DNews

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt "sành ăn, sành chơi"

Minh Nhật

(Dân trí) - Ngoài cúm gia cầm, những hành vi, thực hành không an toàn này có thể trở thành mồi lửa thổi bùng lên một đại dịch mà con người chưa từng biết đến.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt "sành ăn, sành chơi"

Việt Nam vừa ghi nhận ca bệnh tử vong do cúm A(H5N1) đầu tiên sau hai năm, đó là một nam sinh viên 21 tuổi, sống tại Khánh Hòa. Đây cũng là bệnh nhân H5N1 thứ hai ở nước ta trong vòng một thập kỷ qua.

Đáng chú ý, qua khai thác tiền sử, trước khi mắc bệnh, nam sinh nhiều lần đi bẫy chim.

Trên thực tế, chim nước di trú, mà hầu hết là các loài vịt, là ổ chứa tự nhiên của virus cúm gia cầm.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 1

Việt Nam vừa ghi nhận ca bệnh tử vong do cúm A(H5N1) đầu tiên sau hai năm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A(H5N1).

Tại Campuchia tiếp tục ghi nhận các ca bệnh cúm A(H5N1) trên người từ cuối năm 2023.

Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Từ đầu năm đến nay ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển.

Dưới góc nhìn chuyên gia, bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS Việt Nam) nhận định, nhiều hành vi, thói quen liên quan đến động vật hoang dã phổ biến ở Việt Nam đang tạo môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh phát tán và lây lan từ động vật hoang dã (ĐVHD) sang người và ngược lại.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 2

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện Tổ chức Wildlife Conservation Society (Ảnh: WCS Việt Nam).

Ngoài cúm gia cầm, những hành vi, thực hành không an toàn này có thể trở thành mồi lửa thổi bùng lên một đại dịch mà con người chưa từng biết đến.

Hiểm họa từ thú ăn chơi "sành điệu"

PV: Trường hợp tử vong do H5N1 mới đây tại Việt Nam có tiền sử bẫy chim hoang dã. Vậy nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm từ các loài chim hoang dã như thế nào?

Bà Hoàng Bích Thủy: Một số kết quả rà soát chỉ ra rằng, đã phát hiện virus cúm gia cầm trên hơn 100 loài chim hoang dã, trong đó, có một số loài được cho là vật chủ tự nhiên của virus cúm gia cầm như vịt trời, ngỗng, thiên nga, mòng biển...

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 3
Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 4

Một số chủng virus cúm A có khả năng gây bệnh trên người, động vật được biết đến phổ biến như: H5N1, H1N1, H3N2, H5N6, H7N9....

Trong đó, cúm A(H5N1) được biết đến là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây bệnh trên chim, gia cầm và một số loài động vật khác và có thể lây nhiễm cho con người.

H5N1 gây bệnh diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao.

Con người có thể lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải giọt bắn, bụi trong không khí.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 5

Con người có thể bị lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh (Ảnh: Getty).

Đáng chú ý, theo kết quả ghi nhận thì hầu hết các loài chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm đều không có biểu hiện triệu chứng, trong khi gia cầm nhiễm virus có thể có các biểu hiện đặc trưng như: kém ăn, sưng mí mắt, tím ở vùng mào, yếm, cẳng chân, khó thở, loạng choạng, ngã, triệu chứng hô hấp (chảy mũi, ho, hắt hơi...), vẹo cổ hoặc chết.

Trào lưu nuôi các loại chim hoang dã rộ lên trong thời gian gần đây. Theo bà đây có phải là yếu tố đáng lo ngại làm bùng phát dịch cúm gia cầm?

Bà Hoàng Bích Thủy: Trào lưu nuôi chim cảnh hay động vật hoang dã (ĐVHD) làm thú cưng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.

Các hành động thường xuyên xảy ra như tiếp xúc trực tiếp/gần, ôm ấp, bế, hôn... trong các điều kiện không đảm bảo (về vệ sinh, điều kiện nuôi nhốt, môi trường sống, phương tiện phòng hộ cá nhân...), người nuôi bị cắn, cào… đều tạo ra điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi, phát tán và lây lan của các tác nhân gây bệnh lây truyền bệnh từ động vật sang cho con người và ngược lại.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 6

Nuôi chim cảnh, ĐVHD làm thú cưng tiềm ẩn những rủi ro với sức khỏe con người (Ảnh: Getty).

Do đó, nuôi chim cảnh, ĐVHD làm thú cưng tiềm ẩn những rủi ro với sức khỏe con người. 

Đáng chú ý, do các loài chim hoang dã khi nhiễm virus cúm A thường không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên khó nhận biết được chim mang mầm bệnh.

Ngoài cúm gia cầm, chim hoang dã còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình lây nhiễm của một số bệnh khác như: Bệnh sốt Tây Sông Nin, các bệnh do vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Samonella, bệnh ký sinh trùng… mặc dù không phải trong mọi trường hợp bệnh đều lây trực tiếp từ động vật sang người.

Nói rộng ra về nguy cơ dịch bệnh từ ĐVHD nói chung, theo bà, hoạt động buôn bán trái pháp luật, săn bắn và nuôi ĐVHD tiềm ẩn những nguy cơ dịch bệnh như thế nào?

Bà Hoàng Bích Thủy: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 60,3% các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở con người là các bệnh lây truyền từ động vật sang người và 71,8% trong số đó có nguồn gốc từ ĐVHD.

Trong khi đó, Việt Nam được biết đến là một điểm nóng trong chuỗi buôn bán trái pháp luật ĐVHD. Chuỗi cung ứng ĐVHD cho dù là hợp pháp và bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật.

Theo nghiên cứu của Milica Sandaji và cộng sự, trung bình, có khoảng 4.000 tấn thịt động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam hàng năm, trong đó khoảng 2.000 tấn phục vụ nhu cầu trong nước. 80% số này được đưa vào phục vụ tại các nhà hàng đặc sản thú rừng.

Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ, cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua.

Tỷ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14%. Đáng chú ý, 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 7
Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 8

Cụ thể, như việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt ĐVHD trong điều kiện chuồng nuôi chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh, nuôi nhốt nhiều loài cùng với nhau, bao gồm cả động vật ốm/bệnh và động vật khỏe mạnh, thực hành vệ sinh và an toàn sinh học kém... sẽ tạo môi trường lý tưởng cho các mầm bệnh phát tán và lây lan từ ĐVHD sang người và ngược lại.

Việc này tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát thành dịch bệnh và đại dịch.

Gánh nặng tỷ USD

Bà có thể đánh giá về những tổn thất nặng nề do những dịch bệnh truyền từ động vật sang người đã từng gây ra?

Bà Hoàng Bích Thủy: Theo kết quả phân tích của Ngân hàng thế giới World Bank, thiệt hại về kinh tế từ 6 dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, với tỷ lệ tử vong cao xảy ra trong thời gian 1997-2009, ước tính ít nhất là 80 tỷ USD.

Nếu các dịch bệnh này được ngăn ngừa thì có thể giảm thiệt hại trung bình khoảng 6,7 tỷ USD/năm.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 9

Thiệt hại về kinh tế từ 6 dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, với tỷ lệ tử vong cao xảy ra trong thời gian 1997-2009, ước tính ít nhất là 80 tỷ USD (Ảnh: Getty).

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan năm 2022, có ít nhất 3,3 triệu người tử vong mỗi năm vì nhiễm các bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người và thiệt hại về kinh tế lên đến 212 tỷ USD.

Đặc biệt, gần đây nhất là đại dịch Covid-19, được cho là có nguồn gốc từ ĐVHD gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và sức khỏe trên toàn thế giới.

Tính đến nay, đã có gần 775 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 7 triệu ca tử vong.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 10

Đã có gần 775 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 7 triệu ca tử vong.

Bên cạnh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người, dịch bệnh còn gây nhiều tổn thất nặng nề như: nhiều công ty, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc rơi vào tình trạng khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giao thương buôn bán đình trệ, du lịch hạn chế, không phát triển, giáo dục cũng gặp không ít khó khăn.

Nỗi lo về các đại dịch chưa từng biết đến

Vậy trong tương lai theo dự đoán của các nhà khoa học, liệu có những dịch bệnh nào khác?

Bà Hoàng Bích Thủy: Trong hơn 10 năm qua (2010 - nay), WCS Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện các nghiên cứu về những mầm bệnh trên các loài ĐVHD có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật (linh trưởng, dơi, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt…) và các rủi ro lây truyền giữa người và động vật tại Việt Nam.

Nguy cơ bùng nổ H5N1 từ những người Việt sành ăn, sành chơi - 11

Nguy cơ có thể xảy ra nhiều dịch bệnh mới nổi là hiện hữu, nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị để ứng phó khi dịch bùng phát (Ảnh Getty).

Kết quả của các nghiên cứu là 46 virus có khả năng lây truyền giữa người và động vật được phát hiện trên cả động vật và người, trong đó có 26 virus mới, chưa từng được phát hiện trước đây và 20 virus đã biết.

Trong khi đó số ĐVHD mà chúng tôi nghiên cứu còn là rất nhỏ so với số lượng ĐVHD cũng như số tác nhân gây bệnh.

Chính vì vậy nguy cơ có thể xảy ra nhiều dịch bệnh mới nổi là hiện hữu, nếu chúng ta không có biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị để ứng phó khi dịch bùng phát.

Cần làm gì để hạn chế việc lây lan bệnh dịch từ ĐVHD sang người?

Bà Hoàng Bích Thủy: Như đã trao đổi ở trên, chuỗi cung ứng ĐVHD cho dù là hợp pháp và bất hợp pháp đều tiềm ẩn những nguy cơ lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật.

Từ điểm nguồn nơi cung cấp ĐVHD, qua quá trình vận chuyển, xử lý đến điểm cuối trong chuỗi giá trị động vật đều phát hiện các tác nhân gây bệnh có khả năng lây truyền giữa người và động vật.

Vì vậy, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh mới nổi xuất hiện trong thời gian gần đây có nguồn gốc/có liên quan đến ĐVHD, để ngăn ngừa các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai thì một trong các biện pháp hữu hiệu nhất là giảm thiểu các nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người tại các mắt xích chính trong chuỗi cung ứng ĐHVD.

Để làm được điều đó, chúng tôi cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ từ phòng dịch, đến chống dịch, cụ thể như sau:

- Hoàn thiện khung pháp l‎ý về quản l‎ý dịch bệnh trong chuỗi cung ứng ĐHVD.

- Cần chú trọng quản lý dịch bệnh với hoạt động nuôi thương mại đối với ĐVHD.

- Ngăn chặn chuỗi cung ứng ĐVHD bất hợp pháp bao gồm các hành vi như săn bắt, nuôi nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ĐVHD.

Ngoài ra, có thể nhắc tới các giải pháp khác như: Nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật và các bên có liên quan về các nguy cơ, các biện pháp theo dõi, báo cáo dịch bệnh.

Tăng cường truyền thông về bảo vệ ĐVHD và các rủi ro bệnh lây truyền ở ĐVHD để nâng cao nhận thức cho cộng đồng; nghiên cứu, đánh giá nguy cơ, phát hiện dịch bệnh mới nổi để chủ động ứng phó; hợp tác quốc tế để chia sẻ, học hỏi các thực hành tốt về quản lý dịch bệnh và phối hợp kiểm soát dịch bệnh nếu phát sinh…

Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn!