(Dân trí) - Cả năm chỉ duy nhất 2 tháng đều việc, được tăng ca, thời gian còn lại tháng làm, tháng nghỉ. Chị Lan không nỡ bỏ công ty mà cố gắng ở lại tìm việc làm thêm thời vụ để có tiền cầm cự từ nay đến Tết.
Doanh nghiệp giảm việc, công nhân tìm đủ cách cầm cự giữ việc đến Tết
Cả năm chỉ có 2 tháng đều việc, được tăng ca, thời gian còn lại tháng làm, tháng nghỉ, chị Lan vẫn không dám bỏ công ty mà cố gắng duy trì bằng cách tìm việc làm thêm thời vụ để có tiền cầm cự cho đến Tết.
Tháng 12/2022, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến việc hàng trăm nghìn người lao động bị thiếu việc, mất việc, bị giảm thu nhập.
Thống kê chưa đầy đủ của Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, tổng hợp từ 44 Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, tháng cuối năm này, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 người mất việc.
Hà Nội, nơi có 10 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút hơn 170.000 công nhân làm việc, so với phía Nam không bị tác động nặng nề nhưng vẫn chịu ảnh hưởng. Khoảng 2.000 công nhân phải giảm giờ làm, chủ yếu trong ngành điện tử.
Thời gian này mọi năm, công nhân phải tăng ca để đảm bảo đơn hàng, nhưng giờ muốn đi làm cũng phải... chia việc.
Cả năm chỉ 2 tháng đều việc
17h chiều, chị Nguyễn Thị Lan (quê Tiền Hải, Thái Bình) công nhân công ty Hoya Glass Disk Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội thoải mái thời gian đi chợ mua đồ ăn về chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Đây là cảnh chưa từng thấy với chị trong 10 năm đi làm vì thời điểm này mọi năm đều là cao điểm tăng ca, chị sẽ làm thêm tại nhà máy đến tối muộn.
Chị kể: "Tháng này mới vừa đi làm trở lại chứ tháng 9 phải nghỉ nửa tháng, tháng 10 công ty báo cho nghỉ cả tháng. Hơn 10 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, chưa khi nào chúng tôi lại "rảnh" như năm nay".
Nhưng rảnh rang, có thời gian thì tiền đi chợ lại... hẻo, chị Lan loanh quanh tính toán mãi ở khu chợ chiều.
Nhưng dù việc không đều, thu nhập thấp, sống eo hẹp vậy, chị Lan vẫn hài lòng vì ít ra chị may mắn hơn nhiều đồng nghiệp bị mất việc ở các tỉnh phía Nam. Những tháng phải nghỉ làm, chị Lan vẫn được công ty hỗ trợ 70% lương cơ bản. Để có thêm thu nhập, chị cùng nhiều công nhân khác xin đi làm thời vụ bên ngoài.
"Đi làm thời vụ bên ngoài, môi giới họ trả lương thấp lắm, chỉ khoảng 5-6triệu/tháng, nhưng thời điểm này có việc làm để kiếm ra tiền đã là tốt lắm rồi. 5-6 triệu làm ngoài với 70% lương công ty trả cộng lại cũng đủ sống, cố mà bám trụ để chờ công ty có việc trở lại chứ không biết làm thế nào", chị Lan nói về dự định cá nhân.
Kể cả 2 năm dịch Covid-19, chị Lan cho rằng, giai đoạn hiện tại cảm nhận còn "căng" hơn.
"Cả năm nay thu nhập mới được 1 tháng đạt 10 triệu đồng, còn lại không tăng ca nên chỉ nhận lương cơ bản. Chồng tôi làm tự do bên ngoài, mọi năm việc cũng ổn nhưng đến năm nay thì khó khăn thật sự", chị Lan nói.
Thu nhập không ổn định kéo theo cuộc sống của hai vợ chồng chị Lan bị ảnh hưởng khá nhiều. Chi phí sinh hoạt vẫn cố định nhưng thu nhập thì "thụt lùi", những ngày như vậy vợ chồng chị Lan không còn cách nào khác buộc phải thắt chặt chi tiêu. Gặp khó khăn nhưng vợ chồng chị Lan "không nỡ" bỏ công ty, nơi chị gắn bó hơn 10 năm.
"Hơn 10 năm trời ở đây, các khoản đóng bảo hiểm, mọi cái đều ở đó nên giờ không dám nghĩ đến nghỉ việc mà chỉ cố gắng cầm cự. Khi nào công ty ít việc lại ra ngoài làm thời vụ cộng với 70% lương công ty trả nữa để bám trụ lại chứ về quê chưa chắc xin được việc, thu nhập có khi lại không bằng ở đây", chị Lan chia sẻ.
Những tháng cuối năm, vợ chồng chị Lan cũng như các công nhân trong xóm trọ chưa ai thất nghiệp song đều giảm việc làm, tiền lương mỗi tháng không tăng ca chỉ đủ cho họ đủ sống.
Sau một năm làm việc, thưởng Tết luôn là khoản mọi công nhân đều quan tâm, mong chờ nhưng năm nay với chị Lan và nhiều công nhân khác không hy vọng nhiều hiểu, còn việc đã là tốt.
"Lúc chưa dịch nhiều việc nên cuối năm công ty thường thưởng Tết cao, có năm được 15-16 triệu. Năm nay như này thì không biết được bao nhiêu. Còn hơn 1 tháng nữa tới Tết nhà máy tôi, ai cũng lo, không biết công việc có đều không hay lại vừa làm vừa nghỉ. Được thì mong cả thưởng Tết lẫn có việc làm đều, còn không thì có việc tốt hơn", chị Lan bày tỏ.
Chợ ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, 17h chiều mà người thưa đến lạ, bà Nguyễn Thị Tuyết (nhân vật yêu cầu thay đổi tên) quê Thanh Ba, Phú Thọ nhìn vào chậu ổi, chậu khoai than thở: "Chợ bán cho công nhân mà còn vắng hơn chợ quê".
Bà chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 đến nay, công nhân trọ ở thôn Hậu Dưỡng ít việc, thu nhập bị ảnh hưởng nên không khí mua sắm cũng vì thế ảm đảm hơn trước. Có những vị khách thường xuyên mua hàng của bà Tuyết thì 2-3 tháng mới gặp họ đi ngang qua. Hỏi ra bà Tuyết mới biết những công nhân kia họ về quê nhiều tháng nay để kiếm việc làm, đợt này lên Hà Nội để làm thủ tục xin nghỉ việc và trả phòng.
"Trước đây nhiều khách quen, cứ 2-3 ngày lại qua mua hàng của tôi thì đợt này có khi mấy tháng không thấy quay lại. Mình cứ nghĩ do khách chê mình bán đắt nhưng gặp hỏi lại thì mới hay mấy tháng nay công ty ít việc, họ về quê chờ việc, không dám bám trụ lại", bà Tuyết chia sẻ.
Bà bảo khu nhà trọ nơi bà và hai người con sinh sống, nhiều người cũng trả phòng về quê hoặc đi nơi khác tìm việc. 2 người con của bà Tuyết cũng đã nhiều tháng nay không có việc làm thêm giờ, hay phải về sớm.
10 năm xuống Hà Nội chỉ với mục đích trông cháu cho con đi làm công nhân. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, do thu nhập của hai con giảm, bà Tuyết tranh thủ buổi sáng nhờ người thân ở quê hái ổi gửi xuống, buổi chiều bà ra chợ bán để có thêm thu nhập phụ các con trang trải cuộc sống.
"Không nghĩ tình hình năm nay lại khó khăn như vậy. Con cái ít việc, thu nhập giảm, tôi đành cố gắng đi bán hàng để phụ thêm với các con nuôi các cháu ăn học", bà Tuyết nói.
Bế con đi chợ cùng, chị Ánh (đã đổi tên) quê tại huyện Yên Bình, Yên Bái, công nhân công ty Denso nói: "Vợ chồng tôi đang tính về quê chứ thế này thì khó khăn quá. Gần chục năm làm công nhân kể cả lúc dịch cũng chưa phải gửi con về quê nhưng năm nay chúng tôi đã phải gửi 2 cháu về nhờ ông bà trông giúp, còn đứa út vẫn nhỏ quá, cần ở gần bố mẹ".
Chị Ánh cho biết, đầu năm đến nay, hầu hết chị đều tan làm sớm, về từ 4h chiều, không tăng ca nên thu nhập chỉ 7 triệu lương cơ bản. Lương thấp, cuộc sống của vợ chồng chị Ánh bị ảnh hưởng khá nhiều vì gia đình có 3 con.
"Năm nay không có tiền nuôi con luôn. Đầu năm đến giờ có tháng gửi về cho ông bà ở quê 2-3 triệu nuôi cháu, có tháng không có, phải xin ông bà nuôi giúp. Hai vợ chồng tôi giờ mỗi ngày đi chợ chỉ giới hạn 50-70.000 đồng chứ không dám tiêu thoáng tay như trước", chị Ánh chia sẻ, những tháng gần đây vợ chồng phải cắt giảm nhiều khoản ăn tiêu.
"Tết đến sớm" nhưng xót xa
Đó là chia sẻ của Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến chiều 8/12. Dẫn thống kê qua khảo sát của Viện công đoàn, ông Tiến xót xa: "Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao. Nhiều công nhân đã trả phòng về quê. Tết năm nay đến sớm, thời gian nghỉ với họ dài hơn mọi năm nhưng lại không vui vẻ gì".
Ông Tiến thông tin thêm, trong số 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm thì có 31.000 lao động nữ trên 35 tuổi; 10.000 lao động nữ nuôi con nhỏ, đang mang bầu.
Thống kê thêm khó khăn, ông Tiến cho biết, thời gian làm việc bình thường của công nhân giảm còn 7,25 tiếng mỗi ngày thay vì 8 tiếng như quy định và không có tăng ca. Thu nhập từ đó giảm xuống 5,9 thay vì 6,7 triệu đồng trong quý III như Tổng cục Thống kê công bố.
"Tổng thu nhập bình quân của công nhân gồm tiền lương, tăng ca, phúc lợi khoảng 8,74 triệu mỗi tháng, nhưng mức chi tiêu lại lớn hơn, khoảng 10,3 triệu đồng. Thu nhập chưa đáp ứng được chi tiêu nên 18% công nhân được khảo sát nói rằng từng hoặc có ý định rút bảo hiểm xã hội một lần nếu mất việc", Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nói.
Tại TPHCM, ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, tại địa phương này, có 108.000 người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, trong đó nhiều nhất là bị giảm giờ làm (102.000 người) và 6.000 người bị mất việc. Trong số này, lao động trên 35 tuổi là 40.000 người; đang mang thai, nuôi con nhỏ là 8.000 người.
Ông Đô bày tỏ, Công đoàn thành phố lo ngại doanh nghiệp ồ ạt thải lao động trên 35 tuổi. Nhóm này rất khó quay lại thị trường bởi tuổi cao. Ngoài ra, 59% doanh nghiệp trên địa bàn có nợ bảo hiểm xã hội.
Còn tại Bình Dương, ông Đặng Tiến Đạt, Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động địa phương này cho biết, trên địa bàn có 240.000 người bị giảm giờ làm và 30.000 lao động đang tạm hoãn hợp đồng. Từ đầu năm đến nay hơn 140.000 người làm hồ sơ lĩnh trợ cấp thất nghiệp.
"Điều chúng tôi lo lắng là không biết nhóm tạm hoãn hợp đồng sẽ sống thế nào khi mức hỗ trợ 500.000 đồng từ công đoàn không thể giúp họ cầm cự. Số lao động dôi dư không có việc làm Công đoàn đã kết nối với các doanh nghiệp còn đơn hàng nhưng họ không dám nhận vì hồ sơ của số công nhân này còn dính dáng tới công ty cũ, chỉ nhận người chấm dứt hẳn hợp đồng", ông Đạt cho biết.
Cần gói hỗ trợ cho người lao động mất việc
Trước tình trạng cắt giảm việc đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành, dự báo, ra Tết sẽ có thêm gần 287.000 lao động tiếp tục bị cắt giảm giờ làm, mất việc, công đoàn các tỉnh kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm đề xuất Chính phủ có biện pháp hỗ trợ trước mắt và lâu dài.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng, vấn đề cốt lõi ở đây là về việc làm, thu nhập và cuộc sống. Thay vì hỗ trợ 500.000 - 1.000.000 đồng hoặc chờ đợi các gói hỗ trợ dài hạn và lâu hơn, ông Tiến day dứt, trước mắt cần làm thế nào để hỗ trợ thiết thực và ngay lập tức.
"Tháng 10, tháng 11, bây giờ sang tháng 12, ít công nhân còn trụ được. Những cái hỗ trợ trực tiếp 500.000 - 1.000.000 rất ít nhưng rất quý nhưng đó chỉ là vấn đề tình thế, chỉ được mang tính động viên còn vẫn phải có những giải pháp dài hạn", ông Tiến nhấn mạnh.
Đại diện LĐLĐ TPHCM đề xuất có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để họ có điều kiện tái cơ cấu sản xuất. Cùng với đó, trước Tết phải có gói hỗ trợ cấp thiết cho người lao động bị mất việc, hoãn hợp đồng lao động.
"Trước mắt, các cấp công đoàn thương lượng với chủ doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động để duy trì việc làm cho công nhân. Công đoàn đã kết nối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm, Thành Đoàn để giới thiệu việc làm ngắn hạn cho người lao động để cầm cự qua Tết", ông Đô nói.
Vị này đề xuất cần tăng cường thanh kiểm tra doanh nghiệp và xử lý nghiêm đơn vị cố tình né đóng, nợ bảo hiểm xã hội. Công đoàn Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi vay ngân hàng, đồng thời xem xét hỗ trợ ngay cho người lao động gặp khó khăn.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan bảo hiểm xã hội xem xét hỗ trợ giống như Nghị quyết 116 để người lao động duy trì cuộc sống; xem xét gói hỗ trợ về nhà ở, thuê trọ cho người lao động; chỉ đạo ngành thuế xem xét giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…
Dẫn lại đề nghị của doanh nghiệp, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đề xuất Chính phủ miễn giảm và giãn thuế, nợ vay ngân hàng, bảo hiểm. Người lao động mong được hỗ trợ khi có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng do nghỉ không lương, chấm dứt trước hạn…
Theo ông Đạt, doanh nghiệp thiếu lao động không dám nhận lao động tạm hoãn hợp đồng 3 tháng, 6 tháng dù thực tế công nhân thất nghiệp, không có thu nhập. Ông băn khoăn mức hỗ trợ 500.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng liệu có giúp công nhân vượt qua khó khăn hay không?.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đề xuất, thời điểm cuối năm cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao; tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Từ góc độ người từng làm chính sách về lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, thời gian tới, cần thực hiện cho bằng được những chính sách đã đưa ra cho người lao động (như hỗ trợ người lao động về các dịch vụ xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp…).
Ngoài ra, cần chính thức hóa các chính sách tạm thời (như hỗ trợ nhà ở cho người lao động), có thể bằng những văn bản ghi nhớ, hoặc cùng doanh nghiệp thỏa thuận, đưa vào các thỏa ước lao động tập thể.
Ghi nhận các đề xuất nêu trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm nếu không giải quyết tốt thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
"Hơn lúc nào hết phải có chính sách thỏa đáng, sát với thực tiễn đời sống để hỗ trợ người lao động, vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động, cũng như để doanh nghiệp duy trì, tồn tại, có cơ hội để tiếp tục phát triển.
Bên cạnh chính sách cấp bách thì cần chính sách lâu dài về bảo hiểm xã hội, thu hút đầu tư, việc làm…", ông Hiểu nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại buổi tọa đàm để báo cáo Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ đó đề xuất những chính sách hỗ trợ sát thực tiễn cho người lao động.