1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nuôi con vật "khó tính", chàng trai miền núi kiếm 200 triệu đồng mỗi năm

Thanh Tùng

(Dân trí) - Từ một công nhân, anh Hà Minh Tuấn Anh chuyển qua nuôi thỏ New Zealand với vốn khởi nghiệp 10 triệu đồng. Sau 6 năm, anh sở hữu trang trại thỏ quy mô lớn, mỗi năm thu về 200 triệu đồng.

Trang trại nuôi thỏ thương phẩm (thỏ New Zealand) của gia đình anh Hà Minh Tuấn Anh (34 tuổi) ở cuối cánh đồng khu phố Xuân Quang, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Chủ trang trại cho biết, anh đến với nghề nuôi thỏ xuất phát từ niềm đam mê nông nghiệp. Năm 2017, khi đang làm công nhân, tình cờ xem trên mạng thấy mô hình nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, xét thấy ở địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, phù hợp để nuôi thỏ, bản thân lại yêu thích chăn nuôi nên anh quyết định rẽ hướng.

Nuôi con vật khó tính, chàng trai miền núi kiếm 200 triệu đồng mỗi năm - 1

Nhờ nuôi thỏ, mỗi năm anh Tuấn Anh thu về 200 triệu đồng (Ảnh: Thanh Tùng).

Nuôi con vật "khó tính", chàng trai miền núi kiếm 200 triệu đồng mỗi năm (Video: Thanh Tùng).

Thời điểm khởi nghiệp, chàng trai trẻ chỉ có 10 triệu đồng trong tay, anh vay vốn ngân hàng 70 triệu đồng rồi tận dụng lại mảnh đất sau nhà để xây dựng chuồng trại, nuôi 20 con nái.

Khi bắt đầu nuôi thỏ, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên các kỹ thuật chăn nuôi anh đều tự học qua sách, báo và đi thực tế các nơi để tham khảo mô hình. Anh kể, suốt 2 năm đầu anh chỉ tập trung nhân đàn, từ 20 con ban đầu lên đến hơn 500 con.

Nuôi con vật khó tính, chàng trai miền núi kiếm 200 triệu đồng mỗi năm - 2

Thỏ sau khi nuôi 3 tháng có thể xuất bán (Ảnh: Thanh Tùng).

Đến nay, trang trại thỏ thương phẩm của gia đình anh có quy mô gần 3.000 con. Mỗi tháng anh xuất bán khoảng 1 tấn thỏ, với giá bán 90.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu về lợi nhuận 18-20 triệu đồng/tháng.

Anh Tuấn Anh cho biết, nuôi thỏ không quá vất vả, mỗi ngày anh cho thỏ ăn 3 lần và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Thức ăn cho thỏ chủ yếu là cám viên. Bình quân mỗi năm thỏ đẻ từ 8 đến 9 lứa, mỗi lứa 4-5 con. Thời gian nuôi thỏ khoảng 3 tháng đạt trọng lượng 2-3kg, lúc này có thể xuất bán.  

Nuôi con vật khó tính, chàng trai miền núi kiếm 200 triệu đồng mỗi năm - 3

Hệ thống nước uống tự động cho đàn thỏ được anh Tuấn Anh lắp đặt tại trang trại (Ảnh: Thanh Tùng).

Nói về kỹ thuật nuôi thỏ, anh Tuấn Anh cho hay, chuồng nuôi thỏ phải đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Loài vật nuôi này ưa sạch nên cần phải dọn dẹp vệ sinh chuồng trại mỗi ngày. Ngoài ra, phải thường xuyên tiêm vaccine phòng bệnh cho thỏ.

"Nuôi thỏ tuy không vất vả nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là biết cách chẩn đoán bệnh. Thỏ là loài "khó tính", dễ mắc các bệnh đầy hơi, chướng bụng. Nếu không theo dõi, phát hiện kịp thời thì thỏ sẽ chết rất nhanh", chủ trang trại cho hay.

Ông chủ trang trại chia sẻ, 6 năm nuôi thỏ, anh trải qua không ít lần thất bại. Năm 2022, để tiết kiệm chi phí thức ăn, anh Tuấn Anh tự học cách ép cám viên. Tuy nhiên, do không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, gần 300 con thỏ chết sau một đêm vì mắc chứng bệnh đầy hơi.

Dự định về tương lai, anh Tuấn Anh cho biết thời gian tới sẽ nâng quy mô chuồng trại, thành lập hợp tác xã nuôi thỏ, đồng thời liên kết với bà con địa phương phát triển mô hình.

Nuôi con vật khó tính, chàng trai miền núi kiếm 200 triệu đồng mỗi năm - 4

Chuồng trại nuôi thỏ phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Đỗ Viết Thiệp, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Thường Xuân, cho biết, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Hà Minh Tuấn Anh là mô hình khá mới mẻ và mang lại hiệu quả cao ở địa phương.

"Anh Tuấn Anh là gương kinh tế điển hình ở địa phương. Trong quá trình nuôi thỏ, một số lần anh Tuấn Anh gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ, tuy nhiên đến thời điểm này đã tạm thời ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, chúng tôi đang khuyến khích người dân tham khảo và phát triển mô hình này", ông Thiệp cho biết thêm.