1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kon Tum:

Dòng nhân công ngược ngàn lên cao nguyên hái cà phê kiếm Tết

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Theo Quốc lộ 24, hàng nghìn lao động từ đồng bằng vượt đèo Vi Ô Lắc lên Kon Tum để hái cà phê. Ai cũng tranh thủ làm sớm, nghỉ trễ để mong kiếm thêm chút tiền, lo cho cái Tết đủ đầy.

Những ngày cuối tháng 11, hàng nghìn lao động ở đồng bằng ngược ngàn lên Tây Nguyên để làm nghề hái cà phê thuê. Từng đoàn 5-10 xe máy biển số Quảng Ngãi chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 24, chở vợ con cùng đồ đạc lỉnh kỉnh vào các vùng cà phê ở Đăk Hà, Kon Rẫy để làm nhân công thu hái cà phê.

Anh Phạm Văn Thơ (44 tuổi, người H're, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) chở con trai lớn 11 tuổi vượt gần 150 km từ Quảng Ngãi lên huyện Đăk Hà, hái cà phê thuê cho một người dân trong thị trấn. Vợ anh Thơ cùng đứa con nhỏ đón xe khách lên sau.

Gia đình anh Thơ cùng 14 lao động khác đều ở trong một căn nhà rẫy của chủ vườn.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh.jpeg

Dòng người lao động từ Quảng Ngãi lên Kon Tum để hái cà phê thuê (Ảnh: Chí Anh).

"Nhà có 2 sào ruộng nên khi thu hoạch xong, 2 vợ chồng tranh thủ lên cao nguyên đi hái cà phê. Trước khi đi, gia đình đã liên hệ trước cho một số hộ để hỏi trước. Khi hái xong nhà này, tôi sang nhà khác làm cho đến khi hết mùa.", anh Thơ cho hay.

Anh Thơ chia sẻ thêm, mùa này hàng năm, hai vợ chồng anh đều lên Tây Nguyên nhận hái cà phê. Do hai vợ chồng anh đều hái kỹ, không làm hư cành nên chủ vườn nào cũng quý và hẹn tiếp mùa thu hái nông sản năm sau. Vì không nhờ được ai trông đứa con nhỏ, anh quyết định đưa cả vợ con lên cao nguyên để cùng đi hái cà phê.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh2.jpeg

Mỗi mùa thu hái cà phê kéo dài hàng tháng, giúp lao động kiếm thêm thu nhập chuẩn bị đón Tết (Ảnh: Chí Anh).

Cũng như mọi công nhân khác, 4h sáng hàng ngày, gia đình anh Thơ đã thức giấc, chuẩn bị cơm sáng và trưa. Đến 6h sáng, mọi người bắt đầu ra vườn để hái cà phê. Ai cũng tranh thủ đi làm sớm và nghỉ muộn để đạt ngày công.

Năm nay cà phê tăng giá nên chủ vườn đã khoán cho vợ chồng anh chị mỗi tạ dao động 90.000-100.000 đồng tiền công. Mọi chi phí ăn ở, nhân công phải tự lo.

Tương tự, anh Đinh Văn Dăt (38 tuổi, Ba Tơ, Quảng Ngãi) cùng vợ tranh thủ nhận hái khoán cho khu vườn cà phê rộng 4ha ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Cùng đi với anh có 5 cặp vợ chồng khác cùng xã.

Anh Dăt kể, một tuần trước, ruộng nương hết việc, anh được người bạn trong làng rủ lên Tây Nguyên hái cà phê. Tối đến, anh cùng vợ gom quần áo, chăn màn vào ba lô, chạy xe trong đêm lên thẳng Đăk Hà. Hai đứa con nhỏ 6 tuổi và 4 tuổi, vợ chồng anh gửi nhờ bà ngoại chăm sóc.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh3.jpeg

Những nhân công phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn để tiết kiệm thêm chút tiền mang về nhà (Ảnh: Chí Anh).

"Hai vợ chồng hái cà phê từ 6h đến 18h hàng ngày, năng suất đạt từ 7 đến 8 tạ, thu nhập hơn 800.000 đồng/ngày. Trừ các chi phí, vợ chồng anh Dăt dành dụm khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mùa cà phê kéo dài khoảng 2 tháng, nếu vợ chồng kiếm được 30-40 triệu đồng để lo Tết", anh Dăt bộc bạch.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh3.jpeg

Nếu đi làm sớm, nghỉ trễ, mọi người bình quân thu về từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ngày (Ảnh: Chí Anh).

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, vào mùa thu hoạch cà phê, ngoài nhân công tại chỗ, có khoảng 4.000 lao động nhiều tỉnh lân cận, chủ yếu là tỉnh Quảng Ngãi, đến địa bàn để hái cà phê thuê. Chỉ tính riêng huyện Đăk Hà có hơn 2.400 người.

Được biết, năm 2022, Tây Nguyên có hơn 600.000ha cà phê, chiếm 89,90% diện tích cà phê cả nước, cung cấp 1,77 triệu tấn cà phê (đứng thứ 2 sau Brazil), tổng kim ngạch xuất khẩu mang về là 4 tỷ USD.