Lão nông đất võ Bình Định ép đào xứ Bắc khoe sắc đón Tết ở xứ nóng
(Dân trí) - Từ 2 cây đào bích được cha mang về từ miền Bắc, một nông dân ở Bình Định đã nhân lên vườn đào 500 gốc, cho hoa nở rộ đúng dịp Tết, thu hút nhiều người đến tham quan, đặt mua.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vườn đào bích có nguồn gốc ở miền Bắc của ông Phạm Văn Tạo (52 tuổi, thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) luôn có nhiều người tìm đến tham quan, đặt mua.
Thậm chí, nhiều người ở cách xa 50-60km cũng tìm về Tây Sơn để "mục sở thị" vườn đào bích ở xứ Bắc khoe sắc rực rỡ ở dải đất miền Trung nắng mưa bất thường.
Với kinh nghiệm 30 năm thuần dưỡng đào xứ Bắc, ông Tạo đã canh chuẩn thời gian xuống lá, hãm nụ để đào nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán. Với tình yêu hoa đào, ông Tạo lan tỏa, hướng dẫn cho nhiều bà con ở thôn Bỉnh Đức cùng trồng đào chơi Tết.
"Bình Định rất nổi tiếng với cây mai vàng, nhưng riêng thôn Bỉnh Đức, ngoài hoa mai, hầu như nhà nào cũng trồng 1-2 cây đào. Mỗi khi Tết đến xuân về, sắc mai, đào rất rực rỡ làng quê", ông Tạo chia sẻ.
Chia sẻ về cơ duyên mê đào xứ Bắc, ông Tạo cho biết khoảng năm 1987, cha ông mang 2 cây đào từ Hà Nội về chơi Tết. Hết mấy ngày xuân, cha ông mang 2 cây đào ra trồng ở vườn nhà. Từ đây, mối duyên với đào bích xứ Bắc của ông Tạo bắt đầu.
"Khi trồng ra vườn cây đào phát triển xanh tốt, hoa nở đều, đẹp nên tôi mới chiết trồng thử. Ban đầu chỉ cho anh em, bà con trồng chơi Tết, sau đó nhân giống nhiều dần lên", ông Tạo nói.
Theo ông Tạo, năm 1996, ông mới bán những gốc đào đầu tiên cho khách nhưng chỉ vài cây. Hiện nay, vườn đào của gia đình ông có trên 500 gốc, mỗi năm ông bán 70-100 cây cho khách ở địa phương và một số tỉnh thành lân cận. Với giá bán 1-5 triệu đồng/chậu hoa đào, mỗi mùa Tết, gia đình ông Tạo có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
"Nhiều người thấy lạ vì hoa đào trồng ở Bình Định đã đến tham quan, đặt mua. Có nhà hàng ở Quy Nhơn đặt thuê mùa Tết, thậm chí có người ở TPHCM cũng điện thoại đặt hàng để gửi vào đó", ông Tạo phấn khởi.
Không chỉ bán đào gốc, nếu khách thích đào cành, ông Tạo cũng cắt cành bán, mỗi cành đào bán từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng. Ngoài ra, ông còn nhận chăm sóc thêm với tiền công khoảng 1-2 triệu đồng/chậu/năm. Nhờ vậy, mỗi mùa Tết, lão nông đất võ thu nhập thêm được từ 20-30 triệu đồng.
Theo ông Tạo, so với trồng mai vàng thì trồng đào ít công chăm sóc, sâu bệnh cũng ít. Tuy nhiên, vào mùa mưa, cây đào thường mắc bệnh nứt da rồi chảy mủ, nếu không xử lý kịp thời thì cây sẽ chết.
Ngoài ra, cây đào vốn sống ở vùng khí hậu lạnh, trong khi miền Trung nắng nóng thất thường nên việc chăm sóc khó khăn hơn.
"Nắng nóng, con người còn trốn vào phòng lạnh, năm nay, Bình Định không có mùa đông nên tôi phải thường xuyên tưới nước để giữ mát. Do giống đào của gia đình tôi đã thuần chủng với thời tiết, thổ nhưỡng địa phương rồi nên cũng dễ chăm sóc. Tôi đang nhân thêm giống đào phai, đào Nhật Tân để làm phong phú sản phẩm", ông Tạo nói.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn cho biết, năm 2023, huyện đã công nhận sản phẩm đào Nhật Tân của ông Phạm Văn Tạo là sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Để tạo điều kiện cho ông Tạo mở rộng diện tích, phát triển vùng đào ở Tây Vinh, thời gian tới huyện sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí, quảng bá cho sản phẩm, tạo điểm nhấn hút khách du lịch.