DNews

Cuộc sống "địa ngục" của người Việt tại căn cứ lừa đảo ở Campuchia

Lê Trai

(Dân trí) - Người bị lừa sang Campuchia sẽ bị nhốt vào một khu tập trung để làm công việc lừa đảo. Nếu không làm đủ doanh số, các nạn nhân sẽ bị đánh đập dã man và bị bán sang các công ty khác.

Cuộc sống "địa ngục" của người Việt tại căn cứ lừa đảo ở Campuchia

Liên quan đến đường dây mua bán người sang Campuchia, Công an TPHCM đã khởi tố Nguyễn Thanh Cường (SN 2006, ngụ quận 1), Trần Nhựt Minh (SN 1996, ngụ quận 4), Võ Hải Đương (SN 2002, ngụ quận 7), Bùi Thị Tâm Tuyền (SN 1995, ngụ tỉnh Đắk Lắk) và Huỳnh Thị Hoàng Quyên (SN 1998, ngụ tỉnh An Giang).

Trong số các bị can này, Tuyền và Quyên là các cô gái có nhan sắc, là mắt xích quan trọng trong việc việc tìm kiếm, dẫn dụ, đưa những người lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc.

Bị giám sát chặt chẽ

Quyên khai được bạn bè giới thiệu sang Campuchia làm việc. Trong quá trình sinh sống, làm việc tại đây, Quyên quen biết với Tuyền.

Được hứa hẹn trả tiền công cao từ phía ông chủ người Trung Quốc, Quyên rủ Tuyền tìm kiếm, dẫn dụ, đưa những người Việt Nam sang Campuchia làm việc với thủ đoạn hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao", nhưng thực chất là làm việc cho công ty lừa đảo.

Khi con mồi sập bẫy, họ được đưa đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), sau đó sẽ được người của phía công ty đón, đưa sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch. Khi đến công ty, người lao động sẽ ở tập trung và được các quản lý, ông chủ người Trung Quốc hướng dẫn để thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng.

Riêng Tuyền khai công ty lừa đảo này do nhóm người Trung Quốc cầm đầu, đặt trụ sở tại khu "hai con voi". Trừ những quản lý người Trung Quốc, tất cả lao động còn lại là người Việt Nam.

Hình thức lừa đảo của công ty này là tuyển nhân viên người Việt Nam, sau đó lên mạng kiếm các nạn nhân là người đồng hương, lừa nộp tiền vào các app (ứng dụng) trực tuyến do người Trung Quốc mở, rồi chiếm đoạt.

Bị tra tấn dã man

Theo lời khai của 2 cô gái, những người bị lừa vào công ty sẽ bị giam lỏng trong trụ sở và không được ra ngoài. Họ bị nhóm quản lý người Trung Quốc giám sát chặt chẽ, ép buộc làm đủ doanh số, nếu không sẽ bị trừ tiền lương và phải tăng ca.

Cuộc sống địa ngục của người Việt tại căn cứ lừa đảo ở Campuchia - 1

Cảnh sát lấy lời khai Bùi Thị Tâm Tuyền (Ảnh: Thuận Thiên).

Trường hợp không làm đúng yêu cầu của chủ người Trung Quốc, các lao động sẽ bị phạt, đe dọa, đánh đập, tra tấn, bỏ đói, chích điện. Nếu tiếp tục làm việc không hiệu quả, họ sẽ bị bán sang công ty khác.

"Trường hợp nhân viên muốn về mà chưa hết hợp đồng, nhân viên buộc phải đưa tiền cho công ty. Nếu không có tiền, nhân viên phải gọi điện cho người thân gửi tiền qua chuộc. Cách tính tiền chuộc do ông chủ và các quản lý người Trung Quốc tính toán", Tuyền nói.

Khi bị Công an TPHCM bắt, Tuyền và Quyên nhận ra sai lầm của bản thân. Họ tỏ ra ân hận về những hành vi cả 2 đã làm và mong được pháp luật khoan hồng để làm lại cuộc đời.

"Tôi mong rằng các bạn trẻ sẽ tỉnh táo, không bị dụ dỗ bởi những lời hứa việc nhẹ, lương cao để rồi bị đưa sang Campuchia làm công việc lừa đảo chính những người dân mình", Tuyền chia sẻ.

Dụ dỗ được một người sẽ nhận 300 USD

Công an TPHCM xác định, ngoài khu "hai con voi", tại Campuchia còn có các khu vực do người nước ngoài thuê và thành lập ra các trung tâm lừa đảo trực tuyến, casino trá hình với nhiều tên gọi khác như: "Tam thái tử 1", "Tam thái tử 2", "King Crow", "Samat", "Titan", "Kimsa 1,2,3", "Kim tài 1,2,3".

Các đối tượng thuê người Việt Nam làm công việc phiên dịch, phụ trách giao tiếp và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có dụ dỗ khách nạp tiền vào các trò chơi trực tuyến để chiếm đoạt.

Cuộc sống địa ngục của người Việt tại căn cứ lừa đảo ở Campuchia - 2

Tuyền và Quyên hối hận về hành vi bản thân đã làm (Ảnh: Thuận Thiên).

Ngoài ra, tại các trung tâm trên có các "đại lý" phụ trách tìm kiếm, dẫn dụ người từ Việt Nam sang Campuchia, cung cấp nguồn lao động bất hợp pháp cho các khu trung tâm. Giúp sức cho "đại lý" là các đối tượng đang sinh sống tại Việt Nam từng làm việc tại Campuchia hoặc biết được cách liên lạc với "đại lý".

Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác để dụ dỗ, lôi kéo, dẫn dắt các cá nhân trong nước sang Campuchia để nhận tiền giới thiệu.

Ngoài ra, để lôi kéo người lao động, các "đại lý" đưa ra lợi ích là 300 USD tiền giới thiệu cho mỗi người khi dụ dỗ được. Do đó, nhiều người ban đầu là nạn nhân, sau đó đã trở thành "chân rết" của đường dây này, tìm con mồi để đưa sang Campuchia.

Hiện, Công an TPHCM mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng còn lại liên quan đến các hành vi cho vay lãi nặng, xuất nhập cảnh trái phép, bắt giữ người trái pháp luật.