"Rải tiền tỷ, nhặt tiền lẻ", nữ nông dân thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - "Mùa nào cây nấy, cứ sáng ra vườn là có tiền mang về", bà Lê Thị Thảo nở nụ cười mãn nguyện.
Nông dân thời "mưa không ướt mặt, nắng không chạm đầu"
Tiết trời tháng 10, mưa như mùa hè. Tiếng mưa rơi trên mái che cộng hưởng nghe sầm sập. Kệ, bà Lê Thị Thảo (59 tuổi, trú xóm Sào Nam, xã Xuân Hòa, Nam Đàn, Nghệ An) vẫn lúi húi trên luống đất vừa thu hoạch xong lứa rau mùi. Dường như mưa gió ngoài kia không ảnh hưởng đến công việc vốn dĩ phải "nhờ trời" này.
Hết xới, đánh luống, rải một lớp phân hoai, bà Thảo khởi động chiếc máy cày cầm tay, đi một đường gọn gàng từ đầu đến cuối luống để trộn đều phân vào đất. Từ góc vườn, ông Nguyễn Trọng Khánh - chồng bà Thảo bê rổ cỏ đi ra, chỉ gật đầu đáp lời chào của chúng tôi.
"Ông ấy bị tai biến 10 năm rồi, nhúc nhắc làm cho vui đấy. Được như thế này là tôi đã mừng rồi. Đợt đó ông ấy nằm bất động trên giường 3 tháng ròng, tưởng nằm như thế suốt đời...", bà Thảo tâm sự.
Bà cắm cúi trên luống đất mới, chuẩn bị gieo hạt hoa cúc cho vụ Tết. Khu vườn nhà màng rộng 1.500m2 quy hoạch thành từng ô, thửa, trồng rau xen lẫn hoa. Những luống hoa cúc cao khoảng chừng nửa gang tay. Luống cải sắp thu hoạch, xanh mướt. Luống mùi đã thu hoạch được một nửa, dậy mùi thơm...
"Trồng gối vụ, mùa nào rau nấy nên ngày nào tôi cũng có hàng đi chợ. Cứ 4h dậy ra vườn thu hoạch rau, đi giao hàng, mang "tiền tươi" về đều đều", bà Thảo khoe.
Câu chuyện làm kinh tế của nữ nông dân bắt đầu từ gần 20 năm trước, thời điểm ông Khánh chồng bà còn sung sức. Thời điểm ấy, vợ chồng bà cùng một gia đình khác đấu thầu khúc sông cụt gần nhà để thả cá. Được 5 năm, hết hạn đấu thầu, hai gia đình phải trả mặt nước, quay về với nghề trồng trọt.
Gia đình bà Thảo sát đồng, có 3 sào đất 64 (đất trồng cây lâu năm). Bà bàn với chồng xin chuyển đổi để phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng. Có thời điểm trong chuồng nuôi hàng chục con lợn, phân lợn để nuôi cá, nước ao để tưới rau. Nhờ trời thương, cộng với sự chịu khó, hai vợ chồng cũng kiếm được đồng ra, đồng vào, đủ nuôi 2 con ăn học.
Năm 2013, biến cố ập đến, ông Khánh bị tai biến mạch máu não. Thời điểm chồng nằm liệt giường cũng là khi hai người con thi đậu đơn hàng đi Nhật Bản. Nghĩ tới, nghĩ lui, bà động viên hai con đi làm kinh tế, bởi cơ hội không dễ có.
"Tôi nói các con cứ yên tâm mà đi, ở nhà tôi lo được. Nhờ trời, ông ấy cũng dần hồi phục sức khỏe, nhúc nhắc tay chân được. Vườn tược, ao chuồng mình tôi không kham nổi nên bán hết lợn, chuồng làm kho chứa, giờ chỉ trồng rau, nuôi cá", bà Thảo kể tiếp.
Người phụ nữ này cho biết, địa thế vườn nhà thuận lợi, vừa có ao dự trữ nước, vừa nằm bên cạnh hệ thống nông giang của xóm nên chủ động được nguồn tưới tiêu. Bởi vậy, kể cả trong mùa hạn, rau củ trong vườn bà luôn xanh tốt, xuất bán đều đều mỗi ngày. Trung bình hàng năm, nữ nông dân thu nhập khoảng 250 triệu đồng từ mô hình kinh tế của mình.
Bí quyết "đánh đâu thắng đấy"
"Chủ động được nguồn nước, chân vườn lại cao, nên dù mùa hè hay mùa lụt, tôi đều trồng được rau. Khi thị trường những thời điểm khan hiếm rau xanh, nhiều hộ khác không trồng được thì tôi vẫn có rau bán. Hơn nữa, tôi chọn loại rau ngắn ngày như cải, mùi, hành... trồng luân phiên, gối vụ, vừa nhanh có thu hoạch, lúc nào cũng có hàng để bán, lại được giá mà không để trống đất", bà Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, thị trường ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, sự an toàn đối với sức khỏe, bởi vậy trồng trọt theo cách truyền thống khó đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Năm 2020, cùng với việc xây dựng nhà màng, bà Thảo manh nha cách làm ăn mới: chuyên canh rau sạch và nông sản có giá trị kinh tế cao. Lúc này, cậu con trai cũng hết hạn lao động ở Nhật trở về, phụ mẹ phát triển kinh tế theo hướng đi mới.
Thời điểm này, địa phương đang có chính sách hỗ trợ vốn cho các mô hình phát triển kinh tế nông thôn. Bà Thảo bàn với con trai làm hồ sơ vay vốn làm nhà màng.
Hệ thống nhà màng rộng 1.500m2 có kinh phí xây dựng 500 triệu đồng, trong đó vốn vay từ nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới là 150 triệu đồng. Để hoàn thiện thêm hệ thống tưới nước nhỏ giọt, điện, bồn chứa ủ phân hữu cơ..., khu vườn cũng "ngốn" của bà Thảo ngót nghét tỷ bạc.
"Tôi bắt đầu ném tiền tỷ ra vườn để nhặt tiền lẻ. Làm vườn thì vất vả, làm việc từ sáng tới tối mịt nhưng không bao giờ lỗ, chỉ là lãi ít hay nhiều thôi", bà Thảo cười.
Không an phận với rau xanh, bà Thảo bắt đầu tìm tòi, thử nghiệm nông sản có giá trị kinh tế cao như dưa kim hoàng hậu, dưa vàng, dưa lưới. Năm 2020, bà thử nghiệm lứa dưa đầu tiên.
Lo lắng cây chưa phù hợp với chất đất ở đây, bà Thảo trồng dưa trong bầu xơ dừa. Cây phát triển tốt trong nhà màng, ít sâu bệnh nhưng do chưa có kinh nghiệm nên sản lượng dưa chưa cao. Bù lại, năm đó dưa bán được giá, tính ra bà Thảo vẫn có lãi. Theo tính toán của bà Thảo, quả dưa có giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích.
Năm 2021, bà mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dưa. Rút kinh nghiệm từ vụ đầu, bà Thảo tìm đọc thêm nhiều tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa. Người phụ nữ này còn đến một số nhà vườn trong huyện, trong tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm của người đi trước.
"Vụ dưa sau năng suất hơn hẳn, quả to, ngọt nhưng đúng dịch Covid-19. Không có thị trường tiêu thụ, tôi phải bán dưa theo diện "giải cứu" để vớt vát đồng vốn", bà Thảo chia sẻ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc trồng dưa của bà Thảo bị gián đoạn một năm. Năm 2023, bà tiếp tục trồng dưa, xen canh rau. Lần này, bà quyết định đưa dưa ra khỏi bầu xơ dừa, trồng thẳng trên đất, nhờ vậy đã tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Nhờ một chút liều và kinh nghiệm tích lũy, học hỏi từ 3 vụ dưa trước, vụ dưa này, nữ nông dân U60 "hái quả ngọt".
"Cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt, đậu quả nhiều. Trung bình mỗi quả đạt trọng lượng 1,5kg, dưa ngọt, mọng nước. Với giá bán sỉ 40.000 đồng/kg, tôi thu 40 triệu đồng/2 sào trồng dưa", bà Thảo phấn khởi cho biết.
Thời điểm này, bà Thảo đang chăm chút những luống hoa giống, chủ yếu là hoa cúc. Một phần cây giống sẽ cung cấp cho các hộ trồng hoa trong huyện và các huyện lân cận, phần còn lại sẽ được chăm sóc để bán hoa Tết, hoa rằm tháng Giêng. Chỉ tính riêng vụ hoa trước và sau Tết hàng năm, bà Thảo có nguồn thu nhập ổn định 70-80 triệu đồng.
Bà Trần Thị Oanh - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Hòa - cho biết: "Từ nguồn vốn vay chương trình nông thôn mới và nguồn Ngân hàng chính sách xã hội, bà Thảo đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao, bền vững. Làm kinh tế giỏi, bà Thảo còn hết sức chu toàn việc gia đình, chăm chồng tai biến nhiều năm, nuôi con học hành, trưởng thành. Ngoài ra, bà Thảo là Phó Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, có nhiều đóng góp cho phong trào Hội, hỗ trợ và tạo việc làm thời vụ cho nhiều hội viên tại hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao của mình".