1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gần 700.000 tỷ đồng tiền gửi chảy vào 29 ngân hàng sau nửa năm

Thảo Thu

(Dân trí) - 4 đơn vị hút tiền gửi mạnh nhất toàn ngành vượt 1 triệu tỷ đồng đều thuộc nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước. Tổng tiền gửi tại 29 ngân hàng đến hết quý II là hơn 9 triệu tỷ đồng.

Tiền gửi khách hàng tại Big 4 chiếm 65% toàn hệ thống

Theo số liệu phóng viên Dân trí thống kê từ báo cáo tài chính quý II/2023 của các ngân hàng, tính đến ngày 30/6, Agribank dẫn đầu toàn ngành về chỉ tiêu tiền gửi khách hàng với 1,686 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với hồi cuối năm ngoái.

3 vị trí sau đều thuộc nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là BIDV, Vietcombank và VietinBank với tổng tiền gửi đến hết quý II lần lượt là 1,545 triệu tỷ đồng; 1,326 triệu tỷ đồng và 1,272 triệu tỷ đồng.

Vị trí "quán quân" và "á quân" giữ nguyên so với thời điểm cuối năm ngoái. Vị trí thứ 3 và thứ 4 có sự hoán đổi giữa Vietcombank và VietinBank.

Trong 4 ngân hàng dẫn đầu, Vietcombank là đơn vị có mức tăng mạnh nhất, lên tới 6,5% so với hồi đầu năm. Agribank dẫn đầu toàn ngành về tiền gửi nhưng mức tăng thấp hơn, ở mức 3,8%. BIDV và VietinBank có mức tăng là 4,9%.

Tiền gửi khách hàng tại 4 đơn vị Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank chiếm đến 65% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống tính đến hết ngày 30/6, tương ứng đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 250.000 tỷ đồng so với hồi cuối năm ngoái.

Ai là quán quân ở nhóm ngân hàng tư nhân? 

Số dư tiền gửi khách hàng tại 25 ngân hàng tư nhân đến hết quý II là gần 3,17 triệu tỷ đồng. Sacombank tiếp tục là "ngôi sao tư nhân" với hơn 500.000 tỷ đồng tiền gửi khách hàng, tương ứng mức tăng 10,3% so với cuối năm ngoái.

Nhưng mức tăng mạnh nhất top 10 nhà băng dẫn đầu thuộc về VPBank, lên đến 27,9%. VPBank hiện đứng ở vị trí thứ 9 trong nhóm nhà băng hút mạnh tiền gửi 6 tháng đầu năm, xếp sau MB (475.406 tỷ đồng), ACB (432.410 tỷ đồng), SHB (409.618 tỷ đồng). Trong đó, 3 đơn vị có mức tăng trên 10% là Sacombank, VPBank và SHB (13,3%).

Một đơn vị khác không lọt top 10 nhưng có mức tăng về chỉ tiêu này so với đầu năm lên tới hơn 43% là HDBank với 309.645 tỷ đồng tiền gửi.

Có 2 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu tiền gửi sụt giảm. Trong đó, NCB sụt giảm 1,4%, PG Bank sụt giảm 0,1%. Năm ngoái, không có nhà băng nào "đi lùi" tăng trưởng ở chỉ tiêu tiền gửi.

Gần 700.000 tỷ đồng tiền gửi chảy vào 29 ngân hàng sau nửa năm - 1

Số dư tiền gửi khách hàng tại 25 ngân hàng tư nhân đến hết quý II là gần 3,17 triệu tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).

Tổng số tiền gửi khách hàng của 29 đơn vị công bố báo cáo tài chính đến hết quý II đạt hơn 9 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2022, tương ứng có tới gần 700.000 tỷ đồng chảy vào hệ thống ngân hàng. Đây là mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ vài năm trở lại đây, xét cả về giá trị tuyệt đối và tương đối.

Thực tế, bước sang năm 2023, lãi suất bắt đầu giảm nhiệt nhưng vẫn duy trì mặt bằng cao so với trước Covid-19.

Cho đến khoảng tháng 4 năm nay, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh và mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, qua đó kéo mặt bằng lãi suất trên thị trường đi xuống, nhưng dường như không làm kênh tiền gửi trở nên bớt hấp dẫn. Thanh khoản của ngân hàng cũng đang dư thừa trong bối cảnh huy động được tiền gửi nhưng lại khó cho vay.

Mức niêm yết cao nhất hệ thống ngân hàng hiện chỉ còn 7,7-7,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Còn với các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất đang bị khống chế bởi mức trần 4,75%/năm.