1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Covid-19 khiến đào tạo cho lao động nông thôn gặp khó

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua 6 tháng đầu năm 2020, cả nước chỉ đào tạo được trên 700.000 lao động nông thôn trình độ sơ cấp và trình độ nghề nghiệp khác...

Mục tiêu đến cuối năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh nâng cao đào tạo kiến thức kỹ năng cho các đối tượng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban nghiệp vụ về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các địa phương, cơ sở năm 2020 tổ chức tại TPHCM với sự tham dự của gần 300 đại biểu các tỉnh phía Nam tham dự.

Covid-19 khiến đào tạo cho lao động nông thôn gặp khó - 1

Hội nghị giao ban nghiệp vụ về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các địa phương, cơ sở năm 2020 tại TPHCM

Cần linh hoạt trong đào tạo nghề 

Tại hội nghị, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục GDNN), đã báo các nội dung đào tạo nghề lao động nông thôn là mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

Với vai trò chỉ đạo điều hành, Bộ LĐ-TB&XH và ban chỉ đạo Trung ương đã phối hợp chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn với mục tiêu đề án là hàng năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn.

Covid-19 khiến đào tạo cho lao động nông thôn gặp khó - 2

Ông Đào Trọng Độ, Phó vụ trưởng vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục GDNN phát biểu tại hội nghị

Theo kế hoạch năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đặt chỉ tiêu đào tạo 1,68 triệu lao động nông thôn được học sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã khiến việc đào tạo chỉ dừng ở con số trên 700.000 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp và các trình độ nghề nghiệp khác. Các địa phương đang đẩy mạnh đào tạo tăng số lượng lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề mới.

Ông Độ cho biết, sau 5 năm, Tổng cục cũng đã tập hợp lại một số vấn đề khó khăn vướn mắc cần tháo gỡ. Đáng chú ý, dù Bộ Tài chính đã thông báo kinh phí phân bổ cho đào tạo nghề lao động nông thôn tương đối lớn tuy nhiên việc các địa phương lại thực hiện không đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và phương tiện vận chuyển phục vụ cho việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa được các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí.

Covid-19 khiến đào tạo cho lao động nông thôn gặp khó - 3

Gần 300 đại biểu đến từ các sở ban ngành và cơ sở đào tạo nghề phía Nam tham dự

Ngoài ra, theo ông sự phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương chưa nhuần nhuyễn. Nhiều địa phương việc đề xuất của ngành lao động thương binh xã hội đối với việc đào tạo nghề với Bộ, Sở nông nghiệp vẫn chưa được tổng hợp đầy đủ.

Vì vậy, việc phân bổ ngân sách và kinh phí không đạt yêu cầu. Thậm chí nhiều địa phương, Sở LĐ-TB&XH còn không được tham gia vào việc xây dựng kế hoạch nên không biết phân bổ kinh phí cho vấn đề đào tạo nghề.

Cơ chế tài chính trong nội dung nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong nội dung chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương vẫn gặp khó khăn.

“Chúng tôi đi khảo sát, một số địa phương cho biết không dùng đến kinh phí đào tạo cho lao động khuyết tật do gặp khó khăn trong việc tổ chức đào tạo. Nhiều nơi hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều, chẳng hạn như các khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ kết quả đạt được chưa bền vững”, ông Độ cho biết.

Nhiều giải pháp

Tại đây, đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cũng đề ra các giải pháp trong giai đoạn tới với 4 nội dung trọng tâm. Trong đó, các địa phương và cơ sở cần tập trung tăng cường công tác tuyển sinh, đa dạng hoá các hình thức đào tạo, chú ý dành cho các đối tượng lao động nông thôn, bị mất việc làm kể cả các lao động ở các nhà máy, xí nghiệp bị nghỉ việc tạm thời.

Covid-19 khiến đào tạo cho lao động nông thôn gặp khó - 4

Đại diện Sở LĐ-TB&XH các địa phương đóng góp ý kiến

Bên cạnh đó, 6 tháng cuối năm cần nâng cao đào tạo kiến thức kỹ năng cho các đối tượng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều văn bản hướng dẫn yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc hỗ trợ cho các đối tượng này. Đồng thời, các địa phương bị ảnh hưởng kép do đại dịch lẫn chịu tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng và lao động người khuyết tật.

Tổng cục cũng đề nghị phải tăng cường việc kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay tại nhiều nơi cũng để xảy ra những sai phạm trong việc tổ chức đào tạo nên các địa phương tăng cường giám sát việc này.

Vấn đề quan trọng không kém chính là tập trung tổ chức tổng kết việc thực hiện đề án đào tạo nghề lao động nông thôn trong 5 năm. Đây là căn cứ quan trọng để Tổng cục đưa ra chỉ tiêu nhiệm vụ và nguồn lực trong giai đoạn tới.

Việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch cho giai đoạn 2021-2015 trong đó chú trọng công việc đào tạo lại cho người lao động, đào tạo nâng cao kiến thức phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động xây dựng nông thôn mới tương ứng với những thay đổi của công nghệ và chuyển đổi số.

Trong báo cáo tóm tắt xây dựng kế hoạch đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 Lãnh đạo Tổng cục GDNN nhắc đến định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt dưới nhiều hình thức và trình độ đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, cải thiện thu nhập và đời sống người dân.

Lê Phương - Thúy Hằng

Ảnh: Thuý Hằng