Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội là mơ ước của thế hệ lao động mới
(Dân trí) - Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để thế hệ lao động mới gắn bó với nơi làm việc là công ty có thực hành tốt trách nhiệm xã hội, có đóng góp giá trị gì cho cộng đồng hay không.
Nhu cầu "lạ" của thế hệ lao động mới
Tháng 9, bão Yagi vào Việt Nam và gây ra nhiều thiệt hại cho người dân các tỉnh miền Bắc. Những ngày ấy, chị Phượng làm việc tại Củ Chi (TPHCM) mà cứ thấp thỏm trông ngóng về quê nhà ở Bắc Giang, không biết cha mẹ có an toàn, nhà cửa có hư hại gì không.
Những lao động mưu sinh tại TPHCM nhưng gửi con nhỏ ở quê cho cha mẹ chăm sóc càng lo lắng hơn. Nhiều người chỉ mong ước được ở nhà vào thời điểm bão đến để bảo vệ con cái, chăm lo cho cha mẹ già.
Tháng 7, PwC Việt Nam công bố khảo sát mới nhất về lực lượng lao động châu Á - Thái Bình Dương năm 2024.
Theo báo cáo trên, người lao động Việt Nam xem biến đổi khí hậu là mối đe dọa hữu hình đối với công việc của họ. 65% cảm thấy lo lắng về những rủi ro liên quan đến sức khỏe và an toàn do biến đổi khí hậu gây ra.
Do đó, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khảo sát của PwC Việt Nam cho thấy, 88% lao động Việt Nam đồng ý rằng doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các biện pháp giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Tỷ lệ này còn cao hơn mức bình quân của người lao động toàn châu Á - Thái Bình Dương (73%).
Trong báo cáo, ông Johnathan Ooi, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thương vụ và Hoạt động PwC Việt Nam, nhận định: "Người lao động Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đến công việc của họ và mong muốn doanh nghiệp bắt đầu hành động. Mối lo ngại này tăng lên 65% so với mức 55% vào năm ngoái. Điều này cho thấy kỳ vọng ngày càng tăng đối với những thay đổi ý nghĩa".
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng: "Nhân lực ngày nay có xu hướng muốn làm việc lâu dài trong các công ty có chiến lược phát triển bền vững".
Theo bà, những công ty có trách nhiệm xã hội và môi trường sẽ được cộng đồng, khách hàng và đối tác tin tưởng hơn. Nhân viên cũng cảm thấy tự hào khi làm việc cho doanh nghiệp có uy tín cao về ESG.
Điều đó cho thấy, doanh nghiệp thực hành tốt chữ "E" (Environmental - Môi trường) cũng tạo tác động to lớn đến nhân lực, đối tượng trung tâm của mọi hoạt động ESG.
Mơ ước của lao động Gen Z
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, việc thực thi ESG có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các thế hệ lao động mới, nhất là Gen Z, có xu hướng chọn những công ty có cam kết mạnh mẽ về ESG và chú trọng đến phát triển bền vững.
Còn bà Võ Ngọc Tuyền, nhà sáng lập Dear Our Community (DOC, đơn vị tư vấn truyền thông và đào tạo nhân sự làm công tác phát triển bền vững), khẳng định một doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững, thực hành tốt ESG là mơ ước của thế hệ lao động mới, đặc biệt là người lao động ở độ tuổi Gen Z.
Một doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững, thực hành tốt ESG là mơ ước của thế hệ lao động mới, đặc biệt là người lao động ở độ tuổi Gen Z.
Theo bà Võ Ngọc Tuyền, thời gian gần đây có rất nhiều báo cáo ghi nhận xu hướng "nhảy việc" của Gen Z. Tuy nhiên, cần xem xét xu hướng này ở góc nhìn của cả 2 phía.
"Trong bất kỳ mối quan hệ nào đều có 2 chiều. 2 chiều ở đây là gì? Bạn trẻ hay nhảy việc vì họ muốn tìm kiếm một công việc có giá trị tốt, doanh nghiệp có đóng góp cho xã hội. Còn với doanh nghiệp, yêu cầu đầu tiên là phải tồn tại, kinh doanh có lời. Chỉ khi khoảng cách mong đợi của 2 bên xích lại gần nhau thì người trẻ sẽ gắn bó với công việc", bà Tuyền nhận định.
Theo bà Võ Ngọc Tuyền, xu hướng này không chỉ xuất hiện trong một bộ phận giới trẻ mà đang dần trở nên phổ biến trong thế hệ trẻ ngày nay.
"Tôi đến nhiều trường nói chuyện và nhận thấy người trẻ bây giờ rất quan tâm đến biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Họ mong muốn tìm kiếm những môi trường làm việc có giá trị, mong muốn công việc của mình có giá trị, đóng góp tích cực cho xã hội", bà Võ Ngọc Tuyền cho biết.
Chính vì nhận thấy xu hướng mới này, Tuyền sáng lập tổ chức DOC với mục tiêu cung cấp cho thế hệ trẻ những trải nghiệm thực tế về các công việc tạo tác động xã hội, tìm kiếm những người phù hợp để đào tạo thành nhân sự triển khai hoạt động ESG tại doanh nghiệp.
Thực tế các chương trình do DOC thực hiện thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Có người đã đi làm, có công việc ổn định vẫn tham gia các khóa học để biết cách triển khai dự án phát triển bền vững tại doanh nghiệp.
Ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến các khóa học phát triển bền vững, thực hành ESG tại doanh nghiệp (Ảnh minh họa: DOC).
Tuyền chia sẻ về các dự án mà những học viên trẻ đang thực hiện rất đa dạng. Có người lên kế hoạch giúp một nông dân giữ gìn các giá trị truyền thống của văn hóa lúa mùa. Có bạn thử nghiệm mô hình thực hành ESG tại một doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc…
Chữ "S" là trung tâm của bộ tiêu chuẩn ESG
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, dù có tiêu chí đánh giá thực hành khác nhau nhưng tựu chung lại, cả 3 yếu tố E (môi trường), S (xã hội) và G (quản trị) đều hướng về đối tượng trung tâm là người lao động, phát triển đội ngũ nhân sự bền vững.
Trong đó, chữ "S" là trung tâm của bộ tiêu chuẩn ESG, thể hiện sự tương quan rất rõ với việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững.
Bà Hoàng Hiếu cho rằng: "Yếu tố xã hội (chữ S) nhấn mạnh về tất cả các vấn đề liên quan đến người lao động tại doanh nghiệp. Chẳng hạn như vấn đề sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, chính sách tuyển dụng và thăng tiến, các quy định nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản và phúc lợi của người lao động…".
Cả 3 yếu tố E (môi trường), S (xã hội) và G (quản trị) đều hướng về đối tượng trung tâm là người lao động, phát triển đội ngũ nhân sự bền vững.
Bà Võ Ngọc Tuyền cũng đồng ý yếu tố xã hội là nhân tố quan trọng nhất trong ESG. Theo bà, thực hành chữ "S" nói riêng, ESG nói chung hay các bộ chỉ số phát triển bền vững khác thì mục tiêu cuối cùng vẫn là con người, hành động đến từ con người và lợi ích hướng về con người.
Doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động thì lao động sẽ làm việc hiệu quả hơn, năng suất tốt hơn và gắn bó với doanh nghiệp hơn. Đây là tiền đề cho doanh nghiệp tăng trưởng uy tín, năng lực sản xuất và phát triển bền vững.
Khi doanh nghiệp hiểu thực hành ESG là để doanh nghiệp phát triển bền vững, lớn mạnh bền vững và người lao động hiểu các giá trị bền vững, muốn gắn bó với một công việc có đóng góp cho xã hội thì khoảng cách mong đợi của 2 bên đang tiến gần nhau.
Với lao động trẻ và giỏi, khi yêu thích công việc, họ sẽ có sức sáng tạo lớn lao (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).
Do đó, theo bà Tuyền, ESG không chỉ là một bộ tiêu chuẩn để thúc đẩy các doanh nghiệp hoàn thiện, cung ứng những sản phẩm đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. ESG còn là xu hướng trong thời đại mới, khi mà thế hệ lao động mới ngày càng khó tính và có khả năng lựa chọn nơi làm việc phù hợp với họ.
Với những lao động giỏi thì khi tìm kiếm công việc, ngoài kiếm tiền, họ còn kỳ vọng vào nhiều yếu tố khác, nhất là mong đợi vào những giá trị mà công việc của mình, nơi mình làm việc mang lại cho xã hội.
Bà Võ Ngọc Tuyền cho rằng: "Khi kỳ vọng của 2 bên gặp nhau, người lao động gắn bó, yêu thích công việc thì sức sáng tạo của họ được giải tỏa, đóng góp cho doanh nghiệp sẽ lớn hơn rất nhiều".
Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" diễn ra vào sáng 30/10, tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị: Vietjet Air, tập đoàn FPT, Gamuda Land, Nam A Bank, Bac A Bank, HD Bank, Acecook Việt Nam, Toyota Việt Nam, Phú Long.
Độc giả đăng ký tham dự TẠI ĐÂY.
Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.