1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công nhân tuần trước mất việc, tuần sau không còn tiền đóng trọ

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - "59% công nhân lao động không có tích lũy, 11,7 % có tích lũy nhưng chỉ đủ duy trì 1 tháng. Có người tuần này đủ tiền đóng tiền trọ đến tuần tới không còn tiền đóng học cho con"...

Thông tin trên được ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nêu ra tại tọa đàm "Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng - thực trạng và giải pháp" diễn ra chiều 8/12.

Mất việc là hết tiền

Ông Tiến cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến đầu tháng 12/2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất. Trong đó, nhiều nhất là các ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử, cơ khí và các doanh nghiệp khác.

Công nhân tuần trước mất việc, tuần sau không còn tiền đóng trọ - 1

Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm là gần 500.000 người. Trong đó, số thôi việc, mất việc khoảng 42.000 người; số giảm giờ làm hơn 430.000 người.

Đáng lưu ý, điều tra khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, trong số công nhân bị mất việc có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi và 10.000 lao động nữ đang nuôi con nhỏ hoặc đang mang thai.

"42.000 lao động bị mất việc tương đương 42.000 gia đình bị ảnh hưởng, cả trăm ngàn nhân khẩu bị tác động. Nếu tính trên con số 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm thì đây là vấn đề rất đáng quan tâm.

Những ngày này rất hay nghe công nhân nói "phải về nhà sớm" hay than thở "Tết đến quá sớm". Bình thường, về nhà sớm, Tết đến sớm hẳn là thông tin vui vẻ nhưng cuối năm nay những lời đó thốt ra rất xót xa", Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận xét.

Công nhân tuần trước mất việc, tuần sau không còn tiền đóng trọ - 2

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Dẫn kết quả điều tra của Viện này, ông Tiến cho biết thêm, thực tế, có 42% công nhân không có nhà, 54% không có đất ở. Khi bị mất việc làm, 59% công nhân không có tích lũy đồng nào, tức là tuần trước mất việc thì tuần sau không có tiền để đóng tiền nhà hoặc là đủ tiền đóng trọ thì tuần tới không còn khoản nào đóng học cho con.

Bên cạnh đó, tình trạng công nhân, người lao động không có tích lũy cũng rất bi đát.

Ông Tiến nêu nhiều con số, chỉ 11,7% công nhân có tích lũy để có thể duy trì cuộc sống dưới 1 tháng, 16,7% nếu mất việc có thể cầm cự cuộc sống từ 1-3 tháng; chỉ có 12,7% lao động mất việc có tích lũy đủ để duy trì cuộc sống trên 3 tháng. Có tới 38% công nhân đang nợ nần, trong đó có tới 14% rất khó có khả năng trả nợ.

Trong hoàn cảnh như vậy, theo Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn các cấp công đoàn và các cấp, ngành, các doanh nghiệp và bản thân người lao động đã tìm cách khắc phục, vượt khó khăn. Nhưng điều đó là chưa đủ, rất cần sự tiếp sức từ các chính sách hiệu quả của nhà nước để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn này.

"Trong lúc tình hình như hiện nay cần có thêm các chính sách hiệu quả, tốt hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khi khó khăn có thể sẽ tiếp diễn trong quý tới, kể cả năm tới", ông Tiến khuyến nghị.

Thực hiện cho được chính sách an sinh 

Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Covid-19 tác động tiêu cực đến lao động về cả chiều rộng (việc làm, giờ làm) và chiều sâu (lương, thu nhập, chất lượng cuộc sống).

Bên cạnh đó, đại dịch đã "phơi bày" ra rất nhiều vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, và thực tế người lao động được thụ hưởng chính sách quá ít ỏi dù có khá nhiều chính sách đã ban hành. Cùng với đó khả năng chống chịu của người lao động khi bị tổn thương là rất yếu.

Từ góc độ người từng làm chính sách về lao động, bà Hương đánh giá, các chính sách hiện nay chưa bao phủ hết đến toàn bộ các đối tượng người lao động.

"Covid-19 phơi bày sự thật rằng khả năng chống chịu của người lao động quá yếu trước các cú sốc. Người lao động quá thiệt thòi nhưng chính sách lại chưa đến được với tất cả", bà Hương khái quát.

Công nhân tuần trước mất việc, tuần sau không còn tiền đóng trọ - 3

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Bà Hương cho rằng, các hệ thống chính sách hiện nay mới tập trung vào doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất… trong khi người lao động tự do chịu thiệt thòi.

Và dù Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời ứng phó với Covid-19, nỗ lực phục hồi nhanh thị trường lao động nhưng vẫn cần có sự điều chỉnh mạnh tay hơn nữa.

"Nếu không điều chỉnh mạnh tay, có thể dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện xu hướng cắt giảm tiền lương, cắt giảm việc làm, sụt giảm an sinh phúc lợi cho đến khi doanh nghiệp phục hồi, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cảnh báo.

Theo bà Hương, quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện cho bằng được các chính sách an sinh hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đã ban hành. Chính phủ và các bên nên nghiên cứu tạo ra các văn bản ghi nhớ, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp để đưa vào các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.  

"Thực tế hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động về các dịch vụ xã hội hay chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi, nhưng cần thực hiện bằng được và thực hiện hiệu quả", bà Hương lưu ý.

Về lâu dài, bà Hương cho rằng cần phải hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn nữa.

"Vấn đề đặt ra ở đây là các khu công nghiệp này có tồn tại được hay không phụ thuộc vào việc đảm bảo an sinh cho công nhân như nhà ở, trường học… Nếu không đáp ứng được những cái này công nhân sẽ lại về thành phố lớn. Khi đó, nếu gặp một cú sốc tương tự Covid-19 thì bộ phận lớn lại bị mất, giãn việc", bà Hương phân tích.