Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết
(Dân trí) - Tháng cận Tết, các lò bánh ở làng bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ) lại đỏ lửa từ 2-3h sáng đến khi mặt trời tắt nắng, cung cấp cho thị trường hàng trăm ký bánh tráng mỗi ngày.
![Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết](https://cdnphoto.dantri.com.vn/1FOR21MvojlClmebDp6D4CNldGQ=/2025/01/08/banhtrang2-crop-1736304026601.jpeg)
Làng bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được xem là lớn nhất miền Tây, là di sản văn hóa phi vật thể với tuổi đời suốt gần 2 thế kỷ gắn bó với người dân Cần Thơ nói riêng và người dân vùng ĐBSCL nói chung. Nơi đây có gần 100 hộ làm duy nhất một nghề tráng bánh, cung cấp 90% sản lượng bánh tráng trên địa bàn Cần Thơ, Hậu Giang.
2 thế kỷ đỏ lửa thức canh bánh
Khi đặt chân đến ấp Tân An (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), chị Phạm Thị Mỹ Ngọc (30 tuổi, ngụ tại TPHCM) thích thú khi nhìn những liếp tre, dừa dựng dọc bờ tường, phủ kín khoảng sân. Bên trên là những chiếc bánh tráng tay tròn đều xếp ngay ngắn chờ được hong khô dưới nắng.
Bánh tráng không phải món ăn xa lạ mà là loại thực phẩm gắn liền bữa cơm của người dân phía Nam như chị Ngọc. "Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham quan làng nghề vào dịp cận Tết. Nhìn đâu cũng thấy những phên bánh tráng đều tay, thơm lừng và bắt mắt", chị nói.
Theo sử liệu, nghề làm bánh tráng ở phường Thuận Hưng đã tồn tại và phát triển khoảng từ giữa thế kỷ 19 với nhiều thăng trầm. Khi đó, đây là vùng chuyên canh, nhờ thành quả lao động, sáng tạo của bậc tiền nhân trong việc tính toán sử dụng lúa gạo làm nguyên liệu, thực phẩm dự trữ. Những hộ làm bánh tráng nhỏ lẻ từ đó ra đời.
Tiếng lành đồn xa, thị trường mở rộng, nhà nào ở Thuận Hưng cũng đỏ lửa, bám nghề tráng bánh mà thoát nghèo. Hình ảnh những liếp bánh tráng xếp thẳng hàng, dài tít tắp từ dạo ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách thập phương.
![Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 1 Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/qAl661UIA5Y-gWYJjt8Ir9whKbA=/thumb_w/1920/2025/01/08/banhtrangthuanhung1baotrann-1736302947783.jpg?watermark=v1)
![Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 2 Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/ON37C_oAVKXD3sP-kxHl4KGH8vM=/thumb_w/1920/2025/01/08/banhtrangthuanhung1-1736302948560.jpg?watermark=v1)
![Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 3 Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/mJU7DyVc0cVy7sYV1CBJa2o0DzQ=/thumb_w/1920/2025/01/08/banhtrangthuanhung2-baotran-1736297687733.jpg?watermark=true)
Dịp thường, các lò bánh tráng nơi đây ngày nghỉ ngày làm. Nhưng suốt 1 tháng cận Tết, cứ 2-3h mỗi ngày, các xưởng sản xuất đã bắt đầu một ngày làm việc mới.
Theo bà Nguyễn Thị Tươi (67 tuổi), chủ lò bánh tráng ở ấp Tân Phú, do tình hình kinh tế khó khăn nên mùa Tết năm nay, nhiều hộ làm bánh tráng không tăng giá. Hiện tại, bánh giòn có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg; bánh dừa mè có giá dao động từ 300.000 đến 350.000 đồng/100 chiếc; bánh ngọt có giá từ 130.000 đến 150.000 đồng/100 chiếc. Đơn hàng Tết đã chốt ở các lò năm nay tăng từ 2 đến 3 lần so với ngày thường.
Theo lãnh đạo UBND phường Thuận Hưng, địa phương hiện có 88 hộ sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này cả trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản lượng bánh tráng xuất ra thị trường trong dịp Tết chiếm hơn 50% cả năm. Khách hàng đặt bánh đến từ khắp nơi ở ĐBSCL và cả nước ngoài, trong đó khu vực Cần Thơ và các tỉnh thành lân cận chiếm đến 90%.
Bí quyết làm nên món bánh trăm năm
Mỗi nghệ nhân ở làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đều có 1-2 thập kỷ gắn bó với nghề. Dưới bàn tay khéo léo của họ, hàng trăm chiếc bánh tráng đều đặn ra lò mỗi ngày.
Nghe tiếng bánh khô tróc khỏi liếp kêu tanh tách bên tai khi khách đến tham quan làng bánh tráng, bà Hà Thị Sáu, nghệ nhân làm bánh hơn 40 năm, giới thiệu đây là âm thanh đáng mừng ở những lò làm bánh tráng vì nhờ nó mà người thợ biết bánh phơi vừa "no" nắng, đạt đủ độ giòn.
Theo bà Sáu, hầu hết các loại bánh tráng tay quy trình làm đều giống nhau nhưng điều làm nên sự khác biệt của bánh tráng Thuận Hưng là nhờ chất lượng thơm ngon được duy trì suốt hơn 1 thế kỷ.
"Bánh tráng giòn (loại bánh truyền thống) của dân Thuận Hưng thường có màu trắng ngà chứ không phải trắng tinh như những loại bánh có dùng chất tẩy, bánh chỉ có bột và ít muối, có vị mặn nhẹ", bà Sáu nói.
![Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 4 Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 4](https://cdnphoto.dantri.com.vn/gO1mQAnPX99Zfdc4cqRZismg0ZQ=/2025/01/08/banhtrangthuanhung3-baotran-1736297687699.jpg?watermark=true)
Thợ làm bánh tráng đều thích nghe tiếng tanh tách khi bánh bong trên liếp.
Người dân ở làng bánh tráng Thuận Hưng thường chọn gạo 504 hoặc gạo Hàm Châu để xay bột. Hai loại gạo này tuy là gạo rẻ nhất thị trường nhưng nhờ có lượng tinh bột cao nên chúng phù hợp làm nguyên liệu tráng bánh.
Theo bà Sáu, 100kg gạo có thể làm ra gần 100kg bánh giòn. Sau quá trình dập khuôn, khoảng 95kg bánh đạt tiêu chuẩn sẽ được vận chuyển đi khắp các tỉnh thành, phụ phẩm là rìa bánh thì giao cho mối bán bánh tráng trộn.
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng sản xuất nhiều loại bánh với nhiều hương vị khác nhau. Bánh tráng giòn là loại bánh truyền thống, dùng để ăn món cuốn. Bánh tráng dừa có nước cốt dừa và mè dùng để nướng. Bánh tráng ngọt để ăn liền...
"Trong số đó, loại bánh làm nên thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng là bánh tráng giòn. Đây là loại bánh được dùng làm món cuốn trong bữa ăn của người miền Tây vào dịp Tết", một chủ lò cho biết.
![Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 5 Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 5](https://cdnphoto.dantri.com.vn/zhs-X1tZ6SSDb6Zhn2A5grFX9zU=/2025/01/08/banhtrangthuanhung6-baotran-1736297686893.jpg?watermark=true)
Người dân phơi bánh hối hả cho kịp giao hàng Tết (Ảnh: Mỹ Hân).
Việc tạo ra một chiếc bánh với những người nghệ nhân nơi đây cũng giống như sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo, tập trung. Lượng bột để tạo ra một chiếc bánh luôn chuẩn chỉnh, thường được đong bằng một cái gáo nhỏ, một gáo bột tương đương với một chiếc bánh.
Bột được đổ lên tấm vải mùng căng trên lò hơi. Người thợ múc bột vừa phải và cần tán bột đều tay. Sau khi bánh được hấp chín, người lấy bánh làm khâu cuộn, chuyển bánh từ mặt nồi sang liếp phơi.
Để bánh giòn mà không bị bể, thợ phơi bánh phải dựa vào nắng để canh thời gian. Nếu nắng đẹp thì mỗi chiếc bánh cần khoảng nửa tiếng để khô. Bánh thành phẩm được lấy ra khỏi vỉ, xếp chồng lên nhau, cắt gọt cho đều rồi giao theo đơn đặt hàng.
![Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 6 Làng bánh tráng lớn nhất miền Tây suốt đêm đỏ lửa phục vụ Tết - 6](https://cdnphoto.dantri.com.vn/T6dnXcog1b_fvZoySFYDzlkWlB0=/2025/01/08/banhtrang3-1736297687178.jpg?watermark=true)
Một hộ làm bánh tráng nhìn từ trên cao (Ảnh: Mỹ Hân).
Cứ tỉ mỉ như thế, những nghệ nhân làng bánh tráng Thuận Hưng đã duy trì làng nghề quê mình gần 200 năm hoạt động, trở thành điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước.