Loại bánh nở như hoa, cầu may mắn với người dân xứ Quảng
(Dân trí) - Khi chín, bánh thuẫn nở bung như hoa mai, vàng ươm, mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tốt lành đến người thưởng thức, được ưa chuộng mỗi dịp Tết tại Quảng Nam.
Cùng với bánh tét, dưa món, thịt ngâm nước mắm, bánh thuẫn (hay còn gọi là bánh thửng) là món bánh được dùng để đãi khách trong những ngày Tết của người dân miền Trung nói chung và người dân xứ Quảng nói riêng.
Cận Tết Quý Mão, các lò bánh thuẫn truyền thống tại phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lại tất bật đỏ lửa, năng suất tăng 2-3 lần ngày thường để kịp cung ứng nhu cầu thị trường.
Ông Trần Thế Chín (62 tuổi, phường Vĩnh Điện) có hơn nửa đời người gắn bó với nghề làm bánh thuẫn.
Ông Chín chia sẻ, để có bánh thuẫn ngon, ngoài bột gạo, bột nếp, trứng, sữa thì nguyên liệu có thêm gừng giã nhuyễn, nước cốt chanh để bánh dễ nở. Trứng và bột đánh càng mạnh tay và đều, đến độ có bọt nổi lên thì bánh càng ngon và thơm.
Khâu quyết định chất lượng bánh chính là khâu nướng lửa than, đòi hỏi người nướng bánh phải luân phiên đổ bánh vào khuôn, bánh chín thì thổi than hồng trên mặt bánh.
"Nhiều công đoạn hiện được thay thế bằng máy móc, nhưng nướng bánh phải dùng khuôn bằng gang hoặc đồng, làm chín bằng lửa than mới đúng điệu. Từ 20 tháng Chạp, các xưởng sẽ bắt đầu tăng cường sản xuất, sản lượng cao gấp 2-3 lần ngày thường. Bánh được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Quảng Nam", ông Chín cho hay.
Cơ sở bánh thuẫn của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (phường Vĩnh Điện) cũng tất bật không kém. Để phục vụ thị trường dịp Tết năm nay, cơ sở dự tính cung ứng hơn một tấn bánh.
"Phải huy động cả gia đình, mỗi người một tay để kịp đơn hàng cho khách. Ngoài đặt qua điện thoại, tôi còn bán bánh qua mạng xã hội để mọi người gần xa biết đến", chị Thủy chia sẻ.
Theo những vị cao niên tại đây, chiếc bánh thuẫn đạt yêu cầu không chỉ thơm ngon mà còn phải có hình dáng của những cánh hoa mai nở đều, vàng tươi, rực rỡ, thể hiện mong ước năm mới nhiều may mắn và sung túc.