DNews

Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Để thành công theo hướng bền vững, nhiều ngân hàng xác định cần thực hiện đúng và đủ bộ tiêu chí ESG. Trọng tâm đầu tư của nhiều nhà băng thức thời nằm ở chữ "S", là mài giũa đội ngũ nhân sự kế cận.

Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần

90% ngân hàng đã áp dụng ESG

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, 80-90% các ngân hàng hiện đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ tiêu chí ESG (định hướng phát triển bền vững) trong hoạt động. Trong đó, gần 50% các ngân hàng đã thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho vay vốn tín dụng bảo vệ môi trường.

Một số ngân hàng còn ban hành "Khung tín dụng xanh", "Khung khoản vay bền vững" nhằm đưa ra quy trình sử dụng và quản lý nguồn vốn vay dành cho dự án thuộc các lĩnh vực xanh, giảm phát thải. Không ít tổ chức tín dụng đã công bố báo cáo riêng về "phát triển bền vững".

Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 1
Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 2

Tuy nhiên, dù bộ ba tiêu chuẩn ESG đang dần "phủ đầy" các ngân hàng tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, hành trình vẫn còn không ít khó khăn, thử thách.

Tại tọa đàm "Thúc đẩy thực hành ESG trong ngành ngân hàng" mới diễn ra, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, nhận định, khó khăn một phần đến từ nguồn lực và cơ chế.

Thực tế, đến nay, chỉ có số ít ngân hàng thiết lập hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội hoặc lồng ghép kết hợp đánh giá rủi ro ESG trong hoạt động cấp tín dụng. Sự mới mẻ về khái niệm ESG, vấn đề gia tăng chi phí… là các nhân tố khiến công tác quản trị ESG gặp nhiều vướng mắc.

"Nhà leo núi chặng đầu"

Bản nghiên cứu "Những bước tiến ban đầu hướng đến bền vững - Cam kết môi trường, xã hội, quản trị trong ngành ngân hàng" đưa ra những phân tích về thực tế áp dụng tại 11 ngân hàng thương mại (NHTM) trong năm 2022. Nhận định chung, nếu xem định hướng phát triển bền vững là "cuộc đua lên đỉnh" thì cam kết chính sách của các NHTM Việt Nam về ESG vẫn đang ở những bước leo núi đầu tiên.

Nếu so với năm 2020, các cam kết chính sách về yếu tố môi trường (chữ "E") được các ngân hàng công bố công khai ở năm 2022 có sự cải thiện so với năm 2020, nhưng vẫn còn mờ nhạt.

Những nội dung được các NHTM công bố chủ yếu liên quan đến ngành sản xuất điện. Hầu hết các ngân hàng cho thấy họ có đầu tư vốn vào ngành năng lượng tái tạo. Các cam kết chính sách về Thiên nhiên và Biến đổi khí hậu được các ngân hàng công bố còn thiếu vắng các nội dung tương thích với chuẩn mực quốc tế.

Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 3
Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 4

Ít NHTM cam kết chính sách công khai về chủ đề thiên nhiên và chủ đề biến đổi khí hậu tương thích với những chuẩn mực quốc tế. Ở cấp khu vực ASEAN, điểm trung bình (trên thang điểm 10) về chủ đề biến đổi khí hậu và thiên nhiên vào năm 2022 của các NHTM Việt Nam, thấp hơn so với điểm trung bình của các ngân hàng Thái Lan.

Về yếu tố xã hội (chữ "S"), nhận định chung, các cam kết chính sách công khai cũng có sự cải thiện ở một số chủ đề so với năm 2020.

Tài chính toàn diện là chủ đề nổi bật nhất trong 5 chủ đề thuộc yếu tố xã hội và có sự cải thiện nhiều nhất so với năm 2020. Cả 11 NHTM đều công bố cam kết về các tiêu chí của chủ đề này, ở các mức độ khác nhau. Ở cấp khu vực ASEAN, điểm trung bình về chủ đề Tài chính toàn diện của các NHTM Việt Nam cao hơn so với điểm trung bình của các ngân hàng Indonesia và Philippines.

Ngoài ra, cam kết công khai về ba chủ đề gồm bình đẳng giới, quyền con người, quyền lao động của các NHTM Việt Nam trong năm 2022 có sự cải thiện hơn so với năm 2020. Song sự thay đổi này vẫn còn ở mức khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN. Trong đó, chỉ có một số ít NHTM Việt Nam có cam kết công khai về chủ đề quyền con người và về chủ đề quyền lao động.

Bên cạnh đó, yếu tố quản trị (chữ "G") của các NHTM là có sự cải thiện tốt nhất trong ba yếu tố ESG so với năm 2020.

Hầu hết, các ngân hàng đều công bố công khai các chính sách liên quan đến bảo vệ khách hàng, thuế, đặc biệt là phòng chống tham nhũng và minh bạch, trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, nhìn chung, yếu tố quản trị của các NHTM ở Việt Nam vẫn còn hạn chế so với nước bạn trong khu vực ASEAN.

Chữ "S" với trọng số nguồn nhân lực trong ngân hàng

Tính đến ngày 30/6, tổng số cán bộ công nhân viên của Nam Á Bank (Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á) là 5.033 người. Theo báo cáo, con số này tăng 9,4% so với cuối năm 2022.

Trong đó, số lượng nhân sự thâm niên trên 3 năm chiếm hơn 40%. Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của toàn thể nhân viên về môi trường làm việc tại Nam Á Bank, tỷ lệ cán bộ nhân viên hài lòng và mong muốn gắn bó với ngân hàng trên 5 năm đạt tỷ lệ cao. Hơn 97% cán bộ nhân viên cảm thấy hạnh phúc khi làm việc tại Nam Á Bank.

Đại diện ngân hàng cho biết, kết quả nói trên là biểu hiện của cả quá trình định hướng, sàng lọc và mài giũa "những viên ngọc quý" trong đội ngũ. Đó cũng là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong hành trình hoàn thiện bộ tiêu chí ESG, đặc biệt là chữ "S" (yếu tố xã hội) của doanh nghiệp.

Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 5
Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 6

Nam Á Bank nhận định, việc triển khai các tiêu chí ESG sẽ góp phần đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng và sự phát triển kinh tế của đất nước, trên cơ sở đáp ứng kịp thời các nhu cầu về sản xuất - kinh doanh - dịch vụ của khách hàng.

Bộ tiêu chí đồng thời giúp doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, khách hàng, đối tác cùng toàn thể cán bộ nhân viên.

Riêng về phần nguồn nhân lực, ngân hàng xác định để phát triển bền vững, cần có thế hệ nhân viên luôn tự tin và gắn kết. Muốn làm được điều đó, Nam Á Bank luôn hoạt động với phương châm "nhân sự là tài sản quý giá nhất", từ đó, vạch ra nhiều chương trình, kế hoạch đào tạo, giữ chân nhân sự giỏi suốt nhiều năm qua.

Trong đó, các chương trình nổi bật có thể kể đến như "Lãnh đạo trẻ kế thừa - The next leader" và cuộc thi "Trạng nguyên" trên toàn hệ thống. Từ những chương trình này, Nam Á Bank có thể tìm kiếm, phát huy năng lực và định hình sẵn thế hệ lãnh đạo kế thừa trong tương lai. Đồng thời, các nhân viên đều có sân chơi để thỏa sức thể hiện bản thân, tăng sự tự tin trước cộng đồng và tính gắn kết với tập thể.

Đáng chú ý, doanh nghiệp chủ trương giữ chân nhân sự bằng... cổ phần. Trong năm nay, Nam Á Bank vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thông qua và ban hành quy chế phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Đối với ESOP, Nam Á Bank đã phát hành 50 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng thêm 500 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng, giá chào bán ưu đãi là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, Nam Á Bank còn chuẩn bị sẵn sàng quỹ phúc lợi lớn nhằm đa dạng các chương trình đãi ngộ người lao động như mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn cho cán bộ nhân viên, người thân; các chế độ phúc lợi liên quan đến độc hại, lễ tết, thăm hỏi ốm đau; chương trình bảo hiểm nhân thọ cho cấp quản lý…

Không những vậy, để nhân viên yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp, Nam Á Bank còn triển khai khung chính sách, các chương trình đào tạo liên tục, đa dạng, kết hợp các hình thức đào tạo trực tiếp, trực tuyến, e-learning.

Hệ thống đánh giá kết quả công việc (KPI) luôn được xây dựng rõ ràng ngay từ đầu, tạo cơ hội cho mỗi người lao động đều có cơ hội phát triển và thăng tiến như nhau.

Mặc dù vẫn còn không ít thử thách, Nam Á Bank cho rằng các hoạt động kể trên là một trong những bước tiến đầu tiên giúp doanh nghiệp dần tiến xa trong hành trình hoàn thiện bộ tiêu chí ESG.

Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 7
Ngân hàng giữ chân nhân sự giỏi thế hệ mới bằng cổ phần - 8

Thực tế, nhờ nỗ lực đầu tư vào chữ "S" nói riêng, bộ tiêu chí ESG nói chung, Nam Á Bank đã ghi nhận những thành tựu thông qua các danh hiệu như 3 năm liên tiếp nhận "Best Companies To Work For In Asia 2023 - Nơi làm việc tốt nhất châu Á" và 1 trong 5 đơn vị ngân hàng tại Việt Nam được đề cử giải thưởng "Digital Transformation of HR Asia - Chuyển đổi số trong hoạt động nhân sự"…

Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" diễn ra vào sáng 30/10, tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị: Vietjet Air, tập đoàn FPT, Gamuda Land, Nam A Bank, Bac A Bank, HD Bank, Acecook Việt Nam, Toyota Việt Nam, Phú Long.

Độc giả đăng ký tham dự TẠI ĐÂY.

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.

Ảnh: Nam Á Bank, HD Bank, Bắc Á Bank