(Dân trí) - Chỉ sau 8 tháng học nghề sơn, sửa ô tô, học viên ra trường sẽ có công việc với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng và thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đang ngày càng được chú trọng tại Bình Dương. Mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Bình Dương đào tạo khoảng 40.000 học viên học nghề với 3 trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Tỷ lệ học viên sau khóa học tìm được việc làm ngay khoảng 80%, mức lương khởi điểm từ 5 - 15 triệu đồng/tháng, tùy theo cấp độ học.
Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, các học viên học nghề trên địa bàn sau khi tốt nghiệp đều có việc làm. Đây là nguồn cung cấp lao động có tay nghề rất tốt cho doanh nghiệp, góp phần tăng chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh), chỉ số đào tạo lao động tại Bình Dương.
Công tác đào tạo tại các trung tâm cũng có sự đồng hành của các doanh nghiệp để việc đào tạo hiệu quả, học viên ra trường có thể làm việc ngay tại doanh nghiệp.
"Các trung tâm mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo để các khóa học phù hợp với thực tế. Trong quá trình đào tạo, các trung tâm gửi học viên đến các doanh nghiệp để thực tập để các học viên tiếp cận được với mô hình, kỹ thuật, công nghệ. Sau khi học xong, Sở sẽ kết nối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thông qua trung tâm Dịch vụ - Việc làm để giới thiệu việc làm cho hầu hết những đối tượng sau khi tốt nghiệp", ông Tuyên nhấn mạnh.
Ghi nhận tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quản trị Công nghệ Bình Dương, công tác đào tạo nghề được đầu tư khá chuyên nghiệp và bài bản. Các học viên vừa được dạy về nghiệp vụ, vừa được nâng cao kỹ năng mềm nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ cao.
Theo ông Nguyễn Tấn Duy - Giám Đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quản trị Công nghệ Bình Dương, trong 5 năm gần đây, Trung tâm đã hợp tác với gần 200 doanh nghiệp tại Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp.
Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Quản trị Công nghệ Bình Dương đã ký cam kết giới thiệu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Kết quả đạt được 98% học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Qua 6 tháng đầu năm 2020, trung tâm này đã tuyển sinh được gần 300 học viên và phấn đấu tuyển sinh thêm 200 học viên vào giai đoạn 6 tháng cuối năm. Các lớp học thuộc hệ đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng.
"Các doanh nghiệp đánh giá rất cao trình độ của các học viên sau khi tốt nghiệp và các học viên cũng có mức thu nhập khá. Các học viên sau khi ra trường có thể đảm bảo về trình độ kỹ năng nghề cũng như tham gia tốt vào thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và trên cả nước nói chung", ông Duy chia sẻ.
Theo ông Duy, hiện nay xu hướng dịch chuyển về nghề của các học viên rất lớn. Các học viên đã có định hướng lựa chọn nghề nghiệp rõ ràng hơn. Những ngành nghề được các học viên lựa chọn nhiều là ngành công nghiệp ô tô, ngành quản trị nhà hàng, ngành kỹ thuật chế biến món ăn. Những ngành nghề trên đều có nhu cầu tuyển dụng rất lớn và mức thu nhập cũng ở mức 10 - 15 triệu đồng/tháng.
"Cụ thể là em Minh Tuấn đã tốt nghiệp trung tâm trong thời gian học tập là 8 tháng với kỹ năng nghề là đồng sơn và em được các doanh nghiệp mời gọi và chào đón rất nhiều. Doanh nghiệp chi trả với mức lương khởi điểm là 15 triệu đồng/tháng và tổng thu nhập một tháng của em đạt tới 25 triệu đồng", ông Duy chia sẻ.
Theo ông Duy, đối với ngành công nghiệp ô tô thì các học viên được các xưởng dịch vụ tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp và các em sẽ tham gia vào quá trình sửa chữa một chiếc xe ô tô. Đối với các học viên tham gia vào các ngành dịch vụ như ngành nhà hàng, các ngành về bếp thì các em tham gia trực tiếp vào các công việc ở các chuỗi nhà hàng, khách sạn.
"Những khối ngành như kinh tế, công nghệ thông tin hiện nay rất ít học viên lựa chọn. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục định hướng phân luồng, hướng nghiệp để cho các em hiểu hơn về từng ngành nghề để cho các em có sự lựa chọn hợp với khả năng cũng như sở thích mình", ông Duy phân tích thêm.
"Ngoài theo con đường là tiếp tục học lên đại học thì học viên cũng có thể lựa chọn cho mình có một cái nghề và từ đó sẽ là một trong những bước vững chãi hơn trong tương lai để mà các em tham gia vào thị trường lao động. Các em có thể có được nguồn thu nhập sớm hơn và cũng như các em có thể tiếp tục được liên thông lên các bậc cao hơn"ông Duy nhấn mạnh.
Xuân Hinh - Phạm Nguyễn