PhotoStory

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội

Thực hiện: Tố Linh

(Dân trí) - Xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) vẫn còn một số hộ dân làm nghề thổi thủy tinh với mong muốn sẽ gìn giữ được nét văn hóa truyền thống địa phương và là kế sinh nhai của nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 1

Thời tiết Hà Nội bắt đầu những đợt nắng nóng khi dần bước vào hè, dù thời điểm đã gần trưa nhưng trong khuôn viên xưởng thổi thủy tinh tại gia rộng 20m2 của vợ chồng anh Hồ Văn Hiển, nơi đây vẫn đang đỏ lửa chế tác ra những sản phẩm truyền thống.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 2

Được người bố truyền lại nghề thổi thủy tinh từ năm 16 tuổi, tính tới nay anh Hiển đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề và trải qua bao thăng trầm khi chứng kiến nhiều giai đoạn phát triển của món nghề truyền thống có tiếng tại xã Thống Nhất.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 3

Thứ nghề thủ công này đòi hỏi người làm phải kiên trì, chịu được khổ và có sự tập trung cao trong quá trình tạo ra sản phẩm. Rất nhiều công đoạn phải trực tiếp làm việc ở nhiệt độ cao trong nhiều giờ đồng hồ.

"Nghề này cũng nhiều rủi ro, nguy hiểm lắm, chỉ một chút sơ suất là có thể gây ra bỏng. Ví dụ như việc thủy tinh không may vỡ và bắn ra khi còn đỏ, hoặc chạm vào thủy tinh khi còn ở nhiệt độ cao sẽ gây thương tích", anh Hiển chia sẻ.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 4

Chị Tình, vợ anh Hiển cho biết: "Nghề này phải thực sự chịu được khổ, vào ngày thường không sao nhưng khi hè tới, có lúc thời tiết lên tới gần 40 độ C mà luôn phải ngồi trước nhiệt độ cao, người lúc nào cũng mướt mồ hôi".

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 5

Người thợ lành nghề thổi khí vào những túyp thủy tinh đã được nung nóng, làm phồng lên và tạo hình theo ý muốn một cách thành thạo.

Anh Hiển cho biết, thời gian gần đây do dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được khống chế ở một số nước bạn nên việc nhập nguyên liệu về gặp phải khó khăn. Hơn nữa nhu cầu tiêu thụ trong nước thời gian này cũng hạn chế hơn nhiều so với trước kia.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 6
Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 7

Những bước tạo hình điệu nghệ được đôi tay của vợ chồng anh Hiển làm một cách thuần thục. Được biết, những mặt hàng phổ biến nhất thời gian gần đây mà xưởng nhà anh Hiển cung cấp ra thị trường là quả đèn dầu, ngoài ra một số thiết bị giáo dục cũng được sản xuất tại xưởng khi có yêu cầu.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 8

Công đoạn hơ thủy tinh ở nhiệt độ cao để cắt những đoạn thừa tạo thành phẩm được chị Tình, vợ anh Hiển thực hiện bằng sự khéo léo của đôi bàn tay.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 9

Trung bình một ngày, 2 vợ chồng anh Hiển chế tác ra khoảng 400 quả đèn dầu thủy tinh để cung ứng ra ngoài thị trường. Thời điểm cao độ, cả 2 phải dậy sớm thức khuya làm hết năng suất mới kịp làm đủ sản phẩm phục vụ khách hàng.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 10

Những sản phẩm hoàn thiện sẽ được kiểm tra kỹ càng sau đó xếp vào thùng, đóng gói và vận chuyển tới các đơn vị đặt hàng.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 11

Tại một căn xưởng khác ở xã Thống Nhất, bạn Lê Duy Đại (sinh năm 2000) đang một mình làm việc bên ngọn lửa đỏ trong căn phòng ngập tràn sản phẩm thủy tinh.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 12

Đại cho biết đã bắt đầu học việc được 1 năm, đây là căn xưởng của chú Lê Xuân Tiến, một người khá có tiếng trong xã với việc thổi thủy tinh. Trung bình mỗi ngày người thợ trẻ làm từ 50-60 lọ đựng cám chim để phục vụ ra ngoài thị trường.

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống ở Hà Nội - 13

Bằng kinh nghiệm, người thợ thổi thủy tinh có thể nhìn qua ảnh lửa để phán đoán được nhiệt độ và biết được "độ chín" của thủy tinh ở nhiệt độ cao để có thể tạo hình ý muốn.

Với sự phát triển của máy móc, nghề thổi thủy tinh truyền thống dần bị mai một nhưng trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực khi nhiều hộ gia đình trong xã Thống Nhất đã bắt đầu quay trở lại với nghề.