DNews

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng?

Tùng Nguyên Xuân Hinh Nguyễn Vy

(Dân trí) - TS Trần Du Lịch trăn trở, vùng đô thị TPHCM đã có từ lâu nhưng chưa hiệu quả vì không có chính quyền cấp vùng để điều tiết. Sáp nhập tỉnh là cơ hội để vùng TPHCM trở thành một cấp chính quyền.

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng?

Cuộc cách mạng về tổ chức

Trao đổi với phóng viên Dân trí về chủ trương sắp xếp bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập tỉnh và không tổ chức cấp huyện, Tiến sĩ Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm ủng hộ tuyệt đối chủ trương này.

Ông nói: "Trước hết, tôi cho rằng trong quá trình triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của Bộ Chính trị về tổ chức sắp xếp bộ máy ở trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu năng, hiệu lực, Bộ Chính trị tiếp tục chủ trương tổ chức lại mô hình nền hành chính địa phương theo Kết luận 127-KL/TW là một chủ trương rất đúng đắn".

Đặc biệt, theo Kết luận 127, việc sáp nhập tỉnh lần này không chỉ là gộp lại một cách cơ học dựa trên quy mô dân số, diện tích mà căn cứ trên nhiều phương diện, tiêu chí như: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương...

TS Trần Du Lịch cho rằng: "Tổ chức lại nền hành chính lần này là một cuộc cách mạng về mặt tổ chức. Tổ chức lại với các tiêu chí rõ ràng như vậy thể hiện tầm nhìn lâu dài và ổn định, tránh tình trạng nay nhập mai tách đã từng xảy ra, nhìn đến xu hướng phát triển dài hạn của đất nước, ít nhất phải đến năm 2045".

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 1

Sáp nhập tỉnh lần này không phải là gộp cơ học mà căn cứ trên nhiều phương diện, tiêu chí (Ảnh: Phước Tuần).

Ông khẳng định: "Đây là thời cơ để làm, giải quyết vấn đề tồn tại trong bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp hiện nay. Lần này chúng ta làm một cách bài bản, bao gồm cả 3 bộ phận của nền hành chính quốc gia".

Thứ nhất là về mặt thể chế. Thủ tục, quy trình theo hướng mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Thứ hai rất quan trọng, đó là tổ chức bộ máy vận hành từ trung ương đến địa phương như thế nào.

Thứ ba là tổ chức sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức ngang tầm để vận hành bộ máy đó một cách lưu loát.

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 2

TS Trần Du Lịch: "Thời cơ vàng để sáp nhập, mở rộng không gian phát triển đã tới" (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Lần này chúng ta tiến hành một cách đồng bộ chứ không phải làm từng mảng. Vì vậy, tôi nghĩ đây là một công việc mang tính cách mạng", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đưa không gian hành chính và không gian phát triển về cùng một hệ

Theo TS Trần Du Lịch, nước ta là một nước có diện tích không lớn nhưng tổ chức chính quyền 4 cấp, ở địa phương là 3 cấp nên không phát huy được phân cấp, phân quyền; không thể hiện được tính tự chủ của địa phương đúng nghĩa là một cấp chính quyền cơ sở.

Ông nói: "Hiện nước ta có những địa phương rất nhỏ, không gian phát triển kinh tế với ranh giới quản lý hành chính không phù hợp, không đi liền với nhau".

TS Trần Du Lịch phân tích, cơ chế của chúng ta khi phân quyền là phân quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh theo ranh giới hành chính chứ không phân quyền theo quy mô kinh tế. Từ đó nảy sinh ra nhiều bất cập.

Ông lấy dẫn chứng vùng đô thị TPHCM bao gồm TPHCM và các tỉnh lân cận đã được hình thành từ lâu nhưng chưa phát huy hết tiềm năng vì chưa có cơ chế tổ chức hành chính vùng, vẫn mạnh ai nấy làm.

"Xây một cái cầu nối 2 tỉnh mà bàn nhau đặt ở vị trí nào cũng mất cả năm chưa chốt được", TS Trần Du Lịch trình bày điểm khó khi chưa có cơ chế tổ chức hành chính vùng.

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 3

TPHCM sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi vùng kinh tế TPHCM trở thành một cấp chính quyền (Ảnh: Nam Anh).

Ông nhớ lại giai đoạn làm tổ trưởng Tổ tư vấn liên kết vùng duyên hải miền Trung đã thấy bất cập khi các tỉnh ven biển có lợi thế quá giống nhau, biển đảo như nhau, thay vì bổ sung cho nhau thì cạnh tranh với nhau.

Trong một hội nghị liên kết vùng ở các tỉnh ven biển miền Trung, TS Trần Du Lịch đề xuất mời các tỉnh Tây Nguyên. Bởi theo ông, liên kết các tỉnh ven biển với Tây Nguyên mới có thể bổ sung lợi thế phát triển, không cạnh tranh với nhau.

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: "Nếu sáp nhập tỉnh theo hướng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh ven biển thì chúng ta sẽ thay đổi cách tổ chức những tỉnh mới thành những tiểu vùng kinh tế, gắn kết với sự phát triển không gian, bổ sung cho nhau".

Ông bổ sung thêm: "Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có điều kiện tự nhiên hình thành những tiểu vùng kinh tế như Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau...".

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 4

Sáp nhập hợp lý sẽ tạo dư địa phát triển cho các địa phương (Ảnh: Ip Thiên).

Theo TS Trần Du Lịch, sáp nhập các tỉnh lần này không đơn thuần là gộp cơ học mà là tổ chức lại quy mô không gian như một "tiểu vùng kinh tế", mà "tiểu vùng kinh tế" đó gắn với một cấp chính quyền, đưa không gian hành chính và không gian phát triển về cùng một hệ không gian.

"Chúng ta không có chính quyền cấp vùng, nay thực hiện sáp nhập thì có thể hình thành một cấp chính quyền điều hành một "tiểu vùng kinh tế". Khi tạo ra không gian kinh tế phù hợp gắn với cơ chế phân quyền cho cấp tỉnh, việc điều hành kinh tế sẽ rất thuận lợi", TS Trần Du Lịch nhận định.

Cơ hội để TPHCM vượt tầm châu lục

"Tôi cho rằng chủ trương tổ chức lại các đơn vị hành chính trên cơ sở 63 tỉnh thành còn lại khoảng một nửa là đúng đắn. Nhưng vấn đề quan trọng không chỉ là giảm về số lượng mà tổ chức lại là để giải quyết những tồn tại như tôi đã nói", TS Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Do đó, khi nghiên cứu tổ chức lại đơn vị hành chính mới là nhìn vào không gian phát triển để các tỉnh có dư địa phát triển thành "tiểu vùng kinh tế", mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội chứ không chỉ là giảm số tỉnh.

TS Trần Du Lịch nhấn mạnh: "Sáp nhập lần này là tổ chức nền hành chính cấp địa phương gắn với định hướng phát triển của đất nước, khai thác lợi thế của từng địa bàn và gắn với phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương có dư địa để huy động nguồn lực".

Ông nhắc lại dư địa phát triển khi kết nối giao thương theo hướng Đông - Tây ở các tỉnh miền Trung: "Ngày xưa, quê tôi ở Bình Định, ông bà đã có câu ca dao rằng: "Ai lên nhắn với nậu nguồn/Măng le đưa xuống, cá chuồn đưa lên". Câu ca dao ấy thể hiện rất rõ tính gắn kết, giao thương, bổ sung lợi thế cho nhau để kinh tế phát triển giữa miền núi và đồng bằng".

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 5

Những tuyến cao tốc nối biển với Tây Nguyên đang tạo cơ hội cho việc kết nối hàng lang Đông - Tây, nối rừng với biển (Ảnh: Trung Thi).

Còn với TPHCM, ông khẳng định việc sáp nhập một số tỉnh lân cận, mở rộng theo không gian vùng đô thị TPHCM sẽ tạo thuận lợi rất lớn để phát triển khu vực này.

Ông nói: "Trong lúc chúng ta đang lúng túng trong phát triển kinh tế vùng TPHCM, không thể đẻ ra chính quyền cấp vùng thì TPHCM được mở rộng, cả vùng đô thị trở thành một cấp chính quyền thì càng thuận lợi hơn, đặc biệt là khai thác lợi thế phát triển hạ tầng".

Chỉ xét riêng về quy mô, TS Trần Du Lịch cho rằng: "Nếu mở rộng TPHCM theo hướng đó thì thành phố sẽ trở thành một siêu đô thị mà tầm cỡ của nó vượt ra ngoài tầm châu lục chứ không chỉ ở Đông Nam Á".

"Thành phố sẽ là cửa ngõ giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại tài chính, trung tâm logistic, trung tâm cảng trung chuyển... Khi đó, sẽ nâng tầm TPHCM lên ngay, vượt qua cả tầm châu lục", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 6

Mở rộng TPHCM sẽ là cơ hội để thành phố vượt tầm châu Á (Ảnh: Hải Long).

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, "không thể đan một tấm lưới cho mọi loại cá"; không thể ở Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên mà xây dựng các tỉnh thành với quy mô, diện tích, dân số như nhau.

Ông nói: "Hiện có một số tỉnh quy mô nhỏ nhưng đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rất mạnh. Hiện nay có thể là tỉnh nhưng tương lai gần có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Do đó, quy mô như thế nào cho phù hợp thì cơ quan chức năng phải tính toán. Nhưng nguyên tắc sáp nhập là phải tạo nơi đó thành một không gian kinh tế để phát triển, phù hợp đặc điểm của nơi đó".

Không sợ tỉnh rộng quá, không quản được

Theo TS Trần Du Lịch, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đây là "thời cơ chín muồi" để thực hiện việc sáp nhập tỉnh theo hướng mở rộng không gian phát triển.

Tiến sĩ nhấn mạnh: "Không nên băn khoăn là địa bàn rộng quá, to quá, không quản được. 1-2 năm tới thôi, tất cả dịch vụ hành chính công đều số hóa hết. Ngay bây giờ chúng ta đã thực hiện được một phần".

Theo ông, sắp tới đây, việc xây dựng chính quyền điện tử sẽ đáp ứng 100% dịch vụ công, thủ tục hành chính đều thực hiện qua mạng. Khi đó, người dân ở một xã cách trung tâm tỉnh vài trăm km cũng không cần thiết tới trung tâm để làm thủ tục hành chính.

"Thế thì không cần thiết đề cập đến chuyện gần hay xa. Nhìn như vậy thì không lo tỉnh lớn hay nhỏ", TS Trần Du Lịch khẳng định.

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 7

TS Trần Du Lịch: "Không nên băn khoăn tỉnh rộng quá, không quản được" (Ảnh: Nguyễn Vy).

Theo ông, điều cực kỳ quan trọng để phát huy hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là cơ chế phân cấp, phân quyền để địa phương trở thành một cấp chính quyền thực sự.

TS Trần Du Lịch nói: "Phân quyền cho chính quyền cấp tỉnh cứ làm đúng tư tưởng của Tổng Bí thư: "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Điều đó có nghĩa là gì? Tức là đa số các vấn đề về phát triển kinh tế, về an sinh xã hội, chức năng quản lý nhà nước nên phân quyền cho địa phương".

"Địa phương nào thiếu thốn, trung ương hỗ trợ theo từng lĩnh vực thông qua hỗ trợ ngân sách, các chương trình quốc gia. Còn mọi chuyện do địa phương làm, giao quyền cho Hội đồng nhân dân quyết, không phải mọi việc đều lên các bộ ngành trung ương để xin", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Khi phân quyền, chính quyền trung ương có trách nhiệm kiểm tra giám sát về công vụ, chế tài lạm quyền. Nếu địa phương lạm quyền, xâm hại lợi ích quốc gia thì chế tài.

Sáp nhập tỉnh thành, TPHCM có cơ hội tạo dựng chính quyền ở cấp vùng? - 8

Sáp nhập mở ra cơ hội cho các địa phương có lợi thế khác nhau bổ sung cho nhau (Ảnh: Hải Long).

Theo TS Trần Du Lịch, khi triển khai phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo phương châm trên trong điều kiện pháp luật chồng chéo như hiện nay là áp lực rất lớn đối với các cơ quan liên quan.

"Nhưng chúng ta đã định hướng rồi, đã quyết rồi là phải làm, tìm cách để làm!", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.