu (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chuyển bệnh nhân ra ngoài không phải là thảm họa, mà thảm họa nhất là việc chiếc máy cuối cùng trong Bệnh viện Chợ Rẫy bị hư. Nhất là các bệnh nhân nội trú nặng, bệnh nhân cấp cứu, đưa đi càng xa thì nguy cơ càng cao" - bác sĩ Việt dẫn chứng.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức khẳng định, việc thiếu thiết bị là lỗi của nhà quản lý, của giám đốc bệnh viện, nên không thể để bệnh nhân trả thêm tiền. Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện chính sách "một giá". Khi được chuyển sang chụp chiếu ở cơ sở liên kết, bệnh nhân vẫn chỉ trả đúng giá chụp ở Chợ Rẫy, không thu thêm một đồng nào, dù có BHYT hay không.

Bệnh viện cũng phải giải thích rất rõ, đồng thời phải chuẩn bị phương tiện di chuyển thuận lợi nhất cho bệnh nhân.