Làng bánh nổ duy nhất xứ Quảng tất bật chuẩn bị hàng Tết
(Dân trí) - Vào dịp cận Tết, thợ làm bánh nổ không có thời gian ngơi tay. Để có đủ nguyên liệu làm nên thứ bánh thơm nức, giòn, ngon, người dân làng Tân Thọ ở Quảng Nam phải nổ nếp trước đó gần một tháng.
Đối với người dân xứ Quảng, vào dịp Tết cổ truyền, trên gian thờ tổ tiên thường bao giờ thiếu những loại bánh truyền thống. Bánh nổ - một loại bánh dân dã - luôn góp mặt trên mâm cúng ngày Tết, là thức quà quê gợi nhớ thương với những người con Quảng Nam xa xứ.
Những ngày cuối tháng 11 Âm lịch, người làng Tân Thọ (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại tất bật với công việc làm bánh nổ. Đây là ngôi làng duy nhất ở xứ Quảng còn làm bánh nổ cổ truyền để cung ứng cho các chợ trong tỉnh, thành phố Đà Nẵng hoặc theo chân người con xa quê vào tận TPHCM.
Quy trình để làm nên chiếc bánh nổ không đơn giản. Nguyên liệu chính là nếp được phơi khô, loại bỏ những hạt lép để khi rang, nếp nở bung. Khâu này được người dân Tân Thọ chuẩn bị trước đó gần 1 tháng.
Để có được hàng triệu hạt nếp nổ vừa đảm bảo độ giòn nhưng phải vừa vàng, không cháy, người canh lửa phải biết điều chỉnh. Sau công đoạn rang nếp, hạt nổ phải được nhặt sạch vỏ trấu còn sót.
Tiếp đến là khâu thắng đường, phải làm sao để đường nấu với gừng không bị già lửa. Sau khi đường "lại nước" sẽ trộn nổ vào, tiếp đó cho hỗn hợp này vào khuôn, đóng chặt và đưa đi sấy bằng than củi.
Bà Võ Thị Ngọc Thuận (52 tuổi, chủ cơ sở bánh Ngọc Thuận) đã có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh nổ cho biết, mỗi dịp cận Tết Nguyên đán, người làng Tân Thọ lại tất bật đem nếp đi nổ.
Cũng như mọi năm, gia đình bà Thuận chuẩn bị gần 1 tấn nếp để làm bánh nổ. Ngoài các thành viên trong gia đình, bà còn thuê thêm một thợ trong làng với tiền công 200.000 đồng/ngày để kịp in bánh cung ứng cho bạn hàng.
"Bánh nổ đạt chuẩn có vị ngọt thanh, thơm mùi gừng và giòn, ngon. Tôi hy vọng bánh nổ truyền thống này sẽ được đầu tư để phát triển trở thành đặc sản cho khách du lịch làm quà, chứ không chỉ gói gọn mỗi dịp Tết", bà Thuận chia sẻ.
Theo người dân Tân Thọ, nhiều năm trước có khoảng 40 cơ sở, nhưng những năm gần đây chỉ còn 20 hộ làm bánh. Nghề này rất cực nhọc, trải qua nhiều công đoạn mới hoàn thiện sản phẩm nhưng giá thành không cao, người làm bánh chủ yếu lấy công làm lời.
Tại cơ sở bánh nổ truyền thống Năm Thu, không khí khẩn trương, tất bật người in bánh, đóng gói…
Ông Huỳnh An Thu (61 tuổi, làng Tân Thọ) cho hay, khâu ép nổ vào khuôn thường có hai cách, ép vào khuôn dài tạo thành cây 40-50cm rồi dùng dao cắt thành khoanh vừa ăn hoặc ép vào khuôn hình vuông theo từng cái, cách này bánh sẽ vuông vức và đều hơn.
Dịp Tết năm nay, gia đình ông Thu chuẩn bị khoảng 1 tấn nếp để làm bánh nổ. Do làm bằng thủ công nên mỗi lát bánh thơm ngon là tâm huyết và đam mê của người thợ lành nghề.
Giá bán sỉ mỗi bịch bánh 12 cái là 20.000 đồng. Dù giá nguyên liệu từ nếp đến đường, gừng, than đốt đều tăng hơn so với mọi năm, nhưng các hộ làm bánh nổ vẫn không thay đổi giá bán.
"Tuy làm bánh nổ vất vả, nhưng cũng phù hợp với công việc đồng áng nhàn rỗi, chủ yếu lấy công làm lời và giữ được hương vị truyền thống", ông Thu nói.