DBiz

Toàn cảnh bức tranh nợ xấu ngân hàng mới nhất

Nhật Quang
Toàn cảnh bức tranh nợ xấu ngân hàng mới nhất

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng, tổng dư nợ cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 10,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với cuối năm 2022.

Tại ngày 30/6, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng ghi nhận 213.416 tỷ đồng, tăng 33%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) ở mức 64.906 tỷ đồng, tăng 79%, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 41% lên 73.881 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) nhích tăng nhẹ 3,5% so với đầu năm lên 74.628 tỷ đồng.

Big 4 ngân hàng chiếm tỷ trọng 53% tổng dư nợ cho vay

Tính đến hết quý II, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank)  có tổng dư nợ cho vay khách hàng ở mức 5,62 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 53%.

Đứng đầu là BIDV với 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 7%, đây cũng là đơn vị có mức tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong nhóm Big 4. Agribank ở vị trí thứ 2 với 1,46 triệu tỷ đồng, tăng 1,25%. Theo sau là VietinBank với 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% và tại Vietcombank là 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 2,8%.

Bên cạnh nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước, nhiều đơn vị trong nhóm ngân hàng tư nhân ghi nhận dư nợ tín dụng tăng trưởng hai chữ số.  

Cụ thể, MB là ngân hàng tư nhân có quy mô cho vay khách hàng lớn nhất trong nhóm này nhờ mức tăng trưởng tín dụng 12,4% lên hơn 518.071 tỷ đồng. VPBank ghi nhận 488.644 tỷ đồng, tăng 11,5%. Techcombank tăng gần 11% lên 466.546 tỷ đồng; TPBank ở mức 177.113 tỷ đồng, tăng 10%; MSB tăng 13% lên 136.593 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng ở hầu hết ngân hàng

Số liệu thống kê cho thấy, trong 28 ngân hàng chỉ duy nhất 2 đơn vị ghi nhận nợ xấu giảm so với đầu năm. Số còn lại đều ghi nhận nợ xấu tăng cao, trong đó một đơn vị có mức tăng 188%, gấp gần 3 lần so với con số đầu năm.

Về quy mô nợ xấu, VPBank đang là ngân hàng có nợ xấu lớn nhất với 31.864 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm 2022. Mặc dù, nợ có khả năng mất vốn có cải thiện, giảm 30% xuống còn 4.989 tỷ đồng. Nhưng nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ lại tăng mạnh lên lần lượt 45% và 53% lên 11.502 tỷ đồng và 15.371 tỷ đồng.

3 vị trí sau VPBank đều thuộc nhóm Big 4, BIDV ghi nhận 25.970 tỷ đồng, tăng 47%, riêng nợ nghi ngờ nhân đôi lên gần 5.300 tỷ đồng. Agribank ở mức 25.945 tỷ đồng, tăng 9% và VietinBank là 17.308 tỷ đồng, tăng 10%.

Xét về tốc độ tăng trưởng nợ xấu, TPBank là đơn vị ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên tới 188% lên hơn 3.900 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 gấp 5,5 lên 2.146 tỷ đồng, nợ nghi ngờ gấp 2,5 lần lên 1.130 tỷ đồng, và nợ có khả năng mất vốn tăng 26% lên 635 tỷ đồng.

Sacombank cũng ghi nhận nợ xấu tăng 91% lên hơn 8.226 tỷ đồng, đồng thời cũng thuộc top 10 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất hệ thống.

Ngoài ra trong nhóm nợ xấu tăng cao còn có NamABank (tăng 81%, lên 3.515 tỷ đồng), VietABank (tăng 74%, lên 1.659 tỷ đồng), MSB (tăng 70%, lên 3.496 tỷ đồng), LPBank (tăng 65%, lên 5.656 tỷ đồng), Techcombank (tăng 65%, lên 5.002 tỷ đồng)…

Nhóm ngân hàng tư nhân còn lại VIB, ACB, OCB, ABBank, Eximbank… cùng ghi nhận nợ xấu tăng trên 50%.

Riêng chỉ có SHB và Kienlongbank ghi nhận nợ xấu giảm. Trong đó, Kienlongbank ghi nhận nợ xấu giảm 7%, xuống còn 789 tỷ đồng nhờ nợ có khả năng mất vốn giảm 20%, còn 517 tỷ đồng. Tại SHB, nợ xấu giảm 3% còn hơn 10.481 tỷ đồng, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn cải thiện giảm 22% còn 5.745 tỷ đồng.

Tỷ lệ bao phủ giảm mạnh

Tính đến hết 30/6, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 28 ngân hàng ở mức 2,02%, tăng 0,41 điểm % so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình giảm từ 127% còn 105%.

Qua số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy những khó khăn của nền kinh tế cũng đang dồn lên hệ thống ngân hàng. Nhìn trên tổng thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đang được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng nợ xấu ở 7 ngân hàng đã vượt qua mức này.

NCB tiếp tục là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ở mức 25,6% trong khi chỉ số này tại thời điểm cuối năm 2022 là 17%. 

Một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong quý II còn có ABBank tăng từ 2,88% đầu năm lên 4,55%. TPBank tăng từ 0,84% lên 1,37%, VIB tăng 1,18 điểm % lên 3,63%. NamABank tăng 1,09 điểm % lên 2,72%.

Với nhóm ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu vẫn được kiểm soát. Trong đó, Vietcombank có tỷ lệ 0,83%, tăng 0,15 điểm %. VietinBank nhích tăng nhẹ từ 1,24% lên 1,27%. BIDV tăng từ 1,16% lên 1,59%. Agribank tăng từ 1,64% lên 1,77%.

Về tỷ lệ bao phủ nợ xấu, 23/28 ngân hàng ghi nhận chỉ số này giảm so với đầu năm. Theo đó, MB ghi nhận tỷ lệ bao phủ giảm 82 điểm %, xuống còn 156%, do đó lui về vị trí thứ 4 trong bảng xếp hàng bao phủ nợ. Trong khi thời điểm cuối năm 2022 MB có tỷ lệ bao phủ ở mức 238%, đứng ở vị trí thứ 2 chỉ sau Vietcombank.

TPBank cũng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 135% xuống còn 61%. LPBank và BIDV cùng có mức giảm 64 điểm % xuống lần lượt còn 78% và 153%.

Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân tỷ lệ bao phủ nợ xấu quý II với hơn 385%, tăng 68 điểm % so với cuối 2022. Theo sau là VietinBank với 169% dù giảm hơn 20 điểm %.

Dự báo từ trước

Ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh 2023 một cách thận trọng. Giới chuyên gia nhìn nhận 2023 là năm nhiều thử thách đối với các ngân hàng khi phải tiếp tục san sẻ nguồn lực, chia khó với doanh nghiệp giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định từ đầu năm nợ xấu đã có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp và người vay tiền có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Các ngân hàng có thể ghi nhận các khoản nợ xấu tăng nhanh trong năm 2023, áp lực trích lập dự phòng cao dần về nửa cuối năm.

Tính đến hết quý II, tổng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của 28 ngân hàng ở mức 224.771 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. MSB ghi nhận mức tăng 56% lên hơn 2.230 tỷ đồng, Vietcombank cũng tăng trích lập dự phòng thêm 52% lên 37.747 tỷ đồng. Các đơn vị như TPBank, ABBank, HDBank, OCB, Techcombank, Eximbank cũng ghi nhận mức tăng trên 20%.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết từ cuối năm 2022 đã xảy ra việc các giao dịch địa ốc vướng mắc nhiều vấn đề, kể cả về mặt thủ tục lẫn năng lực về tài chính nên không triển khai được.

Những khó khăn đó cũng gây áp lực lên ngành ngân hàng nói chung và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thanh toán của khách hàng. Khi thị trường gặp khó khăn trong giao dịch, chắc chắn tốc độ xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng trì trệ, vị lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.

Trước áp lực nợ xấu hệ thống tăng cao cũng như nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Theo thông tư này, các ngân hàng sẽ có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được trích dần trong 2 năm.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà Nước nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho người đi vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Chất lượng tài sản thực chất rõ ràng là một vấn đề cần quan tâm. Tỷ lệ nợ xấu được báo cáo có thể vẫn nằm trong tầm kiểm soát theo chính sách hỗ trợ này, nhưng các số liệu trên báo cáo tài chính sẽ không phản ánh đầy đủ sự tác động đến chất lượng tài sản. Việc cho các ngân hàng lựa chọn được trích lập dự phòng cho khoản vay tái cơ cấu trong 2 năm sẽ giúp giảm tác động đến lợi nhuận và nguồn vốn của các ngân hàng.