(Dân trí) - 2022 là một năm xoay chuyển bất ngờ với các doanh nghiệp ngành gia công hàng xuất khẩu khi đơn hàng giảm, hàng chục nghìn công nhân mất việc vào thời điểm cuối năm. Đó là một cảnh báo nhiều ý nghĩa...
Doanh nghiệp "còn sống", công nhân còn việc
2022 là một năm xoay chuyển bất ngờ với các doanh nghiệp ngành gia công hàng xuất khẩu khi đơn hàng giảm, hàng chục nghìn công nhân mất việc vào thời điểm cuối năm. Đó cũng là lời cảnh báo với một thị trường mang tính chất thâm dụng lao động với nguồn nhân công đang trong tiến trình già hóa nhanh.
Con số có phản ánh hết tình hình thực tế?
Trong 2 tháng 10 và 11, tình trạng mất việc làm bất ngờ xuất hiện tại một số địa phương do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.
Tại Bình Dương, một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da giày không tổ chức tăng ca, giảm ngày làm việc thứ Bảy. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động lên đến 30%. Số khác cũng lên kế hoạch sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động hết hạn hợp đồng.
Con số mới nhất được ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến 7/12, 37.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng, 250.000 lao động bị giảm giờ làm.
Tại Đồng Nai, 5 tháng qua, có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ và da giày.
Điểm khá lạ là con số được báo cáo về tình trạng người lao động mất việc tại TPHCM, địa phương có đến 248.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 2,8 triệu lao động, lại khá "khiêm tốn".
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp HĐND TPHCM diễn ra ngày 7/12, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, trong tháng 11, có 28 doanh nghiệp lên phương án sắp xếp lại lao động và số lao động bị mất việc làm là 2.859 người.
Công ty TNHH Hansae Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có gần 20.000 công nhân làm việc tại 3 nhà máy (trong đó nhà máy lớn nhất đặt ở TPHCM). Ông Võ Văn Hùng, Cố vấn kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hansae Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã giảm khoảng 4.000 công nhân.
Nhưng số nhân công bị cắt giảm này không nằm trong thống kê của cơ quan quản lý nhà nước vì doanh nghiệp không làm kế hoạch cắt giảm lao động thông báo đến chính quyền. Nguyên nhân là vì số công nhân này tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc.
Ông Hùng chia sẻ, công ty tổ chức trao đổi với công nhân về tình hình thiếu đơn hàng của doanh nghiệp và vận động công nhân nào tự nguyện xin nghỉ việc thì được hỗ trợ 2-3 tháng lương, tùy theo thâm niên. Thấy được hỗ trợ, công nhân đã tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc.
Điều này cho thấy, con số lao động rời khỏi thị trường lao động chính thức thực tế có thể lớn hơn rất nhiều, như trường hợp 4.000 công nhân của Công ty TNHH Hansae Việt Nam. Bức tranh mất việc thực tế có thể còn hơn những con số thống kê.
Nỗ lực hết sức để chăm lo cho công nhân
Trước tình hình khó khăn của công nhân, ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM cho biết, cơ quan này đã lên kế hoạch chăm lo Tết 2023 cho người lao động với 10 chương trình nhằm đảm bảo cho người lao động có cái Tết no ấm.
Trong đó, nổi bật nhất là chương trình tặng quà trị giá 1 triệu đồng/hộ cho 10.000 hộ gia đình người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tặng 30.000-35.000 vé tàu, vé máy bay, vé xe về quê cho công nhân ở xa…
Theo ông Cao Duy Thái - Trưởng phòng Lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã thống kê, lên kế hoạch hỗ trợ công nhân bị mất việc, giảm giờ làm. LĐLĐ tỉnh cũng đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 30 tỉ đồng để tặng 60.000 phần quà (mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng) cho người lao động.
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho hay, tỉnh này đang triển khai các kế hoạch chăm lo Tết cho lao động khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai nhiều chương trình, chính sách, chế độ giữ chân người lao động.
Trả lời PV Dân trí, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, cơ quan này đã tổ chức 2 đoàn khảo sát trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết; doanh nghiệp có nguy cơ nợ lương, nợ thưởng, nợ bảo hiểm xã hội…
Vị Giám đốc Sở chia sẻ: "Trên cơ sở nắm bắt những khó khăn của người lao động cũng như tình hình trả lương, trả thưởng tại các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TPHCM phối hợp với LĐLĐ Thành phố xây dựng các chương trình chăm lo cho công nhân lao động trong dịp Tết Nguyên đán".
Trong đó, nhiệm vụ giám sát trả lương, trả thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động được ông Thinh xác định là rất quan trọng. Vì các vụ việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể chủ yếu xuất phát từ việc các doanh nghiệp không chi trả lương, thưởng Tết; hoặc chi trả chậm, không đúng như cam kết…
Ngoài các khoản hỗ trợ từ ngân sách, ngành lao động các địa phương còn vận động doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho công nhân bị ngưng việc duy trì cuộc sống; kêu gọi các nguồn làm quà tặng cho công nhân vượt qua giai đoạn mất việc đến khi đi làm lại. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an sinh xã hội, giúp công nhân có một cái Tết ấm no, ổn định thị trường lao động.
Doanh nghiệp "còn sống" là công nhân còn việc
Theo ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM, chăm lo cho công nhân mất việc thì "bao nhiêu cũng không đủ". Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tạo việc làm mới cho người lao động, giúp họ duy trì thu nhập. Biện pháp quan trọng nhất mà LĐLĐ TPHCM thực hiện là kết nối các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với nhau.
Ông Lê Văn Thinh cho biết, Sở LĐ-TB&XH TPHCM cũng đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tiếp xúc doanh nghiệp khó khăn để nắm bắt nhu cầu việc làm, hướng dẫn các thủ tục về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mất việc. Đồng thời, Trung tâm kết nối để các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến phỏng vấn, tuyển dụng trực tiếp công nhân mất việc.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đoàn Trung, tình hình hiện rất khác mọi năm vì tình trạng mất việc không chỉ xảy ra cục bộ ở vài doanh nghiệp mà là khó khăn chung của cả ngành nên cơ hội giới thiệu công nhân mất việc đến doanh nghiệp khác làm không nhiều.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM) đã tiến hành khảo sát nhanh tại 37 doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày, điện tử có quy mô từ 1.000-50.000 lao động với tổng số công nhân là 308.000 người. Kết quả, có đến 40,5% doanh nghiệp có kế hoạch giảm lao động, 46% dự kiến giữ nguyên, chỉ có 13,5% có kế hoạch tăng lao động.
Nói về tình cảnh ngành dệt may hiện nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hiệp hội Dệt may Việt Nam) thở dài: "Tôi cũng không biết 6 tháng nữa, doanh nghiệp nào còn, doanh nghiệp nào mất!". Mà doanh nghiệp đóng cửa thì công nhân mất việc, doanh nghiệp "còn sống" thì công nhân còn việc.
Do đó, các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên danh đề nghị nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ đời sống công nhân như giai đoạn giãn cách vì Covid-19 và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời gian khó khăn này, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ làm việc với các nhà mua hàng lớn xem xét ưu tiên đơn hàng cho doanh nghiệp Việt Nam; giảm lãi suất vay sản xuất, thuế thu nhập; lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…
VCCI-HCM đã thống kê ý kiến của doanh nghiệp và kiến nghị thực hiện 12 điểm nhằm hỗ trợ người lao động mất việc, giảm giờ làm, bị tạm hoãn hợp đồng và giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho biết sẽ bàn bạc với Sở LĐTB&XH TPHCM và Đồng Nai để thống nhất, đề đạt các kiến nghị này lên Chính phủ xem xét giải quyết.
Lao động phổ thông không mất việc vì khủng hoảng cũng bị đào thải vì tuổi tác
Trao đổi về vấn đề công nhân các ngành thâm dụng lao động mất việc, ông Lê Long Sơn - Tổng giám đốc Esuhai Group nhận định, đó là chuyện có thể dự đoán được.
Theo ông, hiện lao động phổ thông Việt Nam có kỹ năng rất kém, họ chỉ biết làm vài thao tác đơn giản trong dây chuyền sản xuất. Do đó, khi có biến động kinh tế, hoặc khi họ lớn tuổi đều dễ dàng bị mất việc và rất khó tìm được công việc mới phù hợp.
Ông nói: "Cho dù không bị mất việc do tình hình kinh tế thì trước sau gì họ cũng mất việc khi lớn tuổi, khi không còn đủ sức khỏe để làm việc bằng những lao động trẻ hơn, trong khi người sử dụng lao động lại phải tăng lương theo thâm niên làm việc".
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Sociallife), cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo ông, sau mấy chục năm phát triển theo hướng sản xuất thâm dụng lao động, Việt Nam đang có một lực lượng lớn lao động phổ thông lớn tuổi. Họ khó lòng đáp ứng công việc ở các nhà máy hoạt động theo dây chuyền sản xuất, nếu làm được cũng khó cạnh tranh với lao động trẻ tuổi.
Do đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội kiến nghị ngay từ bây giờ phải có chính sách đào tạo kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp cho lực lượng này. Nếu không, đây sẽ là áp lực rất lớn đến sự ổn định của thị trường lao động tương lai.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, nhóm lao động này chỉ hơn 40 tuổi, tuy lớn tuổi những vẫn còn làm việc được. Quan trọng là phải nghiên cứu những vị trí công việc phù hợp với sức khỏe của họ. Từ đó, xây dựng các đề án đào tạo kỹ năng phù hợp để họ chuyển đổi nghề nghiệp.
Ngay cả khi lao động phổ thông từ quê lên thành phố làm việc, dự định hồi hương khi lớn tuổi cũng cần phải tính toán những công việc, dịch vụ phù hợp với kỹ năng và sức khỏe của họ.
Ông Lê Long Sơn cho rằng: "Nhiều công nhân có suy nghĩ là làm thuê 10-20 năm kiếm ít vốn, khi già thì về quê kiếm việc gì đó làm. Nhưng đến một lúc nào đó, họ về quê cũng không có việc làm".
Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt là phải giải bài toán lao động lớn tuổi vẫn không có kỹ năng.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh dạn chuyển dịch hướng phát triển gia công sang những phân khúc khác có giá trị cao hơn, tạo nên lớp lao động mới có kỹ năng tốt hơn.
Sự chuyển dịch sẽ có nhiều thách thức, nhưng nếu không bắt đầu xây dựng lộ trình, lên kế hoạch thực hiện ngay lúc này thì sẽ không kịp giải quyết những vấn đề an sinh sắp tới, khi nước ta bước vào giai đoạn dân số già.
Ông Lê Long Sơn thì đề xuất mô hình đào tạo lại để đưa lực lượng lao động phổ thông trong nước đến các nước tiên tiến, có hệ thống sản xuất hiện đại để làm việc. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài sẽ học hỏi được bộ kỹ năng làm việc tốt hơn, khi về nước có thể đảm nhận vị trí quản lý tại các nhà máy với mức thu nhập cao hơn công nhân.
Việc này cần lựa chọn các đơn vị uy tín, có dịch vụ khép kín từ đào tạo, làm dịch vụ, quản lý lao động ở nước ngoài, liên kết tạo việc làm khi lao động về nước… mới phát huy được hiệu quả.
Theo ông Sơn, ban đầu có thể thí điểm mô hình từ một vài doanh nghiệp, áp dụng giải quyết cho số lao động bị mất việc gần đây, xem như là một đường ra cho công nhân mất việc, ổn định thị trường lao động hiện tại. Nếu thí điểm thành công có thể mở rộng mô hình ra cho nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện, đối tượng áp dụng sẽ mở rộng ra nhóm lao động phổ thông có nhu cầu.
Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Tùng Nguyên - Hải Long - C.T.