Hết thuốc: Bệnh nhân "thiệt đơn, thiệt kép", bác sĩ khổ theo
(Dân trí) - Thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài khiến người bệnh phải tự mua từ ga giường, viên thuốc đến cây kim đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và gây nhiều bức xúc.
Bệnh nhân thiệt đơn, thiệt kép
Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm, bệnh nhân phải tự ra ngoài mua. Thế nhưng bệnh nhân lại gặp khó khi đề nghị thanh toán. Câu chuyện không phải hiếm gặp khi vấn đề thiếu sinh phẩm, vật tư y tế nổi cộm trong thời gian qua.
Sau khi báo Dân trí chia sẻ câu chuyện về ông Nguyễn Đức Tâm, 68 tuổi, sống tại Hà Nội đã 3 năm ròng rã "gõ cửa" cơ quan chức năng nhưng chưa được thanh toán tiền thuốc (có trong danh mục bảo hiểm y tế), nhiều bạn đọc cũng đã phản ánh về vấn đề tương tự mà mình gặp phải.
Một độc giả sống tại Tây Ninh cho biết, khi đưa con đi khám tại bệnh viện tuyến huyện, dù có bảo hiểm y tế nhưng đã phải tự mua nhiều vật tư y tế vì bệnh viện không còn để cấp.
"Bên cạnh thuốc men, tôi phải tự mua nhiều vật tư khác, thậm chí đến cả kim lấy máu cho trẻ", độc giả chia sẻ.
Đáng chú ý, theo độc giả này, toàn bộ hóa đơn thuốc men và vật tư y tế phải tự mua ở nhà thuốc trong quá trình con nằm viện, chỉ đơn giản là mẩu giấy viết tay.
Do đó, dù có mua bảo hiểm y tế tự nguyện, nhưng sau khi xuất viện vẫn không thể thanh toán các khoản mình phải tự mua.
"Vì thiếu hóa đơn tài chính, chứng từ theo quy định tất nhiên mất trắng", độc giả này bức xúc.
Nhiều độc giả khác cũng bày tỏ quan điểm, vì hiểu rõ gánh nặng bệnh tật nên luôn cố gắng để người thân và gia đình tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, việc thiếu thuốc, vật tư y tế kéo dài khiến người bệnh phải tự mua từ ga giường, viên thuốc đến cây kim đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế và gây nhiều bức xúc.
Không chỉ là vấn đề về tài chính, người bệnh còn bày tỏ nhiều mối lo khi phải tự ra ngoài mua thuốc, đặc biệt là về chất lượng.
Ông Nguyễn Đức Tâm (nhân vật trong bài viết trước đó của Dân trí) cho biết, người bệnh thiệt đơn, thiệt kép khi phải tự ra ngoài mua thuốc vì bệnh viện không còn để cấp.
Theo ông, việc người dân tự ra ngoài mua thuốc còn có nguy cơ mua nhầm thuốc không đảm bảo chất lượng. Điều này rất nguy hiểm, đặc biệt với những bệnh nhân tuổi cao, mắc bệnh mạn tính phải uống thuốc cả đời như ông
Bác sĩ cũng áp lực vì bệnh viện hết thuốc
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện tuyến Trung ương cho biết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đang là vấn đề chung của nhiều cơ sở y tế.
Bản thân bác sĩ này cũng gặp áp lực khi thường xuyên phải giải thích với bệnh nhân về việc hết thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế.
"Với trường hợp loại thuốc chỉ định cho bệnh nhân bị hết, chúng tôi phải giải thích kỹ với bệnh nhân và gia đình về tình trạng khó khăn chung và dựa theo nguyện vọng của bệnh nhân để có phương án phù hợp. Việc này đương nhiên mất nhiều thời gian, trong khi các nhiệm vụ chuyên môn của chúng tôi rất nhiều", bác sĩ chia sẻ.
Thông thường sẽ có 2 tình huống xảy ra.
Với trường hợp bệnh nhân vẫn mong muốn sử dụng đúng loại thuốc đó và sẵn sàng tự bỏ chi phí, bác sĩ sẽ kê đơn, hướng dẫn bệnh nhân tự mua ở ngoài.
"Trong trường hợp bệnh nhân không có điều kiện, mong muốn mua được thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, chúng tôi sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc thay thế. Đương nhiên loại thuốc này hiệu quả sẽ không thể cao bằng và chúng tôi sẽ giải thích rõ cho bệnh nhân về vấn đề này", vị bác sĩ chia sẻ.
Theo bác sĩ này, hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nói về vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế trong thời gian dài. Do đó, đa phần bệnh nhân đều thông cảm khi gặp vấn đề này. Tuy nhiên, cũng có khoảng 5% các bệnh nhân bày tỏ sự bức xúc trực tiếp với bác sĩ kê đơn.
Bác sĩ cho biết, với các trường hợp chỉ phải uống thuốc một đợt và chi phí thấp, bệnh nhân cũng dễ chấp nhận phải tự mua ở ngoài.
Tuy nhiên, với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, việc thiếu thuốc trong thời gian dài, cũng sẽ là một gánh nặng lớn với bệnh nhân. Kéo theo đó, việc giải thích cho bệnh nhân và mong bệnh nhân thông cảm là hết sức khó khăn.
Tương tự, một bác sĩ trẻ đang công tác tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh cũng bày tỏ áp lực khi phải giải thích cho bệnh nhân tự mua thuốc ở ngoài, vì bệnh viện không còn để cung ứng.
Theo bác sĩ này, mặc dù khá hy hữu nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân phản ứng mạnh, bức xúc vì vấn đề này. Đây là áp lực lớn với bác sĩ phải trực tiếp giải thích cho bệnh nhân, đặc biệt là với các bác sĩ trẻ, còn ít kinh nghiệm.
Thanh toán cho bệnh nhân tự mua thuốc bảo hiểm: Bài toán khó
Vừa qua, Bộ Y tế đã có đề xuất cơ chế chi trả khi người có thẻ bảo hiểm y tế tự mua thuốc.
TS.BS Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành, Bệnh viện TP Thủ Đức bày tỏ băn khoăn khi vận dụng quy định sẽ có những tình huống khó khăn phát sinh.
Ông dẫn chứng, thuốc đấu thầu trong bệnh viện thông thường sẽ có "giá thấp nhất". Trong khi đó, nếu người dân tự mua ở nhà thuốc tư nhân, giá có thể cao hơn vì mang tính thương mại. Như vậy, phần chênh lệch so với giá thầu sẽ được chi trả như thế nào cần được cơ quan quản lý làm rõ.
Đồng quan điểm, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, việc xây dựng hướng dẫn chi tiết để chi trả cho bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế tự mua thuốc cần phải được tính toán kỹ và sẽ là "câu chuyện dài".
"Nguyên tắc tài chính là vấn đề phải được kiểm soát rất kỹ, một đồng của ngân sách nhà nước cũng phải được kiểm tra. Do đó, việc các cơ quan có thẩm quyền thận trọng là điều cần thiết", luật sư Tiền chia sẻ.
Theo ông, cơ sở thanh toán thuốc bảo hiểm y tế phải dựa vào mức giá đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, khi thanh toán cần có hóa đơn tài chính theo quy định.
Tuy nhiên, đây là vấn đề nan giải với các bệnh nhân phải tự mua thuốc bảo hiểm ở ngoài.
"Trước hết, đa phần quầy thuốc tư nhân không có hóa đơn tài chính khi người bệnh mua thuốc. Thêm vào đó, giá thuốc ở các quầy thuốc tư nhân có thể bị đẩy lên nhằm mục đích thương mại.
Như vậy khi thanh toán với mức chi trả của bảo hiểm (được xây dựng dựa trên giá mua thấp nhất) người dân dễ bị thiệt. Ví dụ đi mua thuốc 10 đồng nhưng chỉ được thanh toán 7-8 đồng", luật sư Tiền phân tích.
Cũng theo luật sư Tiền, hướng dẫn mới cần niêm yết công khai giá thuốc thanh toán theo bảo hiểm y tế, lấy đó làm chuẩn để thanh toán hoàn trả.
Bên cạnh đó, theo ông vấn đề gốc rễ vẫn là trách nhiệm của ngành y tế phải đảm bảo thuốc trong danh mục, để đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.
"Ở Việt Nam, số lượng người tham gia bảo hiểm y tế là rất lớn. Do đó, vấn đề này cần được giải quyết sớm, thấu đáo và hài hòa lợi ích. Vấn đề không chỉ là tiền thanh toán mà còn là sự an tâm và hài lòng của người dân tham gia bảo hiểm y tế", luật sư Tiền nhấn mạnh.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ BHYT hoặc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi đủ 3 điều kiện sau:
- Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.
- Người bệnh được chẩn đoán, kê đơn và chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng tại thời điểm sử dụng hoạt chất thuốc, vật tư y tế không sẵn có tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
+ Không sẵn có thuốc thành phẩm nào chứa hoạt chất mà người bệnh được chỉ định.
+ Không sẵn có vật tư y tế phù hợp mà người bệnh được chỉ định sử dụng.