DNews

Trước "giờ G" bầu cử: So găng ông Trump và bà Harris ở chiến trường kinh tế

Phương Liên

(Dân trí) - Chính sách kinh tế của ông Trump và bà Harris đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau khi được "đặt lên bàn cân". Vậy ứng viên nào đang có ưu thế hơn trên chiến trường kinh tế?

Trước "giờ G" bầu cử: So găng ông Trump và bà Harris ở chiến trường kinh tế

Ngày 5/11, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra giữa đại diện Đảng Cộng hòa Donald Trump và đại diện Đảng Dân chủ Kamala Harris.

Kinh tế luôn là vấn đề chi phối trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Kinh tế Mỹ gần đây ghi nhận nhiều số liệu tích cực. Chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE) tháng 9 của Mỹ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này thấp hơn tháng 8 và tiến sát mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra, củng cố khả năng cơ quan này hạ lãi suất tuần tới.

Kết quả đến nay vẫn được đánh giá khó dự đoán khi 2 ứng viên bám đuổi sít sao trong các cuộc khảo sát. Đáng chú ý, cách tiếp cận kinh tế của 2 ứng viên tổng thống có sự đối lập rõ rệt, có thể tái định hình tương lai nền kinh tế Mỹ và cả thế giới. Trong khi bà Harris ưu tiên các thay đổi nhỏ còn ông Trump gần như sẽ đảo ngược hoàn toàn các chính sách của chính quyền hiện tại.

"Đòn giáng" thuế nhập khẩu

Đáng chú ý, thái độ của Mỹ về thuế nhập khẩu sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế và quan hệ thương mại toàn cầu. 2 ứng cử viên cũng có những chính sách hoàn toàn trái ngược về vấn đề này.

Dưới thời Trump, các chính sách thuế quan mạnh tay đã khơi mào cuộc chiến thương mại với nhiều quốc gia. Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Trump cam kết tiếp tục chính sách "Nước Mỹ trên hết" bằng cách áp thuế nhập khẩu cao với hơn 3.000 mặt hàng, tăng từ 2% lên 10-20%, từ mức trung bình 2% sản phẩm phi nông nghiệp hiện tại.

Riêng đối với Trung Quốc, ông Trump muốn áp thuế tới 60%. Xe hơi từ Mexico thậm chí có thể bị áp thuế 200% để hỗ trợ ngành ô tô trong nước.

Ngược lại, bà Harris không đề xuất thay đổi thuế nhập khẩu và dự kiến chỉ duy trì chính sách thương mại hiện tại của Tổng thống Biden, nhằm giảm nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện.

Ứng viên Đảng Dân chủ cho rằng tăng thuế nhập khẩu sẽ gây thiệt hại cho tầng lớp trung lưu. Đồng thời đưa ra cảnh báo nếu thuế suất đạt 20%, giá tiêu dùng trong nước sẽ tăng vọt, khiến mỗi hộ gia đình Mỹ phải mất thêm 4.000 USD/năm. Con số thực tế có thể cao hơn khi tính thêm thuế trả đũa từ các nước lân cận.

Trước giờ G bầu cử: So găng ông Trump và bà Harris ở chiến trường kinh tế - 1

Thái độ của Mỹ về thuế nhập khẩu sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế và quan hệ thương mại toàn cầu (Ảnh: FT).

Dưới góc độ toàn cầu, chính sách của bà Harris sẽ giúp Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh và thúc đẩy hợp tác đa phương. Điều này có thể dẫn đến việc mở rộng các thỏa thuận thương mại hiện tại và ký kết hiệp định mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng sạch.

Trong khi ông Trump khẳng định thuế nhập khẩu sẽ không làm tăng giá cả, tương tự diễn biến lạm phát trong nhiệm kỳ của ông. Khi đó, lạm phát tại Mỹ ổn định ở mức dưới 3%, mặc dù ông Trump đã phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc từ năm 2018. Lạm phát tăng vọt từ năm 2020, khi đại dịch xuất hiện làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế học không bị thuyết phục bởi lời giải thích này. Họ đưa ra nhiều nghiên cứu cho thấy người Mỹ phải gánh phần lớn chi phí từ việc Trump tăng thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc.

"Nguyên tắc đầu tiên trong điều hành kinh tế là không gây hại. Nhưng các chính sách của ông Trump đề xuất đang tạo ra rủi ro lớn là đẩy Mỹ vào suy thoái", ông Joe Brusuelas, kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM, nhấn mạnh trong báo cáo.

"Cơn ác mộng" lạm phát

Lạm phát là một trong những mối quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ khi giá tiêu dùng những năm qua liên tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, lạm phát đạt đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022, mức cao nhất từ năm 1981, chủ yếu do giá năng lượng, lương thực tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết nhanh chóng chấm dứt cơn ác mộng lạm phát nếu tái đắc cử. Ông đề xuất trục xuất lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp nhằm giảm chi phí và giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo chính sách này sẽ khiến Mỹ mất đi hàng triệu lao động giá rẻ, khiến lương nhân công tăng vọt và giá tiêu dùng leo thang.

Những chính sách này được đánh giá có tiềm năng thúc đẩy kinh tế. "Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa chúng có thể kéo dài tình trạng lạm phát, khi kích thích chi tiêu và làm tăng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp", ông Heng Koon How, nhà phân tích của ngân hàng UOB, nhận định trong báo cáo.

"Kế hoạch của ông Trump sẽ gây lạm phát nhiều hơn bất kỳ ứng viên Tổng thống nào tôi từng biết", bà Kimberly Clausing, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định với CNN.

Trước giờ G bầu cử: So găng ông Trump và bà Harris ở chiến trường kinh tế - 2

Lạm phát dưới thời ông Biden cao hơn hẳn so với giai đoạn ông Trump (Ảnh: Reuters).

Ngược lại, bà Harris đề xuất hỗ trợ tầng lớp trung lưu mua nhà, người lao động nuôi con nhỏ và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, người mua nhà lần đầu có thể nhận 25.000 USD hỗ trợ, 3 triệu căn nhà sẽ được xây mới trong 4 năm tới và người lao động mới sinh con sẽ được giảm 6.000 USD tiền thuế.

Thậm chí, bà cũng dự kiến giảm 40 tỷ USD thuế cho các doanh nghiệp bất động sản xây nhà giá rẻ. "Khi người lao động và tầng lớp trung lưu Mỹ có cơ hội kiếm nhiều tiền hơn, lập doanh nghiệp, mua nhà và cải thiện tài chính cá nhân, nền kinh tế sẽ được củng cố, phát triển", ông Brian Nelson, cố vấn của bà Harris cho biết.

Tất nhiên, chính sách của Harris vẫn tồn tại rủi ro tăng lạm phát. Đối thủ Trump còn chỉ trích chính sách của bà Harris sẽ gây cản trở phát triển và đầu tư, theo CNN. Tuy nhiên, gần 70% nhà kinh tế học trong một khảo sát của Wall Street Journal cho rằng các chính sách của Trump khiến giá cả tăng nhanh hơn so với đề xuất của bà Harris. 

Đánh thuế "nhà giàu"

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ cũng có những quan điểm trái ngược về chính sách thuế trong nước. Bà Harris kêu gọi chỉ gia hạn một phần chính sách giảm thuế mà Trump thông qua từ năm 2017.

Bà cũng cam kết không điều chỉnh thuế thu nhập với những người kiếm được dưới 400.000 USD/năm, đồng thời kêu gọi quốc hội Mỹ thu hồi chính sách giảm thuế cho những người giàu nhất và tăng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28%.

Ngược lại, ông Trump muốn điều chỉnh thuế một cách mạnh mẽ. Ông đề xuất gia hạn toàn bộ chính sách giảm thuế từ năm 2017 và hạ thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 15% cho một số công ty. Ông cũng có kế hoạch miễn thuế cho tiền trợ cấp xã hội và tiền làm thêm giờ để hỗ trợ những người có thu nhập thấp tại Mỹ.

Các chuyên gia cảnh báo rằng cả 2 ứng cử viên đều có khả năng làm nợ quốc gia tăng vọt. Theo nghiên cứu đầu tháng 10 của Ủy ban Ngân sách liên bang Mỹ (CRFB), kế hoạch thuế và chi tiêu của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể khiến ngân sách nước này thâm hụt thêm 3.500 tỷ USD trong 10 năm tới. Con số này đối với kế hoạch của ông Donald Trump là 7.500 tỷ USD.

Trước giờ G bầu cử: So găng ông Trump và bà Harris ở chiến trường kinh tế - 3

Đại diện Đảng Dân chủ Kamala Harris và đại diện Đảng Cộng hòa Donald Trump (Ảnh: Skynews).

Theo kế hoạch thuế của cựu Tổng thống Trump, nhóm 0,1% người giàu nhất sẽ thấy thu nhập sau thuế tăng thêm gần 377.000 USD, còn nhóm 20% nghèo nhất chỉ nhận thêm 320 USD.

Trong khi đó, chính sách của Phó tổng thống Harris dự kiến giảm thu nhập trung bình của nhóm 0,1% giàu nhất khoảng 167.000 USD, nhưng nhóm 20% nghèo nhất sẽ được tăng thêm 2.355 USD.

Trump và Harris có tầm nhìn rất khác nhau về điều gì mới là tốt nhất với nền kinh tế ở thời điểm hiện tại. Trong một số cuộc khảo sát với người dân Mỹ, tỷ lệ tin tưởng ông Trump điều hành kinh tế vẫn nhỉnh hơn.

Các nhà nghiên cứu kinh tế thì cho biết họ cảm nhận được nỗi thất vọng của cử tri, dù kế hoạch kinh tế của ông Trump chưa chắc đã hữu ích cho nước Mỹ dù nước này chưa cần đến sự cải tổ mạnh như Trump mong muốn.