DNews

Bị cáo Trương Mỹ Lan nói gì về 1.000 tỷ đồng "nợ" Dương Tấn Trước?

Hoài Thanh

(Dân trí) - "Cáo trạng nói tôi sử dụng 1.000 tỷ đồng của Trước, tôi nghe thấy buồn lắm. Tôi nói Trước giúp cho công ty mua dự án, làm ứng tiền trước, xong dự án chị sẽ trả lại cho em", bị cáo Trương Mỹ Lan nói.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nói gì về 1.000 tỷ đồng "nợ" Dương Tấn Trước?

Ngày 11/3, HĐXX cùng đại diện VKSND TPHCM đã hoàn thành việc xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Bà Lan thừa nhận cáo trạng truy tố mình có phần đúng nhưng cũng phủ nhận một số điểm bà cho là chưa chính xác, trong đó có việc cáo buộc bà nắm giữ cổ phần gần như tuyệt đối tại nhà băng. Song, lời khai của các bị cáo là cựu lãnh đạo tại SCB đều thừa nhận vai trò chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB.

Khác với lời khai chối tội tại cơ quan điều tra, tại tòa, bị cáo Nguyễn Cao Trí thừa nhận đã chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bà Lan và cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại vụ án. Với vai trò bị hại, bà Lan mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho ông Trí.

Hứa trả 1.000 tỷ nhưng chưa trả

Theo cáo trạng, Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) được bà Lan và Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc SCB) thỏa thuận chuyển nhượng dự án Thanh Yến tại phường Bình An, quận 2 (hiện là TP Thủ Đức) cho Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB với số tiền 3.500 tỷ đồng; trong đó 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án Thanh Yến, 1.000 tỷ đồng để bà Lan sử dụng và có trách nhiệm trả cho SCB.

"Trong suy nghĩ của bị cáo, nếu chị Lan không trả thì mình sẽ trả", bị cáo Trước nói và cho biết bà Lan đã không trả 1.000 tỷ đồng, hiện bị cáo đã khắc phục xong số tiền này.

Nói về Dương Tấn Trước, bị cáo Lan bày tỏ: "Tôi xót xa. Trước là một người tuyệt vời".

"Tuyệt vời hay không cũng phải đúng thực tế khách quan", chủ tọa nhắc nhở bị cáo.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nói gì về 1.000 tỷ đồng nợ Dương Tấn Trước? - 1

Bị cáo Dương Tấn Trước và Trương Mỹ Lan (Đồ họa: Tuấn Huy).

Về dự án Thanh Yến, bà Lan nói đó là nợ xấu của SCB nên không ai mua. Trần Thị Mỹ Dung, Trương Khánh Hoàng đã bàn với Trước giúp SCB mua với giá 3.500 tỷ đồng. Lúc này Dương Tấn Trước nói sợ lỗ, bà Lan động viên đừng sợ, và hứa: "Nếu em lỗ chị sẽ dùng tài sản khác của chị bù đắp cho em. Chị hứa danh dự", bị cáo Lan thuật lại.

"Cáo trạng nói tôi sử dụng 1.000 tỷ đồng của Trước, tôi nghe tôi buồn lắm. Trước không đi vay tiền, dù có tội tôi cũng chịu. Các tài sản SCB đều cần phải có pháp lý, Trước rất giỏi về lĩnh vực này. Trước có thực lực tài chính. Tôi nói Trước giúp cho công ty mua dự án này, cứ làm ứng tiền trước, xong dự án nhà đầu tư trả tiền chị sẽ trả lại cho em", bị cáo Trương Mỹ Lan khai.

Theo bị cáo, lúc đó Trước ứng tiền trước. Tiền vào SCB, Hoàng và Dung mang đi sử dụng việc khác, nghĩ là sắp tới có lượng tiền mới về trả cho Trước. Sau đó Trước cần tiền, Dung nói Trước vay tạm.

"Trương Huệ Vân phải xuất tài sản cho SCB mượn bảo lãnh khoản vay. Nếu không trả nợ được thì mất tài sản. Trước nghe lời SCB, Trước đi vay, tôi không biết Trước bị bắt đâu", bị cáo Lan nói. 

"Việc làm của Trước khiến tôi rất xúc động, thay vì cậu ấy không phải trả tiền, SCB nợ cậu ấy mà cậu ấy vẫn đồng ý khắc phục. Vì Trương Huệ Vân cho mượn tài sản bảo lãnh", bị cáo Lan tiếp lời.

Đại diện VKS cũng xét hỏi bị cáo Dương Tấn Trước. "1.500 tỷ đồng là phí dịch vụ của bị cáo. Khi bị cáo làm việc với chị Lan, mong muốn thực hiện dự án nên dùng trí tuệ giúp chị Lan, chị Lan hứa sẽ trả. Sau đó chị Lan nói kẹt tiền, công ty bị cáo có lịch sử tín dụng tốt nên chị nói công ty bị cáo ứng tiền, tới hạn chị Lan sẽ trả tiền cho công ty bị cáo", Trước khai.

Bị cáo nói thêm rằng bà Lan nói Trước cứ làm cho dự án Thanh Yến đi, lỗ bà sẽ bù. "Khi vừa nhận xong chị Lan nói tập trung làm việc khác, dự án này để cho Huệ Vân phát triển", bị cáo nói và cho biết nhiều lần làm việc với Trương Huệ Vân ở lầu 38 tòa Times Square.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung khai trong những lần giải ngân, cả bà Trương Mỹ Lan và Dương Tấn Trước cùng sử dụng tiền. Lần đầu cấp hạn mức chỉ 1.000 tỷ đồng, sau làm hồ sơ lại được cấp 1.500 tỷ đồng. "Đáng lẽ phải giải ngân 1.500 tỷ đồng nhưng do chị Lan cần tiền. Nhóm của Nguyễn Phương Anh không có phương án giải ngân nên tạm dùng tiền của Dương Tấn Trước", bị cáo Dung khai.

Ai đề xuất tiếp cận Cục trưởng Cục Thanh tra?

Theo cáo trạng, bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước) với tư cách Trưởng đoàn thanh tra đã nhiều lần gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), lãnh đạo SCB để nhận 5,2 triệu USD.

Tại tòa, bị cáo Nhàn khai không quen biết bà Trương Mỹ Lan, gặp theo đề nghị của Võ Tấn Hoàng Văn để đề nghị bà Lan bán bớt tài sản, trả nợ cho ngân hàng. Về câu hỏi khi ban hành kết luận thanh tra, bàn bạc với Trương Mỹ Lan bao nhiêu lần, bị cáo Nhàn trả lời gặp 2 lần. "Bị cáo không hề trao đổi với Trương Mỹ Lan là không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt", bị cáo Nhàn nói.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nói gì về 1.000 tỷ đồng nợ Dương Tấn Trước? - 2

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Ảnh: Hải Long).

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng khai không quen bà Nhàn, gặp theo đề nghị của Võ Tấn Hoàng Văn, Đinh Văn Thành (Cựu Chủ tịch HĐQT SCB, đã bỏ trốn). Lý do cuộc gặp theo bà Lan là để nói Nhàn thanh tra ra kết luận sớm để nhà đầu tư nước ngoài còn vào. "Tôi truyền đạt lại, gặp Nhàn 1-2 lần", bị cáo Lan khai. 

Trong khi đó, Võ Tấn Hoàng Văn khai không quen biết bà Đỗ Thị Nhàn. Người đàn ông này thừa nhận có đưa quà cho một số lãnh đạo trong đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước, còn không biết những nội dung giữa bà Trương Mỹ Lan và bà Đỗ Thị Nhàn trao đổi.

Theo chỉ đạo của bà Lan, Văn đã 3 lần đưa 4 thùng đựng 5,2 triệu USD tới cho bà Đỗ Thị Nhàn nhằm mục đích bỏ qua những sai phạm của SCB.

"Tôi có đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn 3 thùng trái cây. Sau này, mới biết trong đó là tiền không phải trái cây và thùng xốp đóng gói rất kỹ nên tôi không biết bao nhiêu", ông Văn nói.

Theo cáo buộc trong hồ sơ vụ án, lần đưa tiền đầu tiên vào giữa tháng 3/2018, khi Thành cùng Văn ra Hà Nội và lên phòng làm việc của bà Nhàn (ở trụ sở Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng). Những người này đã đưa cho nữ cựu cục trưởng một túi quả cherry và một túi đựng 200.000 USD. Số tiền này sau đó được bà Nhàn mang về nhà cất.

Từ tháng 10 đến tháng 12/2018, Văn và lái xe đã mang thùng xốp đến nhà riêng của bà Nhàn. Trong đó, một lần thùng đựng 1 triệu USD, hai lần khác mỗi thùng 2 triệu USD.

Quyền lực của bà Trương Mỹ Lan tại SCB

Trong sáng 11/3, HĐXX thẩm vấn bị cáo Trương Mỹ Lan. Sau đó, đại diện VKS tham gia xét hỏi một số bị cáo là cựu lãnh đạo tại SCB để làm rõ vai trò của bị cáo Lan tại ngân hàng.

Bị cáo Lan phủ nhận cáo buộc nắm 85-91% cổ phần tại SCB. Theo bị cáo, bà và gia đình nắm dưới 15%, 30% là cổ đông nước ngoài, khoảng 30% là nhờ bạn bè đứng tên giùm, tổng cộng khoảng 65%.

Tại những ngày xét hỏi trước, các bị cáo là Chủ tịch HĐQT SCB, Tổng giám đốc ngân hàng, dàn lãnh đạo SCB đều xác định làm việc theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Về điều này, bị cáo Lan tiếp tục phủ nhận. Bà Trương Mỹ Lan khai vị trí bà là đi giải quyết cho mượn tài sản, không nắm quyền điều hành tại SCB. 

Bị cáo Trương Mỹ Lan nói gì về 1.000 tỷ đồng nợ Dương Tấn Trước? - 3

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hải Long).

Trả lời VKS, bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB, xác nhận bà Trương Mỹ Lan là người quyết định chức danh của bị cáo, việc trình Ngân hàng Nhà nước chỉ là thủ tục.

"Bị cáo biết thế nào về việc bà Trương Mỹ Lan nắm giữ cổ phần tại SCB?", VKS hỏi.

Ông Dũng đáp theo cáo trạng nêu về mặt giấy tờ bị cáo Lan giữ 89-90%. Song, bị cáo không thấy trên giấy tờ mà chỉ phỏng đoán rằng bà Lan nắm cổ phần lớn, không rõ nắm bao nhiêu.

"Bị cáo tin chị Lan, anh em dưới làm hồ sơ theo đúng thủ tục, thông qua phòng ban hội sở. Bị cáo tin tưởng và ký. Bây giờ bị cáo đứng đây thấy mình có một phần lỗi, vì tin tưởng chị Lan mù quáng. Nghĩ chị Lan kinh doanh rất giỏi, bị cáo nghĩ chị sẽ đem lại bộ mặt ngân hàng tươi sáng tốt đẹp hơn", cựu Chủ tịch HĐQT SCB trình bày.

Bị cáo nhắc lại nhiều lần rằng "tin tưởng chị Lan mù quáng".

Cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cũng khai người quyết định chức danh của anh tại SCB là bà Trương Mỹ Lan. Bên cạnh đó, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó Tổng giám đốc SCB, cho biết "thất vọng" khi nghe bà Lan khai SCB tự tạo lập khoản vay, mượn tài sản đảm bảo của bà.

"Bị cáo trách mình đặt niềm tin sai. Thời điểm làm việc, không chỉ bị cáo mà những người làm tại SCB đều tin chị Lan, không nghi ngờ. Khi sự việc xảy ra bị cáo đối diện với việc mình làm, không đổ lỗi cho bất kỳ ai, sai thì nhận. Bị cáo hy vọng chị Lan cũng như thế. Tuy nhiên, bị cáo thất vọng", Dung trình bày trước tòa.

Theo cáo trạng, tuy không giữ chức vụ gì tại SCB nhưng bà Trương Mỹ Lan nắm giữ hơn 91,5% cổ phần của SCB, chi phối, chỉ đạo mọi hoạt động của ngân hàng. Trong suốt 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã rút hơn 1,06 triệu tỷ đồng của SCB, gây thiệt hại đến thời điểm khởi tố vụ án tháng 10/2022 là 498.000 tỷ đồng.