Vụ án oan 38 năm trước: Vì sao người dân phải đi đòi bồi thường?
(Dân trí) - Cựu Thẩm phán TAND Tối cao, các luật sư cho rằng trong vụ án oan của ông Trịnh Dân Cường, các cơ quan tố tụng cần sửa sai bằng cách xin lỗi, thỏa thuận để bồi thường cho ông Cường.
Vụ án oan của ông Trịnh Dân Cường (SN 1956, ngụ quận 6, TPHCM) nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều năm qua bởi ông đã được xác định không liên quan tới vụ án trộm vàng năm 1985, nhưng tới nay vẫn mang thân phận bị can. Suốt hơn 30 năm qua, ông Cường đi khiếu nại khắp nơi song vẫn chưa được xin lỗi và bồi thường.
VKSND quận 6 giữ quan điểm ông Cường bị bắt giam giữ trước ngày 1/7/1996 và được xác định là oan sai bởi bản án hình sự phúc thẩm ngày 21/2/1990 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM, nhưng đến nay ông Cường mới nộp đơn yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Do vậy, yêu cầu của ông đã hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
TAND quận 6 đình chỉ giải quyết vụ án ông Cường kiện VKSND quận 6 với lý do "chưa đủ điều kiện khởi kiện" theo quy định tại Khoản 5, Điều 3, Điều 9; Khoản 3, Điều 18 và Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
"Phải bù đắp cho cái sai"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, một cựu Thẩm phán TAND Tối cao cho biết, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ban hành từ tháng 6/2009, quy định hết thời hạn 2 năm mà người bị oan không yêu cầu bồi thường thì bị coi là hết thời hiệu. Thời điểm đó, Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung.
Hiện nay, Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Tố tụng hình sự đã được Quốc hội thông qua năm 2015 không còn quy định về thời hiệu khởi kiện nữa. Trong khi đó, việc bồi thường án oan sai vẫn chưa sửa đổi, bổ sung về thời hiệu yêu cầu bồi thường án oan sai (vẫn để 2 năm).
"Theo tôi điều này không còn phù hợp, cần phải xem xét lại để giải quyết linh động, không cứng nhắc", vị này nói.
Cựu thẩm phán cho rằng, việc yêu cầu người dân phải làm đơn kịp thời để yêu cầu được bồi thường là điều "tréo ngoe". Bởi bồi thường oan cho một công dân là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, trong vụ việc của ông Cường, VKSND quận 6 cần phải nhanh chóng sửa sai.
"Phải bù đắp cho cái sai mình đã gây ra. Việc xin lỗi, bồi thường là điều đương nhiên phải làm. Nếu xử lý các vụ oan mà vẫn cứng nhắc hết thời hiệu để xử lý thì tôi cho rằng không hợp tình", cựu Thẩm phán TAND Tối cao nói.
Quy định thời hiệu đã không còn phù hợp
Luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, việc oan sai của ông Trịnh Dân Cường đã được xác định cụ thể trong Bản án số 106/HSPT ngày 21/3/1990 của Tòa phúc thẩm tại TPHCM.
Theo đó, bản án này đã tuyên xử một số cán bộ của Công an quận 6 và VKSND quận 6 về các tội Bắt người trái pháp luật, Giữ người trái pháp luật, Giam người trái pháp luật đối với ông Cường.
Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước ban hành năm 2009 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường oan sai là 2 năm.
"Theo tôi quy định hiện nay là không còn phù hợp. Vì theo quy định tại Khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: Người bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Đây là văn bản pháp luật có trị cao nhất và không quy định về thời hiệu", luật sư Việt nêu quan điểm.
Việc ông Trịnh Dân Cường bị cơ quan tiến hành tố tụng bắt, tạm giam trái pháp luật cách đây đã hơn 38 năm. Và trong suốt thời gian đó ông Cường đã đi nhiều nơi, gõ của nhiều cơ quan chỉ để mong muốn có một lời xin lỗi, bồi thường một cách thỏa đáng do hành vi sai trái của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra nhưng đến nay đã hơn 38 năm vẫn chưa có cơ quan nào giải quyết cho ông.
Theo luật sư Việt, việc bồi thường, xin lỗi công khai là việc mà cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm phải làm chứ không phải đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác và cuối cùng là đẩy trách nhiệm lại cho người dân.
"Trong khi cơ quan tiến hành tố tụng làm oan người dân, khi người đó được xác định là oan thì phải đi đòi các quyền đương nhiên của mình mới được giải quyết. Đây là một điều vô lý. Việc các cơ quan có thẩm quyền từ đùn đẩy trách nhiệm, từ chối giải quyết cho ông Cường mặc dù biết rõ ông bị oan là không đúng quy định", luật sư nói.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tấn Thi (Công ty Luật TNHH Hoa Sen) nhấn mạnh, xét ý nghĩa của thời hiệu, đây là khái niệm do nhà làm luật đưa ra làm công cụ bảo vệ Nhà nước, pháp luật, giúp hạn chế các vụ việc tồn đọng, kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của Nhà nước. Tuy nhiên, mục đích tối thượng của pháp luật là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công dân.
Do vậy, luật sư Thi cho rằng, cần đánh giá khách quan, thấu tình đạt lý những thiệt hại mà người bị oan sai phải chịu đựng, cũng như hoàn cảnh, điều kiện của người oan sai khiến họ không thực hiện được các quyền hợp pháp của mình trong thời hạn. Bị oan sai đã thiệt hại quá nhiều.
"Về phía cơ quan tiến hành tố tụng, việc bồi thường oan sai cho công dân lẽ ra phải là trách nhiệm, thay vì vận dụng những quy định pháp luật cứng nhắc, máy móc để truất quyền hợp pháp, chính đáng của công dân. Việc oan sai đối với ông Trịnh Dân Cường là có thật, sự việc đã xảy ra từ năm 1985, tuy nhiên oan sai kéo dài đến gần 40 năm chưa được giải quyết, trách nhiệm là ở các cơ quan tiến hành tố tụng.
Một ngày chưa được giải oan thì nỗi đau đối với người bị oan sai vẫn còn đó. Việc oan sai đã tạo nên nỗi đau và sự tổn hại, mất mát quá lớn về sức khỏe, gia đình, danh dự, nhân phẩm cho ông Cường mà không gì có thể bù đắp được", luật sư Thi phân tích.
Theo luật sư, lẽ ra, vào năm 1990, ngay sau khi có bản án số 106/HSPT thì VKSND quận 6 và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chủ động ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và tổ chức xin lỗi, bồi thường cho ông Trịnh Dân Cường. Để vụ việc kéo dài hàng chục năm, gây bao hệ lụy, lỗi là do các cơ quan trên.
"Khi người bị oan sai còn sống thì nên kịp thời xử lý linh động, thấu lý đạt tình, đừng nên máy móc đổ lỗi người dân không sớm yêu cầu, hết thời hiệu, mất quyền lợi được bồi thường", luật sư Thi nói.
Vụ án tương tự được giải quyết ra sao?
Tháng 11/2019, VKSND Tối cao ban hành "Thông báo rút kinh nghiệm" liên quan tới vụ án của ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958), là bộ đội chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Vụ án này xảy ra cũng cùng thời điểm với vụ án của ông Cường nhưng đã được xem xét và giải quyết xin lỗi, bồi thường thiệt hại.
Theo nội dung vụ án, tháng 7/1979, ông Dũng về thăm gia đình ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khoảng 23h ngày 26/7/1979 xảy ra vụ cướp có vũ khí tại nhà ông Nguyễn Văn Đơ cùng xã Đôn Thuận.
Công an địa phương đã bắt ông Dũng và một số người khác đưa về trụ sở Công an huyện Trảng Bàng. Tại đây, ông Dũng khai nhận đã cướp tài sản ông Đơ. Ngày 27/7/1979, Công an huyện Trảng Bàng đã khởi tố bị can về tội Cướp tài sản công dân, lệnh tạm giam đối với ông Dũng.
Quá trình điều tra không đủ chứng cứ truy tố, nên ngày 11/5/1983 VKSND tỉnh Tây Ninh phải ra quyết định đình chỉ điều tra, xác định ông Dũng không phạm tội. Ông Dũng bị tạm giam từ ngày 27/7/1979 đến ngày 11/5/1983, tức 3 năm 9 tháng 14 ngày (tương đương 1.379 ngày).
Sau khi được trả tự do, ông Dũng đã có đơn yêu cầu giải quyết bồi thường oan sai. Sau nhiều năm tranh cãi qua lại giữa các cơ quan bảo vệ luật pháp như: VKSND Tây Ninh, Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao…, với các lý do tương tự vụ ông Trịnh Dân Cường do "hết thời hiệu", "thời điểm năm 1983, Nhà nước chưa ban hành quy định việc bồi thường bắt giam oan".
Theo Nghị quyết 338 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, "ông Dũng không có đơn yêu cầu bồi thường, nên theo quy định pháp luật, ông Dũng đã tự từ bỏ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan…, nên không có căn cứ xem xét thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị bắt oan" cho ông Dũng.
Song, ngày 21/3/2019, VKSND Tối cao đã có công văn yêu cầu VKSND tỉnh Tây Ninh tổ chức xin lỗi công khai đối với ông Nguyễn Văn Dũng; bổ sung tài liệu của hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ông Dũng.
Ngày 30/10/2019, VKSND tỉnh Tây Ninh đã chính thức tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Nguyễn Văn Dũng cùng 7 nạn nhân khác bị oan sai trong vụ án, sau 40 năm gánh chịu bao nhiêu oan ức.
Vụ 7 VKSND Tối cao cho rằng đây là trường hợp điển hình về vụ việc xảy ra đã lâu, hồ sơ tố tụng cũng như các loại giấy tờ, sổ sách chứng minh việc ông Dũng gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến các cơ quan có thẩm quyền bị thất lạc, mất nhiều thời gian tìm kiếm khôi phục.
Do đó, Vụ 7 đề nghị khi xảy ra các vụ việc có dấu hiệu oan, Thủ trưởng, Viện trưởng VKSND các cấp phải quan tâm xem xét giải quyết các yêu cầu bồi thường với thái độ cầu thị, không đùn đẩy, né tránh.
"Khi xác định rõ trách nhiệm bồi thường của VKS thì phải chủ động công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho người bị oan, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người bị oan. Không chờ cấp kinh phí xong mới tiến hành xin lỗi, phục hồi danh dự", thông báo nêu.
"Vậy tại sao với vụ việc ông Trịnh Dân Cường, các cơ quan tố tụng lại không xử lý thế này?", cựu Thẩm phán TAND Tối cao đặt câu hỏi.
22h ngày 27/2/1985, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (nhà ở đường Bãi Sậy, quận 6) báo án mất trộm vàng. Ngày 28/2/1985, Công an quận 6 đã tạm giữ ông Trịnh Dân Cường, Hồ Văn Được và Trần Đức Ẩn.
Công an quận 6 đã ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam cả 3 người vào Trại tạm giam Chí Hòa, các quyết định này được Viện KSND quận 6 phê chuẩn.
Quá trình giam giữ, cả 3 ông không thừa nhận hành vi phạm tội. Ông Được đã tự vẫn tại buồng giam. Ngày 19/9/1985, ông Ẩn được trả tự do và khoảng 1 năm sau thì qua đời.
Riêng ông Cường bị chuyển lên trại Tống Lê Chân để tập trung cải tạo nhưng không có quyết định của UBND TPHCM hay UBND quận 6. Ông Cường được trả tự do ngày 3/12/1986.
Mời độc giả đón đọc những bài liên quan:
- Xin ăn, sống lang thang, chờ ngày được xin lỗi về vụ án oan 38 năm trước
- Hành trình khiếu kiện của người đàn ông bị bắt oan 38 năm trước
- Vụ án oan 38 năm trước: Những ai gây tội cho ông Trịnh Dân Cường?
- Vụ án oan 38 năm trước: Vì sao các cơ quan tố tụng không đồng ý bồi thường?