1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết

Khánh Hồng

(Dân trí) - Những ngày này, từ 2 giờ sáng, các lò bánh tráng ở Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã đỏ lửa làm bánh phục vụ Tết Nguyên đán.

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết

Đỏ lửa từ 2 giờ sáng

Với người dân miền Trung, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên và bữa ăn của mỗi gia đình trong 3 ngày Tết. Bánh tráng (một số nơi gọi là bánh đa, bánh khô…) Túy Loan nức tiếng ngon từ xưa đến nay.

Ở Túy Loan, các hộ làm bánh tráng quanh năm hiện có khoảng 4 hộ nhưng làm vụ Tết thì có khoảng 10 hộ. Cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, các lò bánh ở đây bắt đầu đỏ lửa để phục vụ nhu cầu ăn Tết của người dân.

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết - 1

Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, các lò bánh tráng Túy Loan đã đỏ lửa để làm vụ Tết

Những ngày này, ngày nào mẹ con chị Nguyễn Đặng Thái Hòa (sinh 1976, trú xã Hòa Phong) cũng dậy từ 2 giờ sáng để tráng bánh.

Chị Hòa cho biết, Tết đến nhu cầu tăng cao nên chị phải làm nhiều hơn. Mỗi ngày chị tráng 2 ang gạo, tương đương với khoảng 160 cái bánh loại to. Bánh chưa nướng bán ra với giá 170.000 đồng/chục, bánh đã nướng: 220.000 đồng/chục.

"Năm nay do gạo, gia vị, than tăng nên mỗi chục bánh tăng thêm 10.000 đồng so với năm ngoái", chị Hòa cho hay.

Để có bột tráng bánh, chị Hòa phải ngâm gạo từ 12 giờ trưa, đến 5 giờ chiều thì xay, sàng lọc lấy bột chuẩn bị 2 giờ sáng dậy tráng bánh.

Nguyên liệu làm bánh tráng của người dân Túy Loan phải là gạo xiệc - loại gạo quê chính gốc do người dân địa phương ở đây trồng. Các gia vị đi kèm gồm: mè, đường, mắm, muối, gừng và tỏi.

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết - 2

Từ 2 giờ sáng, các hộ ở đây đã dậy để tráng bánh kịp phục vụ các "thượng đế"

Bánh tráng Túy Loan khác nhiều địa phương khác đó là bánh được sấy trên than hồng chứ không phơi nắng. Trong thời gian sấy, bánh phải được trở liên tục để không bị cháy và mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ bánh mới khô hoàn toàn.

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết - 3

Gạo để tráng bánh phải là loại gạo xiệc - loại gạo quê chính gốc do người dân địa phương ở đây trồng

"Bánh được làm từ gạo xiệc sẽ giòn hơn, xốp hơn khi nướng lên. Việc sấy bánh trên than hồng không chỉ giúp bánh ngon hơn mà còn không bị động vào thời tiết và đảm bảo vệ sinh", chị Hòa cho hay.

Theo chị Hòa, năm nay người dân mua bánh ăn Tết, làm quà biếu sớm hơn mọi năm. Bình quân mỗi ngày lò bánh nhà chị Hòa bán khoảng 500-600 chiếc bánh.

Bánh tráng "xuất ngoại"

Người Túy Loan bao đời nay gắn với nghề làm bánh tráng nhưng chẳng ai biết nghề có nguồn gốc từ đâu. Chỉ biết rằng, ngày Tết, mâm cúng của mỗi người dân nơi đây phải có chiếc bánh tráng và phải là bánh tráng Túy Loan mới đủ vị.

Làm bánh tráng không khó, chẳng thế mà ở Túy Loan, gia đình nào cũng có thể tự thực hiện nhưng sống được với nghề gia truyền hàng trăm năm thì chẳng dễ.

"Trước đây, trong nhà chỉ tráng bánh để ăn, sau này mới bắt đầu tráng bánh để bán", bà Đặng Thị Túy Phong (sinh 1939) - người theo nghề làm bánh tráng mấy chục năm nay cho biết.

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết - 4

Những chiếc bánh vừa được tráng xong

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết - 5

Bánh được sấy trên than hồng chứ không phơi nắng

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết - 6

Trong quá trình sấy, bánh phải được trở liên tục để không bị cháy

Làng bánh tráng Túy Loan: Dậy từ 2 giờ sáng tráng bánh phục vụ Tết - 7

Bánh được đóng gói để bán cho người dân ăn Tết, làm quà biếu gửi cho những người con xa quê, thậm chí gửi qua Mỹ, Nhật

Bà Phong học nghề làm bánh tráng từ mẹ mình và bây giờ bà Phong lại truyền nghề lại cho con gái.

Bà Phong cho biết, ngoài việc đặt lên mâm cúng ông bà, bánh tráng được sử dụng làm quà biếu nhau cho bạn bè, người thân ở xa. Có người con mua gửi đi Hà Nội, TPHCM, Mỹ, Nhật…

"Những người xa quê mỗi khi có dịp về nhà là họ mua bánh mang đi. Những ai không về được thì được người thân ở đây mua gửi biếu. Bánh tráng Túy Loan ăn một lần là muốn quay lại", bà Phong cho hay.