Khổ vì hết thuốc bảo hiểm- Bài 1

Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm: Tự mua, cụ ông 3 năm mòn mỏi chờ hoàn tiền

Nhóm PV Sức khỏe

(Dân trí) - Ròng rã 3 năm, hàng chục lần lên cơ quan chức năng đòi quyền lợi, bệnh nhân vẫn chưa được hoàn trả tiền thuốc trong danh mục bảo hiểm.

Lời Tòa soạn: Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm, bệnh nhân phải tự ra ngoài mua, thế nhưng bệnh nhân lại gặp khó khi đề nghị thanh toán. Câu chuyện không phải hiếm gặp khi vấn đề thiếu sinh phẩm, vật tư y tế nổi cộm trong thời gian qua.

Khổ vì bệnh viện hết thuốc bảo hiểm

Phải tự ra ngoài mua thuốc trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, để điều trị bệnh mạn tính, do bệnh viện hết thuốc, nhưng ròng rã 3 năm, hàng chục lần lên cơ quan chức năng đòi quyền lợi, bệnh nhân vẫn chưa được quỹ bảo hiểm hoàn trả tiền thuốc.

Đây là câu chuyện của ông Nguyễn Đức Tâm, 68 tuổi, sống tại Hà Nội. Ông Tâm phản ánh câu chuyện của mình về báo điện tử Dân trí sau khi đọc được bài phản ánh "Con gái bức xúc vì cha mổ sỏi thận phải tự đi mua băng gạc, ga trải giường" của một bệnh nhân ở Bình Dương mới đây.

Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm: Tự mua, cụ ông 3 năm mòn mỏi chờ hoàn tiền - 1

Trong 3 năm qua ông Tâm đã hàng chục lần đi đòi quyền lợi bảo hiểm (Ảnh: P.V.).

Theo chia sẻ của ông Tâm, từ năm 2019, ông được điều trị suy tuyến thượng thận do u tuyến yên bằng thuốc Hydrocortisone 10mg (loại uống) tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai.

Theo tìm hiểu, ông Tâm được biết thuốc Hydrocortisone 10mg (loại uống) dùng để điều trị bệnh của mình nằm trong Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, theo Thông tư 30/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Do đó, ông Tâm đã làm theo quy trình đăng ký ở Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa, để đơn vị này làm công văn sang các cấp có thẩm quyền, phục vụ cho việc chi trả tiền thuốc theo quyền lợi bảo hiểm y tế cho ông Tâm.

Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai đã hoàn lại tiền thuốc Hydrocortisone 10mg đã kê cho ông Tâm theo quy định.

Đến tháng 3/2020, ông Tâm được Bệnh viện Hòe Nhai chuyển tuyến lên điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm: Tự mua, cụ ông 3 năm mòn mỏi chờ hoàn tiền - 2

Đơn thuốc của ông Tâm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Ảnh: P.V.).

Tại đây, ông Tâm tiếp tục được bác sĩ kê đơn thuốc Hydrocortisone 10mg. Trong đơn thuốc ghi rõ, bệnh nhân tự mua thuốc. Theo ông Tâm, phía bệnh viện giải thích là do bệnh viện không còn thuốc để cấp.

Vấn đề phát sinh khi ông Tâm không được thanh toán tiền thuốc Hydrocortisone 10mg do mình tự mua theo chế độ bảo hiểm y tế như trước đây, dù nhiều lần làm đơn yêu cầu giải quyết. Nguyên nhân được các cơ quan có thẩm quyền đưa ra là "Chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán".

3 năm, hàng chục lần đi "đòi" quyền lợi bảo hiểm

Cầm tập giấy tờ dày cộp là những văn bản trả lời của cơ quan chức năng cho trường hợp của mình, ông Tâm chua chát nói: "Có cán bộ gọi sự việc của tôi là chuyện ngày xưa, kiểu truyện cổ tích, ý nói đã kéo dài lâu rồi mà chưa được giải quyết".

Ròng rã từ năm 2020 đến nay, ông Tâm trở thành gương mặt quen thuộc tại Phòng tiếp công dân tại trụ sở của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 150 phố Vọng, Đống Đa, Hà Nội.

3 năm qua, ông Tâm hàng chục lần đi "đòi" quyền lợi bảo hiểm (P.V.).

"Tôi đã kiến nghị đủ các cấp của bảo hiểm xã hội, từ cấp cơ sở (Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa), lên Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, rồi đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp công dân vào ngày 20 hàng tháng. Trong 3 năm qua, gần như tôi không bỏ một buổi nào. Tuy nhiên, vấn đề của mình vẫn chưa được giải quyết", ông Tâm bức xúc.

Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm: Tự mua, cụ ông 3 năm mòn mỏi chờ hoàn tiền - 4

Công văn phúc đáp ngày 13/8/2021 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Ảnh: P.V.).

Theo các văn bản ông Tâm cung cấp cho phóng viên báo Dân trí, ngày 13/8/2021, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã có công văn Số 1581/BVNTTW gửi Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Đây là công văn phúc đáp công văn số 3053/BHXH-GDDBHYT2 ngày 5/7/2021 của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội về việc giải quyết đơn đề nghị của ông Nguyễn Đức Tâm.

Theo nội dung của công văn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nêu rõ, nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế được quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BYT:

"Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí thuốc theo số lượng thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua vào của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc, phù hợp với phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện".

Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm: Tự mua, cụ ông 3 năm mòn mỏi chờ hoàn tiền - 5

Công văn về việc giải quyết trường hợp của ông Tâm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 19/9 (Ảnh: P.V.).

Tuy nhiên, bệnh viện không thể mua được thuốc Hydrocortisone 10mg (uống) theo quy định của pháp luật về đấu thầu mua thuốc do:

Bệnh viện đã tổ chức lựa chọn nhà thầu nhiều năm liên tiếp nhưng không có nhà thầu chào thầu.

Bệnh viện cũng đã gửi công văn số 322/BVNNTW ký ngày 17/4/2019 đến Bộ Y tế để xin phê duyệt nhập khẩu 100.000 viên thuốc Hydrocortisone 10mg (uống) nhưng đến nay chưa được Bộ Y tế phê duyệt.

Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược chưa công bố dữ liệu trúng thầu của thuốc này để bệnh viện có cơ sở xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc.

Vì vậy, Bệnh viện Nội tiết Trung ương không có cơ sở để thanh toán chi phí thuốc Hydrocortisone 10mg (uống) cho ông Tâm, theo yêu cầu của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trong công văn.

Ngày 19/7/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn số 1943/BHXH-CSYT gửi ông Tâm để trả lời đơn yêu cầu giải quyết ngày 24/6/2022 về việc hoàn tiền mua thuốc của ông.

Theo nội dung trong văn bản này, Bộ Y tế đã có Công văn số 8123/BYT-BH gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đây là văn bản phản hồi sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn số 2272/BHXH-DVT gửi Bộ Y tế đề nghị cho ý kiến về thanh toán đối với trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời hoặc không đúng quy định.

Căn cứ theo công văn của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ, cơ quan bảo hiểm xã hội không có cơ sở để thanh toán với trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế do cơ sở khám chữa bệnh cung ứng không đầy đủ, không kịp thời hoặc không đúng quy định của pháp luật.

Ông Tâm cho biết, bản thân không đồng tình với kết luận trong văn bản phản hồi ở trên nên tiếp tục khiếu nại lên Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ông dẫn chứng Điểm b, Khoản 2, công văn số 95/BHXH-CSYT ngày 8/1/2019 về việc hướng dẫn tổ chức thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP.

Theo đó, cơ sở y tế khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải: "Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nếu để người bệnh phải tự mua, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh".

Đúng quy định nhưng cần chờ hướng dẫn

Theo ông Tâm, trong các lần gặp lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở các buổi tiếp dân xuyên suốt giai đoạn 2022-2023, để yêu cầu hoàn tiền mua thuốc Hydrocortisone, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều khẳng định các vấn đề sau:

1) Chi phí điều trị cho ông Tâm bằng Hydrocortisone là thuộc nguồn chi trả của bảo hiểm y tế.

2) Yêu cầu được hoàn trả tiền mua Hydrocortisone của ông Tâm là hợp pháp và chính đáng.

3) Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Nhà nước giao thẩm quyền quản lý thu chi Quỹ Bảo hiểm Y tế theo quy định của pháp luật. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cam kết làm việc với Bộ Y tế, để hoàn trả tiền mua thuốc cho ông Tâm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, theo ông, phía cơ quan bảo hiểm chỉ có thể thực hiện thanh toán cho trường hợp của ông, khi được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Y tế có quy định cụ thể.

Ông Tâm chia sẻ: "Bảo hiểm xã hội cho biết tiếp tục báo cáo trường hợp của tôi sang Bộ Y tế, để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Theo đó, ngày 11/8/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi công văn số 2185/BHXH-CSYT; ngày 19/9/2023, đơn vị này tiếp tục gửi công văn số 2910/BHXH-CSYT sang Bộ Y tế, để đề nghị có hướng dẫn giải quyết trường hợp của tôi".

Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm: Tự mua, cụ ông 3 năm mòn mỏi chờ hoàn tiền - 6

Theo công văn mới đây nhất vào ngày 1/11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn giải quyết trường hợp của ông Tâm (Ảnh: P.V.).

Mới nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn số 3655/BHXH-TTKT ra ngày 1/11 gửi ông Tâm, trong đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục khẳng định "thuốc Hydrocortisone là thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 31 Luật Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định".

"Cho đến nay Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa nhận được ý kiến của Bộ y tế", công văn nêu rõ.

Bệnh viện hết thuốc bảo hiểm: Tự mua, cụ ông 3 năm mòn mỏi chờ hoàn tiền - 7

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã nhiều lần có văn bản đề nghị hướng dẫn giải quyết trường hợp của ông Tâm lên Bộ Y tế (Ảnh: P.V.).

3 năm ròng rã đòi quyền lợi, theo ông Tâm, rất mất thời gian và mệt mỏi. Tuy nhiên, vì mắc bệnh mạn tính và phải uống thuốc suốt đời nên nếu không được bảo hiểm y tế chi trả sẽ là một gánh nặng kinh tế tương đối lớn.

"Loại thuốc này ngày nào tôi cũng phải uống, mỗi tháng lại lên viện nhận thuốc một lần. Mỗi năm chi phí cho thuốc khoảng 5-7 triệu đồng. Nếu thuốc chỉ cần uống vài tháng đến một năm là khỏi, chắc tôi sẽ chấp nhận tự chi trả vì quá gian nan", ông Tâm chia sẻ.

Cũng theo ông, từ tháng 6, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã bắt đầu kê một loại thuốc mới để thay thế. Ông cho biết, bác sĩ giải thích loại thuốc này không tốt bằng thuốc cũ nhưng bệnh viện sẵn có và có thể thanh toán luôn theo chế độ bảo hiểm y tế.

Sinh năm 1956, tuổi tác cộng với bệnh tật giày vò, ông Tâm mang dáng vẻ mệt mỏi ở tuổi xế chiều. Vậy nhưng điều làm ông ưu phiền hơn cả bệnh tật, là việc theo đuổi đòi hỏi quyền lợi. Chế độ đương nhiên ông được hưởng thì 3 năm nay ông phải mòn mỏi đi tìm, mà chưa biết kết quả ra sao. Yêu cầu của ông được cơ quan chức năng trả lời là hợp pháp và chính đáng, nhưng phải chờ hướng dẫn. Ông chưa biết mình phải chờ tới khi nào.

Cụ ông vẫn đợi tới ngày 20 hàng tháng để tiếp tục hành trình từ nhà tới trụ sở của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để để nghị cơ quan chức năng giải quyết một nguyện vọng chính đáng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đề xuất bảo hiểm thanh toán cho người bệnh phải tự mua thuốc

Chiều 7/11, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) tổ chức tọa đàm về dự thảo thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

ThS Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết, việc cơ sở y tế phải đảm bảo đủ thuốc cho người bệnh là một trong những trách nhiệm của cơ sở, được quy định trong luật và nhiều văn bản khác nhau.

Tuy nhiên, thời gian qua do nhiều nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) dẫn đến việc thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế. 

Hiện nay, theo quy định của Luật BHYT, có 3 trường hợp người bệnh được thanh toán chi phí trực tiếp với cơ quan BHXH.

Thứ nhất là trường hợp người bệnh phải khám tại cơ sở y tế chưa ký hợp đồng bảo hiểm. Chẳng hạn, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại một cơ sở y tế tuy nhiên, cơ sở này chưa ký hợp đồng BHYT. 

Thứ 2 là trong một số trường hợp nhất định khi người bệnh đi thanh toán mà có thiếu sót về mặt trình tự thủ tục thì vẫn được thanh toán lại với cơ quan BHXH, tuy nhiên trường hợp này mức thanh toán vẫn rất thấp.

Thứ 3 là những trường hợp đặc biệt khác.

Theo bà Trang, Bộ Y tế đang cân nhắc xem liệu có thể vận dụng các trường hợp này để dự thảo các quy định về thanh toán trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì các lý do khách quan...

Đồng thời, cần có những giải pháp để làm sao không lạm dụng những trường hợp này.

Ban soạn thảo tập trung quy định các trường hợp được thanh toán trực tiếp là những trường hợp trong điều kiện cơ sở y tế không cung ứng được thuốc vì lý do khách quan, bất khả kháng.