(Dân trí) - Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse vừa trở thành tâm điểm trong giới tài chính toàn cầu khi vướng tin đồn phá sản và có thể tương tự như vụ Lehman Brothers năm 2008. Tuy nhiên, giới chuyên gia phủ nhận.
Credit Suisse bị đồn phá sản: Không có nguy cơ như "cú sốc" Leman Brothers 2008
Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse vừa trở thành tâm điểm chú ý trong giới tài chính toàn cầu khi vướng tin đồn phá sản, thậm chí một số ý kiến cho rằng ngân hàng 166 năm tuổi này có thể phải đối mặt với số phận giống như Lehman Brothers năm 2008.
Hôm đầu tuần (3/10), mỗi cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm xuống mức thấp kỷ lục còn 3,52 franc Thụy Sĩ do chi phí bảo hiểm tăng mạnh trước tin đồn phá sản.
Giá các hợp đồng hoán đổi nợ tín dụng (CDS), một công cụ phòng vệ rủi ro tài chính nếu công ty cơ sở bị vỡ nợ, cho thấy thị trường đang định giá 23% khả năng Credit Suisse sẽ tuyên bố phá sản trong 5 năm tới. Điều này làm dấy lên những so sánh rằng nhà băng này có thể phải đối mặt với số phận giống như Lehman Brothers năm 2008.
Thời điểm đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 9/2008 khi thị trường nợ dưới chuẩn sụp đổ buộc "gã khổng lồ" ngân hàng đầu tư Phố Wall Lehman Brothers phải nộp đơn xin phá sản.
Tuy nhiên, để trấn an, lãnh đạo của Credit Suisse đã khẳng định, nguồn vốn và thanh khoản của họ vẫn dồi dào và sẽ tiết lộ chi tiết hơn về một cuộc cải tổ chiến lược khi công bố kết quả kinh doanh quý III vào ngày 27/10.
Đóng vai trò quan trọng
Kể từ khi được thành lập vào năm 1856, Credit Suisse đã đóng vai trò trung tâm trong lịch sử và sự phát triển của Thụy Sĩ.
Thông qua một loạt vụ mua bán và sáp nhập, Credit Suisse đã trở thành ngân hàng cho vay lớn thứ 2 ở Thụy Sĩ và là một trong những ngân hàng lớn nhất ở châu Âu.
Tính đến cuối năm 2021, Credit Suisse có hơn 50.000 nhân viên và quản lý hơn 1.600 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 1.620 tỷ USD) tài sản.
Ngoài mảng kinh doanh trong nội địa Thụy Sĩ, Credit Suisse còn cạnh tranh trên toàn cầu ở các mảng như ngân hàng quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư và quỹ tài sản. Vì vậy, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã cho rằng Credit Suisse là một trong những ngân hàng toàn cầu quan trọng của Thụy Sĩ, mà nếu bị phá sản sẽ gây ra "tổn hại lớn cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Thụy Sĩ".
Vì sao Credit Suisse khiến giới đầu tư lo ngại?
Liên tiếp thua lỗ, nổi tiếng với những thất bại trong quản trị rủi ro và việc thay đổi cấp lãnh đạo cấp cao là những điều khiến nhà đầu tư lo ngại về tình hình sức khỏe tài chính của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ.
Credit Suisse đã phải tăng huy động vốn, tạm dừng mua lại cổ phiếu và cắt giảm cổ tức cũng như tăng cường quản trị rủi ro sau khi mất hơn 5 tỷ USD trong vụ sụp đổ quỹ Archegos hồi tháng 3/2021 của Bill Hwang. Thời điểm đó, ngân hàng cũng vướng đến vụ bê bối liên quan đến nhà tài chính Greensill.
Trước đó, năm 2020, một vụ bê bối gián điệp liên quan đến CEO Tidjane Thiam đã khiến ông này phải rời khỏi chức vụ. Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sĩ khi đó cho rằng Credit Suisse tự huyễn hoặc về quy mô kiểm soát của họ. Người kế nhiệm của ông là Thomas Gottstein cũng chỉ đảm đương vị trí CEO đến tháng 7/2022 cho đến khi Credit Suisse thuê một chuyên gia về tái cấu trúc Ulrich Koerner về làm CEO. Chỉ trong một năm, ngân hàng này đã hai lần xem xét lại chiến lược để tập trung vào mảng quản lý tài sản và thu hẹp mảng ngân hàng đầu tư.
Tháng 1/2022 vừa rồi, ông Axel Lehmann đã tiếp quản chức Chủ tịch của nhà băng này, thay thế ông Antonio Horta-Osorio, người đã từ chức vì vi phạm quy định cách ly trong thời dịch Covid-19 khi tại vị chưa đến 9 tháng.
Người tiền nhiệm của ông Horta-Osario là ông Urs Rohner khi từ chức vào năm ngoái cũng đã thừa nhận Credit Suissee đã làm khách hàng và cổ đông thất vọng và đó không phải là lần đầu tiên.
Chỉ trong 3 quý vừa qua, Credit Suisse đã lỗ gần 4 tỷ Franc Thụy Sĩ (tương đương khoảng 4 tỷ USD), trong khi chi phí tài chính tăng mạnh trong bối cảnh xếp hạng tín nhiệm bị hạ cấp.
Cả ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn là Moody's, S&P và Fitch hiện đang có cái nhìn tiêu cực về Credit Suisse
Dựa trên tiêu chí lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, các nhà phân tích đánh giá, Credit Suisse yếu hơn so với các ngân hàng đầu tư cùng ngành ở châu Âu.
CFPA - công ty nghiên cứu đầu tư của Mỹ - đã hạ mục tiêu giá cổ phiếu của Credit Suisse từ 4,5 franc Thụy Sĩ xuống 3,5 franc Thụy Sĩ. Điều này phản ánh tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị trên sổ sách (P/B) của ngân hàng này chỉ ở mức 0,22 so với mức trung bình 0,44 của các ngân hàng đầu tư châu Âu. CFRA cũng hạ dự báo EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) từ -0,20 xuống -0,30 franc năm 2022.
Là Lehman Brothers thứ 2?
Trong 3 tuần, từ đây cho đến ngày 27/10 khi Credit Suisse công bố báo cáo kinh doanh quý III, nhà đầu tư hoàn toàn có quyền nghi ngờ và lo lắng. Trong đó, câu hỏi quan trọng nhất lúc này là liệu hệ thống tài chính toàn cầu có chứng kiến một "khoảnh khắc Lehman" nữa hay không?
Hay nói cách khác là nếu Credit Suisse nộp đơn xin phá sản, liệu hệ thống tài chính toàn cầu có bị đe dọa, như trường hợp ngân hàng Lehman Brothers phá sản năm 2008?
Nói với CNBC, nhà kinh tế Mohamed El-Erian cho rằng: "Tôi không nghĩ đây là một Lehman Brothes thứ 2, nếu định nghĩa khoảnh khắc Lehman là sự rủi ro đối tác trong hệ thống ngân hàng".
"Nhưng tôi đồng ý rằng những gì mà chúng ta vừa nói, quan trọng là phản ứng của thị trường. Chính phản ứng của thị trường mới là điều thú vị ở đây", ông nói và cho rằng điều đó cho thấy mối lo ngại không chỉ là về các điều kiện tài chính thắt chặt, những sai lầm của ngân hàng trung ương, sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu và cả những vấn đề phi kinh tế khác.
"Cũng có những mối quan tâm về hoạt động của thị trường, và đó là những gì mà Anh và Credit Suisse đã thực sự cho chúng ta thấy rằng, hoạt động của thị trường sau nhiều năm lãi suất bị kìm nén bắt đầu có vấn đề", ông cho biết.
Ông Johann Scholtz, nhà phân tích cổ phiếu tại DBRS Morningstar, cũng cho rằng Credit Suisse là "một ngân hàng có vốn hóa rất tốt", nhưng vốn hóa đó vẫn "kém nhất so với các đối thủ cùng ngành". Tuy nhiên, mối nguy hiểm chính là tình huống tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 lặp lại. Đó là khách hàng sẽ không muốn giao dịch với các tổ chức tài chính vì lo sợ hiệu ứng domino và rủi ro đối tác.
"Tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư sẽ cho rằng tại sao ngân hàng cần tăng vốn nếu không có gì đáng ngại về khả năng thanh toán", ông nói.
Tuy nhiên, ông Scholtz bác bỏ ý kiến cho rằng "khoảnh khắc Lehman" sẽ xảy ra với Credit Suisse. Thực tế các thị trường đều biết có "vấn đề nghiêm trọng" với bảng cân đối kế toán của Lehman Brothers trong thời gian trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Nhưng hiện tại vẫn chưa có thông tin nào từ Credit Suisse cho thấy việc bút toán giảm có thể gây ra vấn đề với khả năng thanh toán của ngân hàng này.
"Khác với cuộc đại khủng hoảng tài chính, vốn hóa chủ sở hữu của không chỉ Credit Suisse mà của các ngân hàng đều cao hơn nhiều. Ngoài ra, đi kèm với đó là một cuộc đại tu hoàn chỉnh về cấu trúc vốn hóa ngân hàng, giống như nợ có thể mua được, cũng đã cải thiện khả năng thanh toán của các ngân hàng", ông nói.
Ông cho rằng, Credit Suisse "vẫn còn nhiều giá trị" ở các bộ phận. "Hoạt động kinh doanh quản lý tài sản vẫn là một ngành kinh doanh tốt", ông nói.
Ông Scholtz cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Credit Suisse sẽ hợp nhất với đối thủ trong nước là UBS vì cơ quan quản lý Thụy Sĩ khó "bật đèn xanh" cho điều đó. Ngoài ra, ông cho rằng thời điểm này rất khó để bán mảng ngân hàng đầu tư.
"Thị trường đang chịu nhiều áp lực, vì vậy việc bán một ngân hàng đầu tư trong hoàn cảnh hiện tại sẽ rất khó khăn", ông nói và tin rằng họ sẽ không huy động vốn bằng cách thanh lý mảng kinh doanh này.
Ông Boaz Weinstein, một trong những ông vua của các vụ hoán đổi nợ tín dụng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, cũng cho rằng, hơi phóng đại khi đánh đồng Credit Suisse với trường hợp Lehman Brothers.
Theo ông, những lo ngại về sức khỏe tài chính của Credit Suisse là quá khích bởi giá bảo hiểm, tức là CDS, mà các nhà đầu tư đang nắm giữ từ những công ty hiện nay như General Motor cũng đang cao ngang ngửa ngân hàng Thụy Sĩ này.
"Vậy có phải General Motors cũng đang sắp bị phá sản không? CDS của họ cũng tương đương với Credit Suisse", nhà sáng lập của Saba Capital Management đặt câu hỏi.
Ngoài ra, cũng có nhiều điểm khác biệt giữa Credit Suisse và Lehman Brothers. Đó là giống như các ngân hàng lớn khác, ngân hàng Thụy Sĩ cũng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra. Mức độ thanh khoản phải luôn lớn để đủ khả năng chống chọi với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Credit Suisse cũng không gây ra những rủi ro mang tính hệ thống vì những vấn đề của nó là đặc thù của ngân hàng Thụy Sĩ. Điều này khác với Lehman Brothers năm 2008, những khó khăn của ngân hàng phố Wall này cũng là vấn đề của các ngân hàng khác.
Mặt khác, không giống như Lehman Brothers, các nhà chức trách Thụy Sĩ sẽ không đời nào từ bỏ ngân hàng được coi là một trong những viên ngọc quý của nước này.
Các nhà phân tích từ Deutsche Bank và UBS, ngân hàng có tuổi đời 166 năm này không cần phải huy động lượng vốn lớn để củng cố tình trạng tài chính của mình.
Là nhà phê bình lâu năm về cách tiếp cận của Fed đối với vấn đề lạm phát, ông Komal Sri-Kumar, chủ tịch Sri-Kumar Global Strategies, lại có cái nhìn thận trọng hơn khi cho rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu có thể sẽ sớm đối mặt với một "sự kiện tín dụng" quan trọng sau khi vội vàng tăng lãi suất.
Với trường hợp Credit Suisse, ông cho rằng: "Có thể có hoặc không xảy ra khoảnh khắc Lehman". Theo ông, những sự kiện xảy ra mới đây với Credit Suisse cho thấy "nguy cơ thực sự của việc tính toán sai lạm phát trong một thời gian dài".
Ông Sir-Kumar cho rằng, những nỗ lực kiểm soát lạm phát như vậy rất nguy hiểm với các thị trường trên toàn thế giới. Nó mang lại rủi ro lớn cho hệ thống toàn cầu.
Hướng đi nào cho Credit Suisse?
Cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm hơn 55% trong năm nay, trong khi trái phiếu bằng đồng euro của ngân hàng này cũng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Giá các hợp đồng hoán đổi nợ tín dụng (CDS) đã tăng vọt trong phiên ngày 3/10 khi đóng cửa ở mức 355 điểm cơ bản, tăng 105 điểm so với phiên cuối tuần trước. Đây là mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ của ngân hàng này và tăng mạnh so với mức 57 điểm cơ bản hồi đầu năm.
Điều này đã gây sự hỗn loạn trong thị trường tài chính với 23% nhà đầu tư đặt cược khả năng Credit Suisse sẽ vỡ nợ trái phiếu trong 5 năm tới. Vốn hóa của ngân hàng cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục chỉ còn 9,73 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 9,85 tỷ USD).
Để trấn an các khách hàng lớn, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, CEO Koerner cho biết thanh khoản và nguồn vốn của ngân hàng vẫn ổn định.
Trong tuyên bố gửi cho nhân viên vào tuần trước, ông Koerner cam kết sẽ cập nhật thường xuyên "giai đoạn thử thách" này và cho biết Credit Suisse "đang đi đúng hướng" với việc xem xét chiến lược của mình.
"Tôi tin rằng các bạn không nhầm lẫn giữa hiệu suất giá cổ phiếu hàng ngày và nền tảng vốn mạnh mẽ cùng với vị thế thanh khoản của ngân hàng", ông Koerner nói.
Credit Suisse cho biết họ muốn tăng cường quyền quản lý tài sản, thu hẹp quy mô ngân hàng đầu tư trở thành một doanh nghiệp "ít vốn và thiên về tư vấn" và đánh giá lại các lựa chọn chiến lược cho mảng kinh doanh sản phẩm chứng khoán.
Các nhà phân tích ước tính, Credit Suisse sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn khoảng 4-6 tỷ franc Thụy Sĩ, tùy thuộc vào những gì mà họ làm để thu hẹp quy mô ngân hàng đầu tư và số tiền huy động được từ việc bán tài sản để tái cấu trúc và hỗ trợ tăng trưởng cũng như tạo ra vùng đệm an toàn.
"Việc bán tài sản sẽ có ích nhưng việc huy động 4 tỷ franc Thụy Sĩ sẽ đến dưới dạng cổ phiếu mới bị pha loãng. Tin tốt là hiện một phần của số này đã được phản ánh vào giá cổ phiếu", các nhà phân tích tại Keefe, Bruyette & Woods, nhận định.
Một lựa chọn khác là Credit Suisse có thể tăng vốn trực tiếp từ một cổ đông lớn hoặc cuối cùng, tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ Thụy Sĩ.
Nội dung: Nhật Linh