DNews

Xin ăn, sống lang thang, chờ ngày được xin lỗi về vụ án oan 38 năm trước

Hoài Thanh

(Dân trí) - Năm 1985, ông Trịnh Dân Cường bị bắt giam. Gần 2 năm sau đó ông được trả tự do vì không liên quan tới vụ án, nhưng đến nay vẫn chưa được xin lỗi và bồi thường.

Xin ăn, sống lang thang, chờ ngày được xin lỗi về vụ án oan 38 năm trước

Đêm 28/2/1985 là ký ức ám ảnh cả đời ông Trịnh Dân Cường (SN 1956, ngụ quận 6, TPHCM) khi ông cùng hai người anh em họ bị buộc tội lấy trộm 5,5 lượng vàng của hàng xóm. Ông Cường bị bắt giam, sống những ngày tháng ngục tù dù bản thân một mực không thừa nhận hành vi phạm tội.

Ngày ông được trả tự do vì được xác định bị oan, ông nghĩ sẽ thoát khỏi thân phận bị can, được xin lỗi và bồi thường cho chuỗi ngày oan ức của mình.

Thế nhưng, 38 năm qua, hành trình gõ cửa cơ quan tố tụng của ông Cường vẫn chưa đi đến hồi kết. "Tôi vẫn kiên trì và tin sẽ lấy lại được công bằng như những gì tôi xứng đáng nhận được", ông Cường nói.

Chuỗi ngày biệt giam, không thấy mặt trời

Trong con hẻm nhỏ ở quận 6, ngoằn ngòeo và khó tìm số, căn nhà tầm 10m2 ông Cường ở trông ẩm thấp, tối tăm. Người đàn ông với dáng người nhỏ thó, mặc chiếc áo sơ mi cũ và cũng là chiếc áo đã luôn được ông mặc khi xuất hiện trên báo chí, ra trước cửa đứng chờ để đón phóng viên.

Căn nhà này là của một người cháu cho ông Cường ở nhờ nhiều năm nay. Có hôm ông ở đây, có ngày ông lại lang thang bên ngoài để xin cơm, thậm chí ngủ ngoài đường.

Bên trong căn nhà chật chội, để lộn xộn các vật dụng đã cũ. Ông Cường cầm xấp giấy là tài liệu, hồ sơ về vụ án và hành trình gần 35 năm đi kiện của bản thân mình.

Xin ăn, sống lang thang, chờ ngày được xin lỗi về vụ án oan 38 năm trước - 1

Ông Trịnh Dân Cường bên tập hồ sơ vụ án (Ảnh: Hoài Thanh).

Ông kể, vào 22h ngày 27/2/1985, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (nhà ở đường Bãi Sậy, quận 6) báo án mất trộm 5,5 lượng vàng, 118.000 đồng và một số nữ trang. 

"Thời điểm đó tôi vừa về ở nhà mẹ vợ được mấy tháng. Nhà bà Cúc sát vách nhà tôi. Lúc đó bà ấy nói mấy người nhà nghèo lấy chứ không ai. Hiện trường khi đó tiền được rải từ ngoài vào trong, khoét một lỗ thông sang nhà tôi, trời bữa đó mưa nhưng lại không có dấu chân gì, hình sự sau đó chỉ khám nghiệm thấy dấu tay bà Cúc", ông Cường kể.

Theo ông, lúc đó có ông Trần Văn Răng, Đội phó Cảnh sát hình sự Công an quận 6, xuống hiện trường và khẳng định là hiện trường giả. Song, khi báo cáo cho ông Nguyễn Hữu Đô, Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an quận 6, thì bị bác bỏ. 

Ngày hôm sau, Công an quận 6 đã ra quyết định tạm giữ ông Trịnh Dân Cường cùng anh vợ là Hà Văn Được và anh cột chèo Trần Đức Ẩn. Cả 3 sau đó bị khởi tố và và tạm giam, các quyết định này được Viện KSND quận 6 phê chuẩn.

"3 chúng tôi được chuyển vào trại giam Bà Lài ở quận 6 để hỏi cung trong 3 tuần. Hỏi cung xong không khai thác được thì mới chuyển đi trại tạm giam Chí Hòa, nhốt vào phòng biệt giam AB. Nếu cô (phóng viên - PV) có được xem hình ảnh về phòng biệt giam này sẽ biết nó khủng khiếp thế nào", ông Cường chia sẻ.

Tới ngày 8/4/1985, anh vợ của ông Cường là Hồ Văn Được đã chết trong phòng tạm giam Chí Hòa. Bà Đồng Thị Ba, mẹ vợ ông Cường, làm đơn khiếu nại các cơ quan chức năng, sau đó chính quyền thành phố vào cuộc thanh tra.

Ngày 23/8/1985, ông Ẩn được trả tự do. Tuy nhiên, đến 19/9/1985, Công an quận 6 mới thả ông Ẩn về. 

"Tôi vẫn bị hỏi cung như bình thường. Suốt 9 tháng trong buồng biệt giam, tối lắm, chỉ có một bóng đèn nhỏ xíu. Khi đưa tôi ra ngoài để hỏi cung, mắt tôi mờ, không nhìn thấy đường", người đàn ông 67 tuổi thuật lại.

Nhớ lại những ngày biệt giam, ông Cường nói có một điều khiến ông "cảm thấy hận", đó là ca nước sinh hoạt được cán bộ quản giáo để ở cuối phòng giam, trong khi chân ông bị cùm lại phía trên.

"Ca nước khoảng 2 lít sử dụng trong một ngày, từ uống, tắm rửa tới đi vệ sinh. Ngày hôm sau sẽ được cho ca nước khác. Tôi hận là vì sao ca nước không để trước mặt mình, cứ mỗi lần di chuyển xuống lấy nước là xích cứa vào chân tôi chảy máu", ông nói, giọng xót xa.

Theo lời ông Cường, cán bộ vào phòng giam hỏi ông tại sao không khai và khuyên nên nhận tội, nhưng ông Cường nhất quyết không vì bản thân không làm.

"Tôi không có lấy, nếu giờ tôi nói có thì tiền, vàng ở đâu để đưa ra nộp. Thật sự tôi không có, nếu có tôi sẽ đưa cho cán bộ. Tôi bị đánh nhiều quá đuối sức, giờ tôi mà chết sẽ bớt bị đánh, nhưng tự vẫn thì tôi không đủ can đảm, thà có ai lấy súng bắn tôi một phát cho xong", ông Cường kể lại lời ông nói với cán bộ trại giam khi đó.

Bữa sáng của ông Cường là nửa chén cơm, một cọng rau muống, 2 hột muối hột. Ông nói, ăn uống khổ sở tới mức nhớ lại bản thân vẫn còn cảm giác thèm khi xin cán bộ thêm muối hột để ăn nhưng không được cho.

Được cho ăn ngon trước khi thả tự do

Một thời gian, ông Cường bị chuyển lên trại giam Tống Lê Chân (Bình Dương) để cải tạo tập trung khi chưa có quyết định của UBND thành phố và UBND quận 6 cũng không hay biết.

Suốt thời gian ông bị bắt giam, mẹ ruột vào thăm ông Cường hàng tháng trong khoảng một năm. Còn bên nhà vợ thì không một ai ghé.

"Nói vợ cũng không hẳn, hồi đó thương nhau nên về sống chung chứ cũng không cưới hỏi gì. Chúng tôi có với nhau 2 đứa con, nhưng cha con cũng không nhận nhau", ông Cường nói.

Xin ăn, sống lang thang, chờ ngày được xin lỗi về vụ án oan 38 năm trước - 2

Ông Trịnh Dân Cường bền bỉ khiếu nại, kiện gần 35 năm (Ảnh: Hoài Thanh).

Một ngày tháng 11/1986, người là Trưởng Công an quận 6 khi đó cùng cấp dưới vào và đưa ông 2 bộ đồ đàng hoàng, sau đó kêu ông lên xe và chở đi. Đi được một đoạn, họ dừng xe ở bãi đất trống rồi cho ông Cường thay đồ tù ra, sau đó chở ông vào nhà hàng sang trọng và gọi nhiều món ngon.

"Lúc đó tôi không biết có chuyện gì, chỉ nghĩ chắc thôi rồi. Họ cho mình ăn ngon một bữa rồi sẽ xử bắn", ông Cường kể.

Chiều hôm đó, họ chở ông Cường vào trại giam Chí Hòa, cho ông nghỉ ngơi ở "bệnh xá", mọi vật dụng trong phòng đều mới, có máy móc và bác sĩ khám. Những ngày sau đó, có 8 người cán bộ thay nhau hỏi cung ông Cường và "ngày nào cũng cho tiền". Ông được cho ăn ngon theo tiêu chuẩn mỗi ngày 300.000 đồng.

"Thực đơn thay đổi liên tục, tôm, cua, cá... Tôi thì không biết vì sao mình được đặc ân vậy, đến người cán bộ trong đó còn nghĩ là cha tôi làm gì lớn nên mới được đối xử vậy. Cô ta còn nói tiêu chuẩn tôi ăn còn hơn cả lương của họ", ông Cường kể.

Khoảng hai mấy ngày sau, ngày 3/12/1986, ông Trịnh Dân Cường được trả tự do. Quyết định trả tự do được trao cho ông bằng giấy photo. 

Sống nhờ tình thương người dưng

"Tôi về thấy bà xã đã có chồng khác, rất là buồn. Nhưng tính tôi khi biết vậy thì thôi chứ không ghen tuông hay làm gì. Tôi quan niệm chuyện gì, cái gì của mình là của mình, mà của người ta là của người ta", ông Cường chia sẻ khi trở về nhà sau gần 2 năm bị bắt.

Cha ông cũng đã đổ bệnh và qua đời trong khi ông bị giam. Hai đứa con của ông ở với bà ngoại. "Cha tôi vốn không hài lòng vợ tôi, ngăn cản đám cưới. Khi tôi bị bắt, ông buồn bực vì nghĩ tôi yêu đương không chọn người nên vướng lao lý. Ông mất mà không biết tôi bị oan", ông Cường nói.

Gần 2 năm bị giam, đánh đập, nhốt trong phòng biệt giam nhiều ngày khiến sức khỏe ông yếu, nội thương. Do vậy, ông về nhà mẹ đẻ rồi dành thời gian đi điều trị bệnh.

Xin ăn, sống lang thang, chờ ngày được xin lỗi về vụ án oan 38 năm trước - 3

Ông Trịnh Dân Cường cùng ông Nguyễn Công Trung - người tình nguyện hỗ trợ hành trình khiếu kiện của ông Cường (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước khi bị bắt oan, anh em bà con vẫn sống tình cảm, yêu thương. Nhưng khi ông trở về, cả mẹ đẻ và anh em đều giận tới mức không nhìn mặt, cắt đứt liên lạc. "Gia đình tôi nói mình đàng hoàng mà đi quen người tầm bậy dẫn tới tù tội. Họ không nhìn mặt, không còn qua lại nữa. Tôi hối hận và buồn nhiều", ông Cường trải lòng.

Sau đó Công an quận 6 cho chiếc xích lô cũ để làm phương tiện mưu sinh, nhưng ông mất sức nên chạy không nổi. Một thời gian sau ông bị bệnh, phải bán chiếc xe lấy tiền bốc thuốc. Tới năm 2014, ông ăn chay, vào chùa làm công quả, phụ nấu cơm từ thiện.

"Trong chùa các sư nói cho tôi nhẹ lòng là chắc kiếp trước mắc nợ bà Cúc nên kiếp này trả đi. Mà tôi nói kiếp này còn chưa xong, mình biết kiếp này thôi chứ sao mà biết được những kiếp trước", ông Cường cười nhẹ.

Từ năm 1989 ông bắt đầu khiếu nại Công an và VKSND quận 6 về việc xin lỗi và bồi thường oan sai cho bản thân. Trong hành trình đó, ông Cường may mắn được sự hỗ trợ và đồng hành của các luật sư và người xa lạ, họ giúp đỡ ông miễn phí.

"Có hôm tôi ngồi ở ngoài đường, tự nhiên có người hỏi thăm rồi dẫn tôi đi khám bệnh, mua thuốc. Họ nói đọc được chuyện của tôi qua báo chí. Có người còn nói mua nhà cho tôi, mà tôi nói đã sống vậy quen rồi. Mình còn sống nhiêu năm nữa đâu. Tôi biết ơn những tình thương xa lạ", ông Cường bày tỏ.

Nói về mong ước của mình, ông Cường muốn được đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, xóa oan ức của bản thân để sau này có "chết đi cũng nhẹ lòng". "Còn về bồi thường, tiền thì ai không ham, nhưng tôi không quá quan trọng tiền bạc", ông Cường bày tỏ.

Một thời gian dài ông Cường lục tìm bản án số 611 ngày 14/11/1989 khắp nơi đều không có. Đây là bản án xét xử ông Nguyễn Hữu Đô cùng đồng phạm về tội bắt giữ, giam người trái pháp luật, cũng chính là hành vi đối với ông Cường và 2 người anh em.

Cuối tháng 7 vừa qua, ông nhận được điện thoại từ một người phụ nữ. Người này đã gửi bản án trên cho ông.

Với ông, đây là may mắn kỳ diệu để tiếp thêm sức mạnh cho ông trên hành trình sắp tới.

"Hồi đó tôi hận lắm, nghĩ là chết vẫn mang theo. Nhưng giờ tôi bớt tâm hận nhiều. Mình sống kiếp người có bao nhiêu đâu. Việc tôi kiện để đòi công bằng là việc phải làm, để bản thân trong sạch, còn bắt hay xử lý ai không thì là chuyện của Nhà nước. Tôi nghĩ ai gieo gì sẽ gặp đó thôi", ông Cường nói bên trong căn nhà tối tăm, khi bên ngoài trời đổ mưa.

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Những ai gây ra tội cho ông Trịnh Dân Cường?