(Dân trí) - Các trận động đất đi qua, để lại hậu quả nặng nề về người và của, làm gián đoạn nền kinh tế quốc gia trong nhiều năm sau đó.
Từ trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, nhìn lại các hệ quả kinh tế của động đất
Wisam Afisa, 37 tuổi, mang 2 quốc tịch Anh và Syria, đã đi bộ trên đường phố Aleppo, Syria, trong bộ đồ ngủ, ủng và áo parka suốt từ hôm thứ hai.
"Tôi may mắn có được những thứ này. Tình hình ở đây thật thảm khốc. Bạn không thể tưởng tượng được sự tàn phá đâu", anh nói. "Tôi đã chứng kiến 8 người được kéo ra khỏi đống đổ nát và không ai còn sống. Tôi nghe thấy những người khác la hét để được giúp đỡ. Một người bạn của gia đình tôi vẫn đang nằm dưới đống đổ nát".
Afisa sống ở Beirut và làm việc cho một công ty giáo dục của Anh. Khi anh cùng bạn gái đến thăm họ hàng trong thành phố thì trận động đất ập đến, khiến cả gia đình phải cuống cuồng chạy khỏi nhà.
"Ngôi nhà rung chuyển mạnh đến nỗi chúng tôi không thể đi xuống hành lang. Chúng tôi hoảng sợ và kinh hoàng, và ngồi trên sàn nhà. Sau đó, chúng tôi chạy ra ngoài, trong bộ đồ ngủ," Afisa nói.
Cuộc sống xáo trộn
Theo ghi nhận từ New York Times, trên khắp Antakya, từng là thủ phủ của tỉnh Hatay, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất tồi tệ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ qua, hàng nghìn người đang cố gắng chấp nhận sự thật rằng thiên tai đã đảo lộn cuộc sống của họ và khiến nhiều người mất hết nhà cửa, của cải, thậm chí là mất cả tương lai.
Nhiều người đang vật lộn để vượt qua một đêm dài đằng đẵng. Ô tô quá nhỏ, không đủ để chứa hết các gia đình, nhưng chúng là sự lựa chọn tốt hơn những chiếc lều làm bằng một lớp vải mỏng, hay một tấm bạt căng ở nhà chờ xe buýt hoặc được giữ bằng cột. Người dân Antakya đốt củi và rác để giữ ấm, nhưng cũng không đủ để xua đi cái lạnh cóng.
"Không điện, không nước, không nhà vệ sinh", Saba Yigit, 52 tuổi, một bảo mẫu, cho biết.
Những ngày qua, hầu hết người dân ở Antakya phải sinh hoạt và ngủ ngoài trời. Nhiều người đã mất nhà cửa trong trận động đất, trong khi những người khác lo sợ rằng một cơn dư chấn nhỏ nhất cũng có thể khiến những ngôi nhà và căn hộ còn lại cũng bị sập. Họ quá sợ hãi không dám vào trong để sử dụng nhà vệ sinh vẫn còn hoạt động.
Sau trận động đất đầu tiên mạnh 7,8 độ richter, tương đương với trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter và vô số dư chấn mạnh tiếp tục làm rung chuyển 2 nước. Hậu quả là tổng số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hiện đã vượt 20,000 và các chuyên gia cho rằng con số này có thể sẽ tiếp tục tăng.
Các đội cứu hộ vẫn đang tuyệt vọng tìm kiếm dấu hiệu của sự sống bên dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng sau nhiều ngày kể từ trận động đất kinh hoàng, cơ hội tìm thấy những người sống sót giảm dần sau mỗi giờ trôi qua.
Nền kinh tế bị ảnh hưởng
Những trận động đất này xảy ra sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm ở Syria, khiến khu vực trên mất ổn định trong nhiều năm. Đất nước này vẫn đang phải chịu đựng một tình trạng khẩn cấp nhân đạo đang diễn ra và thường xuyên bị thiếu vốn. Hàng triệu người phải di tản ở Syria hoặc chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang phải đối mặt với lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng.
Sự suy giảm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy bởi sự kết hợp của giá năng lượng toàn cầu cao, đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine, và chủ yếu là do các chính sách kinh tế do Tổng thống Erdogan chỉ đạo, đã kìm hãm lãi suất bất chấp lạm phát tăng vọt, khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá trị thấp kỷ lục so với đồng USD. Dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh trong những năm gần đây và thâm hụt tài khoản vãng lai của Ankara đã tăng lên.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất gần 30% giá trị so với đồng USD trong năm ngoái, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức mua của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dự báo của Fitch Ratings, một trong 3 ông lớn xếp hạng tín dụng, trận động đất tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây thiệt hại kinh tế hơn 4 tỷ USD.
"Khó có thể ước tính thiệt hại kinh tế khi tình hình đang diễn biến, nhưng có vẻ như chúng sẽ vượt quá 2 tỷ USD và có thể lên tới 4 tỷ USD hoặc hơn", Fitch Ratings cho biết.
Các nhà đầu tư trong những năm gần đây đã ồ ạt rút tiền ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một chuyên gia về thị trường mới nổi, Mark Mobius của Mobius Capital Partners LLP, vẫn lạc quan bất chấp thảm họa động đất và các vấn đề kinh tế.
Mobius cho biết trên CNBC: "Khi nói đến việc đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi vẫn tin rằng đây là một nơi khả thi để đầu tư. Trên thực tế, chúng tôi có đầu tư ở đó. Lý do là người Thổ Nhĩ Kỳ rất linh hoạt, có thể thích nghi với tất cả những thảm họa và vấn đề này, ngay cả với lạm phát cao với đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rất yếu. Vì vậy, chúng tôi không hề sợ hãi khi đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ".
Nhìn lại hệ quả của những trận động đất khác
Thiên tai luôn là nỗi sợ hãi đối với người dân khắp nơi trên thế giới. Trong lịch sử, nhiều cuộc động đất với cường độ cao đã diễn ra, phá hủy nhiều thành phố và cuộc sống của nhiều người, để lại nỗi ám ảnh cho đến nhiều năm về sau.
"Tôi đang ở nhà khi trận động đất xảy ra. Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều gì giống như vậy trước đây. Mặt đất rung chuyển dữ dội đến nỗi tôi bị ném xuống đất. Tôi nhớ mình đã bò đến cửa và cố gắng ra ngoài, nhưng cánh cửa không nhúc nhích. Tôi bị mắc kẹt bên trong khi những bức tường xung quanh đổ nát. Tôi nghĩ mình sắp chết. Cảm giác như vô tận trước khi cơn rung chuyển ngừng lại và tôi đã có thể trốn thoát. Bên ngoài, khung cảnh hỗn loạn. Các tòa nhà đổ sập và mọi người la hét cầu cứu". Đây là chia sẻ của một người đàn ông đến từ Nepal, người từng trải qua trận động đất mạnh 7,8 độ richter vào năm 2015.
Trước đó, vào năm 2010, Chile cũng trải qua trận động đất mạnh 8,8 độ richter. Một người sống sót đã kể lại câu chuyện của mình: "Tôi đang ngủ và bị đánh thức bởi một chấn động lớn và âm thanh của mọi thứ đổ vỡ xung quanh. Tôi nhớ mình đã ra khỏi giường và cố gắng chạy, nhưng tôi không thể giữ thăng bằng. Mặt đất rung chuyển dữ dội đến nỗi tôi phải bò đến nơi an toàn. Cuối cùng khi mọi thứ dừng lại, tôi đi ra ngoài và nhìn thấy cảnh hoang tàn. Mọi người đang khóc và la hét. Các tòa nhà đổ sập. Đó là một trải nghiệm đáng sợ mà tôi sẽ không bao giờ quên".
Những người sống sót khác sau trận động đất và sóng thần mạnh 9 độ richter năm 2011 ở Nhật Bản cũng chia sẻ những cảm nhận tương tự. "Mặt đất rung chuyển và sau đó các bức tường đổ sập. Tôi đã cố gắng trốn thoát và lên được vùng đất cao hơn, nhưng tôi nhìn thấy ảnh hưởng tàn khốc của sóng thần. Thị trấn đã bị phá hủy hoàn toàn, với các tòa nhà và nhà cửa bị cuốn trôi", một trong những người sống sót nhớ lại thảm họa.
Hậu quả kinh tế thảm khốc và sự chật vật để phục hồi
Có thể thấy, tác động rõ nhất của mỗi trận động đất là những đống đổ nát của các tòa nhà, đường sá, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác.
Đối với các khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chịu ảnh hưởng sau trận động đất mạnh 7,8 vừa qua, các chuyên gia cho rằng những khu vực này phải đối mặt với sự phục hồi lâu dài do những trở ngại ngắn hạn.
"Đó là một trận động đất khá mạnh, và trên thực tế, nó không chỉ là một trận động đất, mà trận động đất thứ hai đã xảy ra sau 9 giờ. Các công trình bị hư hại trên diện rộng," Tiến sĩ Robert Shcherbakov, Phó giáo sư về địa vật lý phi tuyến tính và địa chấn thống kê tại Đại học Western (Canada), cho biết.
Hàng chục nghìn người mất nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria phải đối mặt với một đêm lạnh giá. Tại thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, thủ phủ một tỉnh cách tâm chấn khoảng 33km, người dân trú ẩn trong các trung tâm mua sắm, sân vận động, nhà thờ Hồi giáo và trung tâm cộng đồng.
Thiệt hại về cơ sở hạ tầng này có thể lớn và tốn kém để sửa chữa, đồng thời có thể làm gián đoạn nền kinh tế địa phương trong nhiều năm tới.
"Họ cần các nguồn lực và nhân lực để có thể xây dựng lại cơ sở hạ tầng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng, nước, nước thải, thức ăn, chỗ ở, tất cả những thứ đó đều thực sự quan trọng, và điều đó cần có thời gian và tiền bạc", Tiến sĩ Anna Banerji, bác sĩ bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trường Y tế Công cộng Dalla Lanna của Đại học Toronto (Canada).
Bà cũng là một trong những tình nguyện viên từng giúp đỡ Haiti sau trận động đất mạnh 7 độ richter xảy ra vào năm 2010. Người ta ước tính rằng chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước này sau trận động đất vượt quá 8 tỷ USD.
Cựu Thủ tướng Haiti Jean-Max Bellerive cho biết: "Trận động đất đã có tác động tàn phá đối với cơ sở hạ tầng vốn đã mong manh của Haiti. Tái thiết đất nước sẽ đòi hỏi nỗ lực to lớn từ chính phủ, cộng đồng quốc tế và khu vực tư nhân".
Ngoài việc phá hủy cơ sở hạ tầng, động đất cũng có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và dẫn đến mất việc làm. Điều này là do nhiều doanh nghiệp có thể buộc phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn do thiệt hại do trận động đất gây ra. Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở Nepal vào năm 2015 buộc nhiều doanh nghiệp nhỏ ở các khu vực bị ảnh hưởng đã buộc phải đóng cửa, dẫn đến hoạt động kinh tế suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Kamal Shrestha, một chủ doanh nghiệp nhỏ ở Kathmandu, thủ đô của Nepal, cho biết: "Trận động đất đã có tác động thảm khốc đến công việc kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi đã mất tất cả và sẽ mất nhiều năm để phục hồi".
Một cách khác mà động đất có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế là giảm số lượng khách du lịch. Điều này có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, vì lượng du khách giảm có thể dẫn đến giảm chi tiêu và giảm việc làm. Ví dụ, sau trận động đất và sóng thần 9 độ richter tấn công Nhật Bản vào năm 2011, nước này đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về số lượng khách du lịch đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng và điều đó đã tác động đáng kể đến nền kinh tế địa phương.
"Trận động đất và sóng thần đã có tác động lớn đến ngành du lịch của chúng tôi", Masayoshi Son, Giám đốc điều hành của SoftBank Group, cho biết. "Nhiều người sợ đi du lịch đến Nhật Bản và điều này đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế".
Có thể nói, tác động của động đất đáng kể đến nền kinh tế của các quốc gia và tác động có thể được cảm nhận trong nhiều năm sau thảm họa diễn ra.
Năm 2011, Christchurch, một thành phố của New Zealand, hứng chịu trận động đất mạnh 6,3 độ richter gây thiệt hại trên diện rộng và cướp đi sinh mạng của 185 người. Sau thảm họa, chính phủ New Zealand đã đưa ra một kế hoạch phục hồi toàn diện bao gồm cả nỗ lực cứu trợ ngắn hạn cũng như tái thiết và phát triển dài hạn.
Chính phủ đã phân bổ hàng tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hại, bao gồm trường học, bệnh viện và các tòa nhà chính phủ, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và chủ nhà. Những nỗ lực này, cùng với một cộng đồng mạnh mẽ và kiên cường, đã giúp Christchurch phục hồi và xây dựng lại, và nền kinh tế của thành phố hiện đang phát triển trở lại.
Ngay sau trận động đất, ưu tiên hàng đầu thường là cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản như thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn cho những người bị ảnh hưởng. Chính phủ và các tổ chức viện trợ quốc tế thường cung cấp viện trợ khẩn cấp, có thể bao gồm nhà ở tạm thời, hỗ trợ y tế và hỗ trợ tài chính để giúp người dân ổn định lại cuộc sống.
Về lâu dài, trọng tâm chuyển sang xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, chẳng hạn như đường, cầu, trường học và bệnh viện, cũng như khôi phục các doanh nghiệp và nhà ở. Điều này thường đòi hỏi đầu tư đáng kể vào xây dựng và phát triển, có thể kích thích hoạt động kinh tế và tạo việc làm.
Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)