1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở tâm động đất: "Chúng tôi có thể chết vì lạnh"

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiệt độ ngoài trời tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng giảm mạnh đang khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, khi thời điểm vàng để cứu người đang cạn dần trong khi số người thiệt mạng đã vượt con số 21.000.

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở tâm động đất: Chúng tôi có thể chết vì lạnh - 1

Các tòa nhà bị đổ sập do động đất tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters).

Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực chiến đấu với thời tiết, chạy đua với thời gian để tìm kiếm và cứu những người còn sống dưới những đống đổ nát trước khi quá muộn. Thời tiết lạnh giá cũng gây ra nhiều lo ngại cho khả năng sót của những nạn nhân vẫn đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Theo con số thống kê mới nhất từ hãng tin Guardian, số người chết trong trận động đất kinh hoàng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng nhanh, vượt con số 21.000 người.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số người chết đã tăng lên ít nhất 17.674 người và hàng chục nghìn người khác bị thương. Tại Syria, ít nhất 3.377 người được báo cáo đã thiệt mạng ở cả khu vực do chính phủ kiểm soát và khu vực do phiến quân nắm giữ.

Các cơ quan viện trợ và nhân viên cứu hộ cảnh báo, số người chết có thể còn tăng thêm do nhiều người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở tâm động đất: Chúng tôi có thể chết vì lạnh - 2

Thi thể các nạn nhân thiệt mạng do động đất được đặt tại một khu thể thao ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia cảnh báo, các nỗ lực cứu hộ đang ngày càng khó khăn hơn do thời tiết lạnh giá ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong khi các nhân viên cứu hộ không thể tiếp cận tất cả các khu vực thảm họa - làm dấy lên lo ngại cho nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Ba ngày qua đã chứng kiến những cuộc giải cứu ấn tượng, trong đó có những đứa trẻ được cứu sống từ những tòa nhà đổ nát hơn 30 giờ sau trận động đất. Nhưng ở nhiều khu vực, nhiều người đã thực sự tuyệt vọng và tức giận khi chứng kiến những nỗ lực cứu hộ không hiệu quả.

"Chúng tôi có thể chết vì lạnh cóng"

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở tâm động đất: Chúng tôi có thể chết vì lạnh - 3

Những người sống sót sau động đất ngồi sưởi ấm ngoài trời tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters).

Osman Can Taninmis vẫn từng phút ngóng chờ thông tin giải cứu cả gia đình mình, những nạn nhân vẫn đang nằm dưới đống đổ nát ở tỉnh Hatay, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. "Giống như chúng tôi thức dậy trong địa ngục. Chúng tôi không được trợ giúp gì, không thể tiếp cận bất cứ ai cả. Khắp nơi đều bị hủy diệt", Taninmis nói.

Mỗi phút trôi qua, Ebru Firat biết cơ hội tìm thấy người anh họ còn sống dưới đống đổ nát lại càng vơi dần, trong khi nỗi giận dữ với giới chức tăng lên.

Cô bày tỏ niềm thất vọng và tức giận vì phản ứng chậm chạp của chính quyền sau thảm họa động đất nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua ở Gaziantep, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi không còn nước mắt để khóc", Firat nói, nhắc đến người anh họ mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà bị san phẳng do động đất.

Tại một số vùng hẻo lánh, không đội cứu hộ nào có mặt tại hiện trường trong 12 giờ quan trọng đầu tiên sau thảm họa, buộc người thân của nạn nhân và cảnh sát địa phương phải đào bới bằng tay, theo lời các nhân chứng. Khi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp đến vào tối 6/2, họ chỉ làm việc được vài giờ.

Ông Celal Deniz, 61 tuổi, vẫn ngày đêm nguyện cầu chờ đợi tin tức người em trai và các cháu vẫn đang mắc kẹt. Trong giá rét, ông Deniz và người nhà cố tìm chỗ sưởi ấm quanh đống lửa nhóm ngoài trời, không xa tòa nhà bị phá hủy.

Nhưng mọi hy vọng đang tắt dần. "Người dân đã vô cùng tức giận và phản ứng với lực lượng cứu hộ vào sáng 7/2. Cảnh sát đã phải can thiệp", ông nói.

Trong khi đó, nhiều người sống sót cảm thấy bị bỏ rơi vì phải tự mình chiến đấu với thời tiết lạnh giá khắc nghiệt. Một số người không kịp xỏ giày, mặc quần áo ấm khi vội lao khỏi nhà để tránh động đất.

Lực lượng cứu hộ và chó nghiệp vụ vẫn đang tiếp tục được triển khai tới Gaziantep. "Nhưng đã quá muộn", một phụ nữ giấu tên cho biết. "Chúng tôi đang chờ chết", cô nói và cho biết thêm, người dì của mình vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát. 

Các đội tìm kiếm từ gần 30 quốc gia và các cam kết viện trợ ngày càng đổ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria với số lượng lớn. Nhưng với thiệt hại lan rộng khắp một số thành phố và thị trấn, một số vẫn bị cô lập bởi cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria, những tiếng kêu cứu từ trong đống đổ nát đã im ắng.

Nhiều người sống sót ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ngủ trong ôtô, bên ngoài hoặc trong những nơi trú ẩn tạm thời của chính phủ.

"Chúng tôi không có lều, không có bếp sưởi, không có bất cứ thứ gì. Con cái của chúng ta đang ở trong tình trạng tồi tệ", Aysan Kurt, 27 tuổi, nói với hãng tin AP. "Chúng tôi không chết vì đói hay động đất, nhưng chúng tôi có thể chết vì lạnh cóng".

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở tâm động đất: Chúng tôi có thể chết vì lạnh - 4

Thời tiết đóng băng khiến công tác cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ gặp rất nhiều khó khăn (Ảnh: AP).

Adelheid Marschang, một quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có tới 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng trong toàn bộ khu vực bị động đất tàn phá, gọi đây là "cuộc khủng hoảng chồng chất nhiều cuộc khủng hoảng".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, 13 triệu trong tổng số 85 triệu dân của nước này bị ảnh hưởng và ông đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh. Các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 8.000 người đã được cứu ra khỏi đống đổ nát và khoảng 380.000 người phải trú ẩn trong các nhà tạm trú hoặc khách sạn của chính phủ.

Nhưng các nhà chức trách vẫn đối mặt với sự chỉ trích chậm chạp của người dân ở Hatay, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, bị kẹp giữa Syria và Biển Địa Trung Hải.

Liên hợp quốc nỗ lực cứu trợ Syria

Trong khi đó, tại Syria, các nỗ lực viện trợ gặp nhiều thách thức bởi cuộc chiến đang diễn ra và sự cô lập của khu vực do phiến quân kiểm soát dọc biên giới, nơi các lực lượng chính phủ đang bao vây.

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở tâm động đất: Chúng tôi có thể chết vì lạnh - 5

Người dân tuyệt vọng ngồi chờ tin tức tìm kiếm người thân bị mắc kẹt dưới đồng đổ nát ở thành phố Aleppo, Syria (Ảnh: AP).

Những thành viên của nhóm cứu hộ "Mũ Bảo hiểm Trắng", vốn có nhiều năm kinh nghiệm giải cứu người dân khỏi các tòa nhà bị phá hủy do chiến tranh, cũng đã tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở Syria, nhưng họ nói rằng thảm họa động đất lần này đã vượt quá khả năng của mình.

Liên hợp quốc cho biết đã "thăm dò mọi con đường" để tiếp tế cho vùng tây bắc Syria, hiện do quân nổi dậy kiểm soát. Một nhóm cứu trợ của tổ chức này ngày 9/2 đã vào được khu vực tây bắc Syria để trợ giúp các nạn nhân động đất.

Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric trước đó cho biết, con đường dẫn đến cửa khẩu biên giới Bab al-Hawa - cửa ngõ duy nhất mà hàng viện trợ của Liên hợp quốc được phép đi vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát - đã bị hư hại do trận động đất, làm gián đoạn việc vận chuyển.

Theo Washington Post, AP