1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi:

Làng thêu của đồng bào Mông ở "cổng trời" doanh thu đến 8 tỷ đồng/năm

Hoàng Lam

(Dân trí) - Có 135/149 hộ đồng bào Mông ở bản Mường Lống 1 (xã Mường Lống, Kỳ Sơn, Nghệ An) tham gia dệt thổ cẩm, chiếm hơn 90% số hộ dân trong bản. Thu nhập từ nghề thêu thổ cẩm của bản đạt gần 8 tỷ đồng/năm.

Chiều 3/11, Hội đồng thẩm định, xét duyệt công nhận nghề truyền thống tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị thẩm định Làng nghề thêu thổ cẩm "Pà Tấu" của đồng bào dân tộc Mông, bản Mường Lống 1. Đây cũng là mô hình góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Nghề thêu thổ cẩm "Pà Tấu" của đồng bào dân tộc Mông là nghề truyền thống có từ lâu đời, gắn bó mật thiết trong văn hóa của đồng bào Mông nơi được mệnh danh là "cổng trời" xứ Nghệ này.

Làng thêu của đồng bào Mông ở cổng trời doanh thu đến 8 tỷ đồng/năm - 1

Hội đồng thẩm định kiểm tra sản phẩm của làng nghề thêu thổ cẩm "Pà Tấu" (Ảnh: Đình Phú).

Trước đây, bà con Mường Lống thêu thổ cẩm để làm trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc trong các dịp lễ, Tết, mừng nhà mới, mừng đám cưới, đám ma, hay lễ hội chọi trâu, chọi bò...

Với hoa văn đẹp, màu sắc bắt mắt, khoảng 10 năm trở lại đây những sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Mông đã trở thành sản phẩm hàng hóa để bán ra thị trường. Các sản phẩm thêu của người Mông dùng để may khăn, váy, áo, mũ... được bán với giá khá cao, có sản phẩm lên tới hàng triệu đồng.

Làng thêu của đồng bào Mông ở cổng trời doanh thu đến 8 tỷ đồng/năm - 2

Bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông nơi "cổng trời" Mường Lống tạo ra những sản phẩm thêu với hoa văn độc đáo, màu sắc đẹp (Ảnh: Đình Phú).

Theo thống kê, hiện có 135/149 hộ đồng bào Mông tại bản Mường Lống 1 tham gia nghề thêu thổ cẩm. Thu nhập từ nghề thêu thổ cẩm đạt từ 5 đến 8 tỷ đồng/năm, chiếm 24-31% tổng thu nhập của cả bản. Làng nghề hoạt động quanh năm, thời điểm mùa vụ phụ nữ Mông sẽ tranh thủ thêu vào ban đêm.

Sau khi kiểm tra hoạt động thực tế của làng nghề, các thành viên Hội đồng thẩm định đã nhất trí Làng nghề thêu thổ cẩm "Pà Tấu" của đồng bào dân tộc Mông, bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí để cấp bằng công nhận làng nghề.

Làng thêu của đồng bào Mông ở cổng trời doanh thu đến 8 tỷ đồng/năm - 3

Sản phẩm váy, áo, mũ... do phụ nữ làng nghề thêu thổ cẩm "Pà Tấu" tạo ra (Ảnh: Đình Phú).

Hội đồng đề nghị chính quyền xã Mường Lống và các thành viên làng nghề bản Mường Lống 1 chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cụ thể; xây dựng quy chế chặt chẽ cho các hộ dân khi tham gia làng nghề. Bên cạnh đó, cần chú trọng vấn đề xử lý môi trường, cải tiến mẫu mã để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế của sản phẩm.

Để làng nghề phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, theo Hội đồng thẩm định, địa phương cần thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm thổ cẩm truyền thống vào phục vụ du lịch.