PhotoStory

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết

Thực hiện: Nguyễn Hành

(Dân trí) - Những ngày giáp Tết, các hộ dân sản xuất bánh tráng ở Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ phải dậy từ 1h sáng, làm tốc lực cả ngày mới kịp đủ bánh giao cho khách hàng.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 1

Nghề làm bánh tráng truyền thống ở xã Thuận Hưng (Cần Thơ) đã hình thành và phát triển trên dưới 100 năm. Hiện nay cả 4/4 khu vực của phường Thuận Hưng có người làm nghề bánh tráng, tập trung nhiều nhất là khu vực Tân An và Tân Phú.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 2

Bánh tráng làm từ bột gạo nhưng phải là loại gạo khô, xốp của giống lúa IR50404 từ vùng Thốt Nốt. Gạo được ủ trước khi xay thành bột. Tùy theo loại bánh tráng (bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt, bánh tráng dừa,...) người làm sẽ thêm các loại gia vị cho phù hợp.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 3

Để làm ra chiếc bánh, người dân phải dậy từ 1h sáng, thực hiện các việc như xay bột, pha bột, nấu nước, nạo dừa,... Khi bột bánh sẵn sàng, công đoạn khó nhất là tráng bánh.

Khi đó, bột nước sẽ được múc đổ đều lên mặt vải căng trên nồi nước để bánh chín bằng hơi. Khi bánh chuyển từ màu trắng đục sang trong vắt thì dùng ống tre nhấc ra, rồi trải đều sang vỉ dừa, đem phơi nắng. Người tráng bánh phải là người quen tay thì miếng bánh tráng thành phẩm mới tròn và độ dày mỏng đều nhau.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 4

Chiếc bánh sau khi lấy ra từ nồi hấp được trải lên vỉ lá dừa rồi đem phơi nắng.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 5

Công đoạn phơi nắng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, không phải loại nắng nào cũng phơi. Nắng nhỏ, bánh không khô, còn nắng gắt quá, bánh sẽ bị giòn, vỡ. Bánh phơi đạt tiêu chuẩn là khi cầm lên tay thấy mịn, không có lỗ khí lồi lõm…

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 6

Bà Nguyễn Thị Bưng (Khu vực Tân phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) - người có trên 50 năm làm bánh tráng, cho biết, học được nghề làm bánh tráng không hề đơn giản. Trước tiên phải học cách pha chế bột, sau đó là tráng bánh rồi gỡ bánh. Bí quyết làm nên những chiếc bánh thơm ngon chính là ở đây…

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 7
Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 8
Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 9

Ngoài bánh tráng nhúng thực khách hay dùng để ăn các món gỏi, nghệ nhân ở làng bánh tráng Thuận Hưng còn làm bánh tráng ngọt, bánh tráng mè, bánh tráng ruốc, bánh tráng nem,...

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 10
Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 11

Bánh tráng mè sau khi được phơi khô, người dân bắt vỉ nướng lên, thơm lừng. Vào những ngày giáp tết, thời tiết se lạnh, bọn trẻ nông thôn rất thích ăn loại bánh tráng thơm, nóng hổi này. 

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 12

Theo báo cáo của UBND phường Thuận Hưng, trên địa bàn hiện có 58 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động có thu nhập ổn định tại địa phương. Những ngày giáp tết, mỗi hộ sản xuất từ 40.000 - 60.000 chiếc bánh, thu lời từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 13

Nhân công phơi bánh, gỡ bánh hay phụ những việc khác tại các cơ sở sản xuất bánh tráng có thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Thợ tráng bánh thu nhập ổn định 300.000 đồng/ngày.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 14

Hiện nay, tại làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng có 3 hộ đầu tư sản xuất tráng bánh bằng máy, trong đó có 1 lò tráng bánh và sấy khô luôn, không cần phơi nắng.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 15

Mỗi loại bánh tráng có giá dao động từ 30.000đ - 40.000đ/chục. Những ngày giáp Tết, giá bánh tăng lên 10 -20%.

Không khí làm việc tại các cơ sở sản xuất bánh luôn tất bật, nhân công phục vụ và thợ tráng bánh phải làm việc hết công suất mới đủ bánh giao cho khách hàng.

Làng nghề bánh tráng 100 tuổi tất bật những ngày giáp Tết - 16

 Bánh tráng ở Thuận Hưng không chỉ cung cấp cho người dân địa phương, các thành phố lớn, như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai,... mà còn xuất bán sang Campuchia.

Nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngoài ra, nghề này còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Để góp phần bảo tồn và phát huy di sản làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, năm 2022, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể "Nghề thủ công truyền thống Bánh tráng Thuận Hưng" trình UBND thành phố đề xuất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.