DNews

Team building bước trên hoa hồng gai gây tranh cãi: Hoạt động nhẹ nhàng?

Hoa Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia, hành động giẫm trên hoa hồng có rất nhiều rủi ro, có thể gây ra nguy hiểm về thể chất cho người tham gia, từ đó gây ra tổn thương hoặc tai nạn.

Team building bước trên hoa hồng gai gây tranh cãi: Hoạt động nhẹ nhàng?

Thử thách mang nét riêng

Mới đây, trong khuôn khổ một sự kiện của công ty mỹ phẩm, hoạt động team building (xây dựng đội ngũ) với thử thách mới lạ nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.  

Cụ thể, các nhân viên, đối tác của công ty đã thực hiện "vượt ngàn chông gai" bằng cách thay nhau cõng đồng nghiệp bước qua con đường trải toàn hoa hồng có gai. Một số người tham gia hoàn thành thử thách thành công đã vô cùng xúc động, không ít người bật khóc. 

Tuy nhiên, thử thách mới lạ này lại nhận không ít những luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ cho rằng thử thách này giúp thêm động lực, thôi thúc tinh thần của các thành viên, thì không ít người bày tỏ quan ngại, cho rằng ảnh hưởng đến sức khỏe khi gai của hoa hồng có thể đâm vào chân.

Có cư dân mạng cho rằng vượt qua chông gai là những lần chiến thắng thử thách, biến cố trong công việc, cuộc sống, chứ không phải bước chân trên hoa hồng. 

Team building bước trên hoa hồng gai gây tranh cãi: Hoạt động nhẹ nhàng? - 1
Team building bước trên hoa hồng gai gây tranh cãi: Hoạt động nhẹ nhàng? - 2

Trước những luồng ý kiến trái chiều này, bà Trần Thị Thao, người trực tiếp thực hiện buổi đào tạo của công ty cho biết, đây là hoạt động tập thể của nội bộ doanh nghiệp với sự tham gia của đối tác, khách mời, số lượng lên đến 150 người.

Theo bà Thao, đây là thử thách nội bộ, không phải làm để quảng bá cho thương hiệu. Bản thân bà Thao đã tham gia nhiều chương trình tương tự. Khi thực hiện đào tạo, bà cũng muốn tạo ra một thử thách mang nét riêng. 

"Những hoạt động giáo dục hiện tại cũng đưa vào chương trình với nhiều trải nghiệm như leo núi... Đây (hoạt động đi trên hoa hồng có gai) là hoạt động nhẹ nhàng, vì mọi người chưa tham gia nên cảm thấy khủng khiếp", bà Thao nói.

Trước những ý kiến cho rằng hoạt động đi chân trần trên gai hoa hồng tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe, vị này cho biết ban tổ chức đã chuẩn bị y tế hỗ trợ, thử thách dựa trên tinh thần tự nguyện, không phải ép buộc mọi người phải tham gia.

Team building bước trên hoa hồng gai gây tranh cãi: Hoạt động nhẹ nhàng? - 3
Team building bước trên hoa hồng gai gây tranh cãi: Hoạt động nhẹ nhàng? - 4

"Sau thử thách, không có trường hợp nào phải sử dụng chăm sóc y tế. Chúng tôi muốn mọi người có thể vơi bớt những nỗi sợ trong cuộc sống thông qua thử thách này. Khi nhìn vào con đường đầy gai góc, không ít cá nhân cho rằng đây là đày ải, hành xác, khó để vượt qua. Tuy nhiên, khi vượt qua rồi cảm giác không đáng sợ như mình nghĩ", bà Thao nói.

Nhiều người chấn thương tâm lý vì thử thách nguy hiểm

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Thị Hồng Duyên, chuyên gia đào tạo, tư vấn về quản trị doanh nghiệp cho biết, những hoạt động team building như cõng nhau giẫm lên gai hoa hồng, vượt qua lửa, buộc chân nhau nhảy lò cò trên đường lao xuống dốc... có thể mang lại những lợi ích nhất định trong một số bối cảnh.

Những hoạt động này có thể tạo ra trải nghiệm mạnh mẽ, giúp các thành viên trong đội hiểu rõ hơn về ý chí, quyết tâm và khả năng vượt qua khó khăn của bản thân.

Từ góc độ tâm lý học, những trải nghiệm mạnh mẽ như vậy có thể kích hoạt cơ chế đối phó và giúp các cá nhân học cách đối mặt với những thách thức trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Tuy vậy, theo bà Duyên, các hoạt động này cũng có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn và có thể không phù hợp trong mọi trường hợp. Từ góc độ Quản trị nhân sự và Đào tạo, những hoạt động này có thể gây ra nguy hiểm về thể chất cho người tham gia, từ đó gây ra tổn thương hoặc tai nạn.

Team building bước trên hoa hồng gai gây tranh cãi: Hoạt động nhẹ nhàng? - 5

Thử thách trói quặt tay, nằm bò ra sàn ăn cơm của một đơn vị gây tranh cãi vào năm 2020 (Ảnh chụp màn hình).

"Ngoài ra, không phải tất cả mọi người đều có phản ứng tích cực với các tình huống căng thẳng cao độ. Một số người có thể phải trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, hoặc thậm chí là chấn thương tâm lý sau khi tham gia các hoạt động này", chuyên gia này phân tích. 

Ngoài ra, theo bà Duyên, việc áp dụng những phương pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng về mục tiêu đào tạo, văn hóa tổ chức, văn hóa khu vực, vùng miền và mức độ phù hợp với từng cá nhân.

"Nếu không được chuẩn bị kỹ, những hoạt động này có thể dẫn đến việc tạo nên những xáo trộn không đáng có, những phản ứng tiêu cực của xã hội, tạo ra môi trường làm việc không an toàn hoặc thậm chí là vi phạm các quy định an toàn lao động", chuyên gia đào tạo, quản trị doanh nghiệp nêu thực tế.

Quá trình 25 năm trong ngành quản trị nhân sự, bản thân bà Duyên đã phải bỏ các trò chơi có thể gây chảy máu cho số đông trong các chương trình đào tạo. Những trò chơi đó có thể lây truyền các căn bệnh thông qua đường máu một cách vô tình. 

Theo bà Duyên, từ góc độ quản trị nhân sự, việc đảm bảo an toàn và sự phát triển bền vững của nhân viên luôn là ưu tiên hàng đầu, do đó, các trò chơi nguy hiểm không nên diễn ra. 

Bên cạnh đó, việc đào tạo thay đổi chuyển biến của con người phải được thông qua hàng loạt các chương trình như đặt rõ mục tiêu, đào tạo hướng dẫn thực hiện, các cơ chế thi đua khen thưởng và sự theo sát hướng dẫn, kiểm tra để giúp con người tạo thành các thói quen tốt.

"Việc tổ chức một hoạt động team building mà không có những chương trình đào tạo, hỗ trợ phía sau thực sự không có hiệu quả", bà Duyên tái khẳng định.

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã đưa ra những cảnh báo nguy cơ sức khỏe từ hoạt động này.

Theo BS Thiệu, thử thách này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, việc gai hoa hồng chẳng may đâm vào chân có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau.

"Khi gai hoa hồng đâm vào da, nó có thể gây rách da, chảy máu, và tạo ra những vết thương hở. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ.

Việc nhiễm khuẩn da và mô mềm có thể làm tổn thương sâu hơn, gây khó chịu và đau đớn. Thậm chí, nếu không được xử lý đúng cách, gai hoa hồng có thể gãy và mắc kẹt trong lòng bàn chân, gây ra những biến chứng nghiêm trọng", BS Thiệu cho biết.