(Dân trí) - Các thuyết minh viên tự nhận mình là người "thay gia đình Bác Hồ tiếp khách". Chất giọng Nghệ đặc sệt, truyền cảm qua từng câu từng cữ giúp du khách cảm nhận thật gần gũi về nơi Bác Hồ sinh ra...
Những người "nói giọng quê Bác" với cả thế giới
Họ tự nhận mình là người "thay gia đình Bác Hồ tiếp khách". Với giọng Nghệ đặc sệt và sự truyền cảm qua từng lời, từng tiếng, những người phụ nữ duyên dáng đã đưa du khách trong nước và cả quốc tế đến gần hơn với một vĩ nhân bình dị tại nơi Người được sinh ra...
Thay gia đình Bác tiếp khách
"Thưa các bác, các anh, các chị. Hôm nay, trong những ngày tháng Năm lịch sử, chúng ta trở về đây, trong một hành trình ý nghĩa vô cùng nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu như làng Hoàng Trù là nơi Bác Hồ sinh ra, thì đây, Làng Sen quê nội, nơi Bác đã sống những ngày ấu thơ...", bên mái nhà tranh thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) thuyết minh viên Nguyễn Thị Thanh Huyền mở đầu bài giới thiệu của mình với đoàn du khách đến từ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Bằng chất giọng Nghệ đặc sệt, trầm ấm và chậm rãi với những nhấn nhá, chị Huyền giới thiệu về mảnh đất nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời đầy hiển hách của các thành viên trong gia đình Bác.
Nhiều du khách với đủ lứa tuổi, đứng xung quanh chị ngày càng đông, chăm chú lắng nghe để hiểu rõ hơn về nhân cách vĩ đại và con người nhất mực mộc mạc, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều cặp mắt thoáng chốc đỏ hoe, những chiếc khăn tay lặng lẽ đưa lên chấm giọt nước mắt xúc động. Thuở thơ ấu của một vĩ nhân hiện ra chân thực, sinh động qua lời thuyết minh như chạm vào sợi dây tình cảm thiêng liêng nhất trong mỗi người dân Việt Nam đối với vị cha già dân tộc.
Tháng 5, lượng du khách về với quê Bác đông hơn những dịp khác trong năm. Hơn nữa, sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng du khách hiện tăng đột biến khiến các thuyết minh viên gần như phải làm việc liên tục từ sáng sớm tới chiều tối để có thể phục vụ du khách chu đáo nhất. Đợt không khí lạnh trái mùa làm dịu đi cái nắng nóng đầu hè nơi mảnh đất Xứ Nghệ nhưng trên gương mặt các chị vẫn luôn lấm tấm mồ hôi bởi phải đứng thuyết minh liên tục. Khoảng thời gian dừng nghỉ đôi chút giữa hai lần thuyết minh, họ ngồi lui vào dưới bóng râm, nhấp ngụm nước, sửa lại trang phục, đầu tóc để sẵn sàng lượt dẫn mới.
"Chúng tôi là những người thay gia đình Bác tiếp khách. Khách của gia đình Bác là các cựu chiến binh, là các bà, các mẹ, là các cháu nhỏ và cả những người đã từng đứng bên kia chiến tuyến... Công việc không chỉ yêu cầu trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, không được phép sai sót mà quan trọng không kém là chuyển tải được trọn vẹn và chân thực nhất về thời thơ ấu của Bác, những tình cảm thiêng liêng của Người đối với quê hương và của quê hương dành cho Người", thuyết minh viên Lê Thị Hà chia sẻ.
Mỗi năm có hàng chục triệu lượt du khách về thăm quê Bác - quê của muôn quê. Có rất nhiều người sau đó quay lại nhiều lần và cũng có những người chỉ đến một lần nhưng đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong ký ức của các thuyết minh viên ở đây.
Đó là những đoàn cán bộ cách mạng miền Nam, cựu chiến binh, người bị địch bắt tù đày ở tận đất mũi Cà Mau ra thăm Làng Sen. Lần đầu tiên vượt hàng nghìn cây số về với quê Bác, những người đi ra khỏi cuộc chiến với đầy thương tích đó đã khóc lặng đi dưới mái nhà đơn sơ, mộc mạc. Tình cảm sâu nặng của những người lính cụ Hồ đối với Bác cũng khiến thuyết minh viên phải rất cố gắng để có thể kìm nén xúc động, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thuyết minh viên Phùng Thị Hương Giang kể: "Có lần tôi đón và thuyết minh cho đoàn cựu chiến binh Mỹ đã từng trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã đứng lặng im rất lâu trước bàn thờ trong căn nhà tranh thuở thiếu thời của Bác. Khi biết Bác Hồ lớn lên từ căn nhà lá đơn sơ này, họ bày tỏ sự ngưỡng mộ, kính trọng đối với Người. Chứng kiến tình cảm của những người từng ở bên kia chiến tuyến đối với Bác, tôi tự hào vì đã góp phần truyền tải hình ảnh, thông điệp về cốt cách, đạo đức... của Người đến bạn bè năm châu".
Những thuyết minh viên chỉ... nói giọng Nghệ
Chị Lê Thị Hà đến với công việc này một cách tình cờ, khi người anh trai vô tình đọc được thông báo tuyển cán bộ thuyết minh cho Khu di tích Kim Liên vào năm 2005. Tình cảm đối với Bác Hồ và người thân trong gia đình Bác đã thôi thúc cô cử nhân Ngữ văn 24 tuổi nhút nhát, kiệm lời mạnh dạn đăng ký ứng tuyển. 18 năm bén duyên và làm việc tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên với vai trò thuyết minh viên, với chị, là điều may mắn trong cuộc đời.
"Công việc đặc thù nên chúng tôi có nhiều cơ hội được đón tiếp nhiều đoàn khách, cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của mỗi người Việt đối với Bác Hồ. Mỗi hiện vật ở đây tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đều mang hồn cốt riêng, là từng câu chuyện cụ thể gắn với Bác và người thân của Bác. Nhiệm vụ của chúng tôi là chuyển tải trọn vẹn và chân thực nhất ý nghĩa của từng hiện vật để du khách hiểu rõ hơn về cốt cách, tâm hồn, đạo đức, lối sống của một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn, một người con vĩ đại của cả dân tộc...", chị Hà rưng rưng xúc động.
Một điều đặc biệt, dù đón tiếp đoàn khách miền Bắc, miền Nam hay miền Trung, các thuyết minh viên vẫn giữ nguyên giọng nói "nằng nặng" đặc trưng xứ Nghệ. Từng câu, từng chữ, dưới chất giọng mang âm hưởng quê hương đưa đến cho người nghe cảm xúc về sự chân chất, mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình của con người xứ Nghệ, quê hương xứ Nghệ, nơi đã hun đúc và hình thành nên cốt cách Hồ Chí Minh.
"Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, nhưng khi trở về quê hương sau 50 năm xa cách, Bác vẫn giữ nguyên âm sắc xứ Nghệ, bởi tiếng Nghệ, giọng Nghệ là hồn cốt của quê hương. Chúng tôi là những người thay gia đình Bác tiếp khách, phải giữ nguyên giọng Nghệ nhưng sử dụng từ ngữ phổ thông và phải phát âm tròn vành, rõ chữ để du khách hiểu và "thấm" được", thuyết minh viên Lê Thị Hà bộc bạch.
Với các thuyết minh viên ở đây, ngoài lợi thế là người Nghệ và có năng khiếu diễn thuyết thì họ đều phải trải qua quá trình học tập và rèn luyện lâu dài để có thể đứng thuyết minh trước đông đảo du khách. 16 thuyết minh viên, có người mới vào, đang trong thời gian học hỏi, có người đã gắn bó với công việc đặc biệt này từ 20 năm đến gần 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy công việc của mình là nhàm chán.
"Mỗi lần chuyển tải các câu chuyện, thông điệp tới du khách, chúng tôi đều có những cảm xúc khác nhau, luôn mới mẻ. Sự mới mẻ đến từ việc mỗi chúng tôi tự làm mới câu chuyện, cách diễn đạt, và quan trọng nhất là khơi dậy cảm xúc của người nghe. Du khách xúc động, tức là mình đã thành công, truyền tải trọn vẹn thông tin, thông điệp chạm được đến trái tim của người nghe. Tình cảm thiêng liêng cao quý của người dân trong và ngoài nước đối với Bác là động lực để chúng tôi luôn yêu công việc và làm tròn nhiệm vụ của mình", thuyết minh viên Phùng Thị Hương Giang chia sẻ.
Với yêu cầu nhiệm vụ mới, đội ngũ thuyết minh viên Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân. Hiện có 6 người có thể hướng dẫn, thuyết minh bằng tiếng Anh, năm tới sẽ có thêm dịch vụ thuyết minh bằng tiếng Lào để phục vụ du khách quốc tế.