1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Cận Tết, hàng trăm hộ dân làng nghề gói bánh chưng Vĩnh Hòa (huyện Yên Thành, Nghệ An), hối hả làm bánh đến quên ăn, quên ngủ mới đủ hàng để giao cho khách.

Không khí Tết như đã đến sát với làng nghề Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành. Nhiều gia đình đang tất bật với công việc gói bánh.

Bánh chưng được làm quanh năm, song nhộn nhịp nhất vẫn là dịp Tết đến xuân về. Người dân Vĩnh Hòa làm từ sáng hôm trước cho đến sáng hôm sau mới kịp hàng giao cho khách. Từ đầu đến cuối làng, những chuyến xe chở nguyên liệu gói bánh và chở bánh từ làng đi phân phối trong Nam, ngoài Bắc vào ra tấp nập.

Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ  - 1

Làng nghề Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tất bật vào vụ.

Theo người làm nghề tại làng Vĩnh Hòa, những chiếc bánh ngon nức tiếng được tạo nên bởi sự tỉ mỉ, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, kỹ thuật gói, nấu bánh và cái tâm của những người làm nghề. Hàng trăm tấn gạo nếp thơm ngon được bà con nhập về từ Lào, Thái Lan. Các loại lá chuối, lá dong được tuyển chọn, thịt mỡ, dưa hành… để gói bánh cùng với nhiều nguyên liệu cần thiết khác được người dân chuẩn bị.

Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ  - 2

Những vật liệu như gạo nếp, lá dong, hành... không thể thiếu trong quá trình làm bánh.

Cận Tết, công việc của người dân làng Vĩnh Hòa bắt đầu từ khoảng 6h mỗi ngày. Trong làng Vĩnh Hòa, già, trẻ, gái, trai đều được phân công nhiệm vụ, người thì ngâm gạo, người gói bánh, chẻ lạt, róc lá… tiếng nói cười rộn rã. Khắp làng quê, ngõ xóm, sân nhà nào cũng chất đầy lá dong, mùi bánh tỏa ra thơm ngát, cuốn hút.

Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ  - 3

Quá trình làm bánh trải qua nhiều công đoạn từ rửa lá, làm nhân, luộc bánh cho đến khâu cuối cùng là đi giao hàng cho khách.

Đôi tay thoăn thoắt gói bánh, anh Lê Thái Yên (SN 1971) cho biết, nghề gói bánh chưng ở đây đã có từ lâu đời. Mỗi dịp Tết đến, công việc sẽ tất bật hơn khi có nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi, để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Từ 18/12 Âm lịch trở đi, 7- 8 người trong gia đình anh phải làm xuyên cả ngày khi đơn đặt hàng rất nhiều. Cả gia đình anh Yên gói 1.000-2.000 chiếc bánh mỗi ngày, trị giá khoảng 25-30 triệu đồng.

"Trung bình mỗi vụ Tết gia đình tôi nhận gói tầm 10.000 nghìn chiếc bánh, trong đó có khoảng 4.000 chiếc phục vụ cho lễ cúng ông Công, ông Táo, số còn lại dành cho những ngày Tết. Nói là tháng Tết nhưng cao điểm bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp cho đến ngày 29 Tết, có năm phải đến tối 30 Tết cả nhà mới xong việc. Những ngày này, người nào cũng làm việc luôn tay, luôn chân dường như không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Cơm ăn qua quýt, mệt quá thì ngả lưng luôn tại chiếu, chợp mắt 1-2 tiếng lại dậy làm mới kịp bánh giao cho khách", anh Yên chia sẻ thêm.

Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ  - 4

Thời gian này, những hộ làm bánh chưng ở làng Vĩnh Hòa không có thời gian để ăn ngủ.

Đã có thâm niên gói bánh chưng gần 40 năm, bà Lưu Thị Bích Viên (SN 1973) chia sẻ: "Bánh chưng Vĩnh Hòa đã nổi tiếng khắp nơi, bánh ngon hay không quan trọng là cách chọn loại nếp, thịt làm nhân bánh, rồi cách nấu bánh nữa… Thông thường để nấu được một nồi bánh chín, chúng tôi phải mất 7-8 tiếng đồng hồ".

Gia đình ông Nguyễn Văn Hạ (SN 1960) làm nghề từ năm 1998, mỗi ngày gói 50-100kg nếp, nhưng dịp Tết thì nhiều hơn. Nơi tiêu thụ bánh của gia đình ông không chỉ các xã trong huyện mà vươn ra cả huyện Nghĩa Đàn, thành phố Vinh (Nghệ An) và một số nơi ở tỉnh Thanh Hóa.

Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ  - 5

Mỗi chiếc bánh chưng, bánh giầy có giá 20.000-30.000 đồng.

"Sau khi gói xong, bánh được đun liên tục 7-8 tiếng đồng hồ, sau đó đợi than tàn, nước nguội để bánh chín đều từ trong ra ngoài. Nếu vớt bánh khi nước còn nóng, vỏ bánh sẽ bị cháy, màu bánh không xanh. Bánh vớt ra, rửa sạch, ép hết nước xong mới giao hàng cho khách", ông Hạ chia sẻ.

Ông Lưu Đức Bằng - Xóm trưởng làng Vĩnh Hòa cho biết: "Làng Vĩnh Hòa được công nhận làng nghề chế biến nông sản vào năm 2005. Hiện có khoảng 200/318 hộ làm nghề gói bánh. Đây cũng là xóm đông dân nhất xã với 100% là đồng bào giáo dân. Nghề bánh nơi đây cha truyền con nối, tạo nên thương hiệu đặc trưng, giúp kinh tế địa phương ngày một ổn định và phát triển".

Cận Tết, làng nghề bánh chưng làm quên ăn, quên ngủ  - 6

Làng bánh chưng Vĩnh Hòa đã khẳng định được thương hiệu, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây.

Thương hiệu bánh chưng Vĩnh Hòa ngày càng uy tín không chỉ bởi bánh rất ngon, mẫu mã đẹp và đặc biệt nhất là đảm bảo vệ sinh, an toàn. Bánh chưng nơi đây mang bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân tại vựa lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An.