Lãi suất tiền gửi tháng 8 ngân hàng nào cao nhất?
(Dân trí) - Tính đến đầu tháng 8, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên 8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng không còn xuất hiện. Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đà giảm.
Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hơn 30 ngân hàng thương mại của phóng viên Dân trí, tính đến ngày 1/8, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 6,68%/năm, giảm 0,33 điểm % so với đầu tháng 7 và giảm gần 1,8 điểm % so với đầu năm.
Không còn xuất hiện mức trên 8%/năm
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy, hiện chỉ còn 12 trong số 33 ngân hàng niêm yết mức lãi suất trên 7%/năm. Trong đó, không bên nào có mức lãi suất trên 8%/năm như tháng trước. Lãi suất trên 8%/năm đa phần chỉ xuất hiện khi đi kèm các điều kiện đặc biệt (kỳ hạn dài, khoản tiền gửi lớn).
CBBank hiện trả lãi suất 7,6%/năm, đây là đơn vị trả lãi suất cao nhất tính đến đầu tháng 8. Theo sau là VietBank với 7,4%/năm, VietABank và BVBank cùng ở mức 7,3%/năm. Ngoài ra, một số ngân hàng như SaigonBank, BacABank, OCB, HDBank… cũng áp dụng mức lãi suất trên 7%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank) trong tháng qua cũng đã điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn 1 tháng từ 3,4% xuống còn 3,3%/năm.Kỳ hạn 12 tháng vẫn được niêm yết ở 6,3%/năm, không thay đổi so với tháng trước. Tuy nhiên, 4 nhà băng này đã không còn thuộc nhóm có mức lãi suất thấp nhất trong hệ thống ngân hàng.
ABBank nhiều tháng trước liên tục là đơn vị nằm trong nhóm có mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng (trung bình ở mức 7,5-8%/năm), thì sang đến đầu tháng 8 lại thuộc nhóm thấp nhất với 6%/năm. Trong nhóm này còn có Techcombank với 6,1%/năm, MSB là 6%/năm.
Gửi hàng trăm, nghìn tỷ đồng mới có lãi "khủng" 9,5-11%/năm
Bên cạnh xu hướng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng, ghi nhận của phóng viên Dân trí cho thấy một số nhà băng vẫn đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8-11%/năm với điều kiện đi kèm.
Đầu tháng 8, PvComBank tiếp áp dụng mức lãi suất 11%/năm với khoản tiền trên 2.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 12 và 13 tháng, giảm 0,5% điểm % so với tháng trước. Trường hợp số dư tiền gửi dưới 2.000 tỷ đồng, ngân hàng này hiện áp dụng lãi suất 6,6%/năm. PvComBank cho biết lãi suất trên cũng là mức lãi suất cơ sở để xác định lãi vay.
Tại MSB, sổ tiết kiệm mở mới từ 500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm, dưới 500 tỷ đồng lãi suất ở mức 6%/năm.
HDBank tiếp tục áp dụng lãi suất 8,6%/năm kỳ hạn 12 tháng, 9,3%/năm kỳ hạn 13 tháng cho khoản tiền trên 300 tỷ đồng.
NamABank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 36 tháng, giảm 1 điểm % so với tháng trước. Mức lãi suất này chỉ được áp dụng khi có sự chấp thuận của lãnh đạo ngân hàng. Dưới 500 tỷ đồng, lãi suất áp dụng 6,6%/năm.
Với khoản tiền gửi trên 200 tỷ đồng tại ACB, ngân hàng áp dụng lãi suất 7,3%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, trong trường hợp dưới 200 tỷ đồng lãi suất ở mức 6,5%/năm.
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm?
Mới đây, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng phù hợp với diễn biến thị trường…
Đồng thời, cơ quan quản lý tiền tệ cũng được giao nhiệm vụ điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa lạm phát và tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết, thông điệp mà NHNN đưa ra cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng còn lại của năm là sẽ tiếp tục theo chiều hướng nới lỏng có thận trọng.
Về xu hướng lãi suất, dưới áp lực từ chính sách tiền tệ phân kỳ với các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm khá thận trọng khi nhấn mạnh chỉ hạ lãi suất điều hành nếu có điều kiện phù hợp.
Mục tiêu lớn hơn sẽ nghiêng nhiều về các ngân hàng thương mại thực hiện tiết giảm chi phí, để qua đó hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong báo cáo vĩ mô nửa cuối năm, Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra kỳ vọng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng được dự báo sẽ giảm xuống mức 6-6,2%/năm vào cuối năm.
Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm do tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong nửa đầu năm. Cùng với đó, nhu cầu tín dụng yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp và thị trường bất động sản ảm đạm cũng là yếu tố tác động đến lãi suất. Lãi suất cho vay có thể giảm mạnh hơn nửa cuối năm.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) thì cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì môi trường nới lỏng tiền tệ trong thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, việc cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong giai đoạn còn lại của năm 2023 chưa thực sự cần thiết khi lãi suất huy động cũng như cho vay cần thời gian để phản ánh mức giảm của lãi suất điều hành trước đó.
Theo MAS, việc tỷ giá hối đoái tiếp tục ổn định sau các đợt cắt giảm lãi suất gần đây có thể tạo nền cho Ngân hàng Nhà nước duy trì môi trường nới lỏng tiền tệ trong các quý tiếp theo.