Thử thách cõng nhau đi trên hoa hồng: Nhiều rủi ro cho sức khỏe

Hồng Nhung

(Dân trí) - Những hình ảnh về thử thách cõng nhau đi trên cành hoa hồng có gai đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Nguy hiểm thử thách cõng nhau đi trên hoa hồng

Mới đây, hình ảnh tại một sự kiện với các cặp đôi cõng nhau bước trên hoa hồng có gai, được cho là một thử thách thể hiện tính đoàn kết, đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Đi cùng với đó là những bình luận bày tỏ quan ngại của cộng đồng mạng, về sự nguy hiểm của hành động này.

Thử thách cõng nhau đi trên hoa hồng: Nhiều rủi ro cho sức khỏe - 1

Hành động cõng nhau đi trên hoa hồng có gai đang nhận lại nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhận định về vấn đề này, BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã đưa ra những cảnh báo nguy cơ sức khỏe.

Theo BS Thiệu, thử thách này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, việc gai hoa hồng chẳng may đâm vào chân có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác nhau.

"Khi gai hoa hồng đâm vào da, nó có thể gây rách da, chảy máu, và tạo ra những vết thương hở. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ.

Thử thách cõng nhau đi trên hoa hồng: Nhiều rủi ro cho sức khỏe - 2

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Việc nhiễm khuẩn da và mô mềm có thể làm tổn thương sâu hơn, gây khó chịu và đau đớn. Thậm chí, nếu không được xử lý đúng cách, gai hoa hồng có thể gãy và mắc kẹt trong lòng bàn chân, gây ra những biến chứng nghiêm trọng", BS Thiệu cho biết.

Một trong những nguy cơ tiềm ẩn khác là bệnh uốn ván, một bệnh lý do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra khi vết thương bị nhiễm khuẩn này. Bệnh uốn ván có thể gây co thắt cơ nghiêm trọng, dẫn đến khó thở và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, BS Thiệu còn cảnh báo rằng, gai hoa hồng có thể đã bị nhiễm các loại hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu trong quá trình chăm sóc. Nếu những hóa chất này tiếp xúc trực tiếp với vết thương hở có thể gây ra nhiễm độc, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Ngoài nguy cơ nhiễm độc, việc tiếp xúc trực tiếp với nhựa cây hoặc các hóa chất có trong gai hoa hồng cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng như: ngứa, phát ban hoặc sưng tấy. Đối với những người có cơ địa nhạy cảm, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng và cần được điều trị y tế.

Thử thách cõng nhau đi trên hoa hồng: Nhiều rủi ro cho sức khỏe - 3

Một trường hợp bị viêm mô bào từ vết thương hở (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng đã ghi nhận một trường hợp diễn biến nặng chỉ vì gai đâm vào chân.

Đó là bệnh nhân H., được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình trong tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, toàn thân tím tái, gồng cứng và co giật liên tục, hai hàm răng cắn chặt.

Các bác sĩ xác định ông mắc bệnh uốn ván. Trước đó, ông H. bị gai nhọn đâm vào bàn chân phải. Do chủ quan, ông không sát trùng vết thương và cũng không chú ý chăm sóc cẩn thận.

Sau 5 ngày, ông bắt đầu có các triệu chứng như sốt, sưng nề, mưng mủ tại vùng vết thương và cứng hàm tăng dần. Khi tình trạng ngày càng xấu đi, ông đã không thể há miệng, toàn thân gồng cứng và co giật từng cơn, dẫn đến suy hô hấp.

Trước tình trạng nguy kịch, các bác sĩ buộc phải tiến hành mở khí quản khẩn cấp để tạo đường thở cho bệnh nhân, nếu không sẽ có nguy cơ tử vong do suy hô hấp hoặc sặc dịch.

Trường hợp của ông H. là một minh chứng rõ ràng cho việc những vết thương tưởng chừng nhỏ nhặt như gai đâm có thể dẫn đến hậu quả khôn lường nếu không được xử lý đúng cách.

BS Thiệu cảnh báo rằng, hành động này khi được chia sẻ trên mạng xã hội có thể khiến trẻ em và thanh thiếu niên, vốn là những đối tượng dễ bị cuốn theo các trào lưu, có nguy cơ bị thương tổn nếu bắt chước.

Lưu ý xử trí khi gai đâm

Chuyên gia này khuyến cáo, trong trường hợp bị các vật nhọn đâm vào người, cần phải tiến hành sơ cứu vết thương đúng cách, tránh để vi khuẩn có cơ hội xâm nhập.

Một số việc cần làm trong trường hợp giẫm hoặc bị vật nhọn đâm:

- Khi bị gai đâm vào chân, người bị thương cần ngay lập tức rửa sạch vết thương bằng nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn, sau đó đến cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

- Khi vệ sinh vết thương, cần tránh cọ xát mạnh vì có thể làm vết thương nặng hơn. Tuyệt đối không dùng miệng để hút chất bẩn từ vết thương. Sau khi làm sạch, hãy lau khô bằng dụng cụ vô trùng và băng kín bằng băng chống thấm nước.

- Việc tiêm phòng uốn ván cũng rất quan trọng trong những trường hợp nghiêm trọng, để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, các đối tượng: phụ nữ mang thai, người làm việc trong các trang trại, công nhân xây dựng các công trình... thuộc nhóm nguy cơ cao cần chú ý.