Phụ nữ Mường giữ hồn làng nghề, khát khao đưa thổ cẩm xuất ngoại
(Dân trí) - Nhiều năm qua, ở xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa vẫn lưu giữ làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bên cạnh phát triển kinh tế, sản phẩm được người dân hy vọng sớm xuất ngoại.
Nghề dệt thổ cẩm ở xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã có từ lâu đời. Trải qua nhiều thế hệ, đến nay nét đẹp mang bản sắc văn hóa vùng dân tộc thiểu số vẫn được những người phụ nữ nơi đây lưu giữ.
Theo người dân địa phương, trước đây, dệt thổ cẩm gắn với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Những người phụ nữ khi lớn lên ai cũng biết dệt thổ cẩm.
Là người có thâm niên lâu năm trong nghề dệt thổ cẩm, bà Lê Thị Tiền (63 tuổi, bản Chiềng Khạt, xã Đồng Lương), chia sẻ, bà biết dệt thổ cẩm từ năm 13 tuổi. Nhiều năm qua, bà và một số người phụ nữ trên địa bàn đang nỗ lực khôi phục lại làng nghề, phát triển kinh tế.
"Nghề dệt thổ cẩm không biết có từ bao giờ, chỉ biết lớn lên chúng tôi được mẹ truyền lại món nghề truyền thống này. Trước kia, dệt thổ cẩm chủ yếu để phục vụ làm trang phục, đồ dùng hàng ngày. Con gái khi lấy chồng phải có 10-15 sản phẩm thổ cẩm để tặng nhà chồng. Nếu không biết dệt rất khó lấy chồng.
Đến nay, các sản phẩm từ thổ cẩm được nhiều người yêu thích nên đây cũng là món nghề giúp bà con trong vùng kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn", bà Tiền cho biết.
Theo bà Tiền, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh mất rất nhiều công đoạn. Trước kia, để có sợi dệt, người dân phải nuôi tằm để lấy sợi tơ. Ngày nay, có nhiều cơ sở sản xuất sợi tơ nên người dân đỡ vất vả.
Các công đoạn được làm hoàn toàn thủ công dưới đôi bàn tay khéo léo của những người thợ dệt thổ cẩm.
Chị Phạm Thị Chiến 45 tuổi, bản Chiềng Khạt (xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh), chia sẻ, hiện trên địa bàn xã có khoảng 10 người làm nghề dệt thổ cẩm thường xuyên, khoảng 20-30 người làm thời vụ.
"Đa số chúng tôi tranh thủ lúc nông nhàn để dệt, trung bình 1 ngày có thể dệt khoảng 1m thổ cẩm, bán ra thị trường cũng được khoảng 150.000 đồng. Những năm qua, ngoài dệt vải, chúng tôi tập trung dệt theo đơn đặt hàng của khách như dệt túi xách, khăn choàng cổ...", chị Chiến chia sẻ.
Dệt thủ công ở xã Cẩm Lương đã có truyền thống và lưu giữ lâu đời. Những nghệ nhân ở làng nghề vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống này. Đa phần người dân đều dệt thủ công. Trong ảnh là con thoi - một trong những dụng cụ quan trọng đối với những người thợ dệt thổ cẩm. Con thoi được người dân tự chế, đục đẽo từ thân cây xoan.
Những tấm thổ cẩm dệt xong được kiểm tra lại kỹ lưỡng. Họ dùng kéo để cắt gọn những lỗi dư thừa rồi đưa đi kết tạo ra sản phẩm.
Bà Lương Thị Xuyến (xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh) đang kiểm tra các sản phẩm dệt thổ cẩm, bà cho biết, để khôi phục làng nghề truyền thống, có những ngày bà cùng cán bộ xã phải đi tận nơi, gõ cửa từng nhà.
"Chúng tôi luôn khao khát một ngày các sản phẩm dệt ở quê được đi ra nước ngoài. Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, chúng tôi được tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ và cách thức làm nghề dệt. Mới đây có một số đơn từ nước ngoài và khách du lịch đặt hàng, chúng tôi rất vui. Hy vọng sau này, dệt thổ cẩm sẽ vươn ra các nước để quảng bá hình ảnh và văn hóa của quê hương mình", bà Xuyên tâm sự.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Lê Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Lượng, huyện Lang Chánh, cho biết, nghề dệt thổ cẩm đã và đang là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc thù của nghề chỉ phụ nữ mới làm được.
"Thực hiện đề án gìn giữ và phát triển nghề dệt, những năm qua, bằng sự chỉ đạo và quan tâm của các cấp ngành, chúng tôi luôn phấn đấu lưu giữ và thường xuyên mở các đợt tập huấn về nghề dệt thổ cẩm cho bà con", bà Vân cho hay.
Theo bà Vân, ngoài việc khôi phục lại nghề, công việc dệt thổ cẩm cũng đem lại thu nhập 100.000-150.000 đồng cho phụ nữ trên địa bàn những lúc nông nhàn.
"Trong tương lai, dệt thổ cẩm sẽ trở thành một trong những nghề phát triển, song hành cùng du lịch tại địa phương. Đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, sản phẩm của làng nghề cũng được giới thiệu đến các nước Đông Nam Á, nếu xuất ngoại được thì đây là tiềm lực phát triển kinh tế trên địa bàn", bà Vân cho biết thêm.