1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

UBS được, mất gì khi bỏ 3,2 tỷ USD để mua Credit Suisse?

Hạnh Vũ

(Dân trí) - UBS mua lại Credit Suisse được coi là sự sụp đổ đáng tiếc của một tổ chức 166 năm tuổi từng là biểu tượng của ngành ngân hàng Thụy Sĩ.

Ngày 19/3, UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã đồng ý mua lại đối thủ lâu năm đang gặp khó khăn lớn của mình là Credit Suisse với giá khoảng 3,2 tỷ USD. Mục đích của việc này là ngăn chặn cơn hoảng loạn tài chính đã càn quét trên toàn cầu trong tuần vừa qua.

Đây được coi là cuộc cải tổ sâu rộng nhất của lĩnh vực ngân hàng toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi những gã khổng lồ tài chính một thời bị đối thủ mua lại để tránh các cuộc khủng hoảng lớn hơn.

UBS bỏ ra 3,2 tỷ USD liệu có đáng?

Trụ sở toàn cầu của UBS và Credit Suisse chỉ cách nhau 300 mét ở Zurich. Tuy nhiên, có vẻ như vận may của họ gần đây đã rẽ theo những hướng rất khác nhau. Cổ phiếu của UBS đã tăng 15% trong hai năm qua và đơn vị này đạt lợi nhuận 7,6 tỷ USD vào năm 2022. Tính đến ngày 17/3, vốn hóa thị trường của UBS đạt mức 65 tỷ USD.

Trong khi đó, cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 84% giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng thua lỗ 7,9 tỷ USD trong năm ngoái và chỉ trị giá 8 tỷ USD khi thị trường đóng cửa ngày 17/3.

New York Times cho biết thỏa thuận mua lại chóng vánh đến mức UBS thậm chí còn không có thời gian để mô hình hóa đầy đủ tất cả các tác động tài chính của việc mua lại Credit Suisse.

UBS được, mất gì khi bỏ 3,2 tỷ USD để mua Credit Suisse? - 1

Trụ sở của UBS và Credit Suisse ở Zurich chỉ cách nhau vài trăm mét (Ảnh: Shutterstock).

Cho đến những phút cuối, cả Credit Suisse và UBS vẫn không chắc chắn rằng họ có thể đạt được thỏa thuận hay không vì chưa tìm được tiếng nói chung đối với các điều khoản. Theo nguồn tin thân cận, tối ngày 18/3, UBS đã đưa ra mức giá khoảng 1 tỷ USD nhưng hội đồng quản trị của Credit Suisse từ chối đề xuất này. Credit Suisse lập luận rằng chỉ riêng việc nắm giữ bất động sản của họ đã có giá trị như vậy.

Tuy nhiên, UBS lại là người mua lại khả thi duy nhất vì chính phủ Thụy Sĩ sẵn sàng đưa ra các điều khoản bảo vệ đặc biệt chỉ dành cho một tổ chức duy nhất. Colm Kelleher, Chủ tịch của UBS, nói với các nhà phân tích ngày 19/3: "Đây là một ngày lịch sử ở Thụy Sĩ, nhưng thành thật mà nói, một ngày mà chúng tôi hy vọng sẽ không đến".

Theo CNN, thỏa thuận mua lại Credit Suisse sẽ đem lại nhiều lợi ích cho UBS. Ngân hàng này có thể củng cố vững chắc hơn nữa vị thế đứng đầu của mình đồng thời vừa tăng cường hoạt động kinh doanh quản lý tài sản vừa giành được bộ phận ngân hàng bán lẻ được đánh giá cao của Credit Suisse.

Johann Scholtz - nhà phân tích tại Morningstar, nhận định rằng lợi ích mà UBS nhận được từ thương vụ trên lớn hơn nhiều so với số tiền 3,2 tỷ USD mà họ bỏ ra để mua lại Credit Suisse.

Việc tiếp quản Credit Suisse sẽ củng cố vị trí của UBS với tư cách là công ty quản lý tài sản hàng đầu thế giới với 5.000 tỷ USD tài sản đầu tư, đồng thời thúc đẩy tham vọng phát triển ở châu Mỹ và châu Á của ngân hàng.

Có thể đối mặt với các vụ kiện

Ngoài ra, là một phần của thỏa thuận, UBS về cơ bản sẽ đóng cửa ngân hàng đầu tư của Credit Suisse. Điều đó đồng nghĩa với việc UBS sẽ phải sa thải nhiều nhân viên của Credit Suisse.

Một số nhà phân tích cũng đưa ra khả năng UBS sẽ phải đối mặt với các vụ kiện tụng liên quan đến việc tiếp quản Credit Suisse. Về phần mình, các giám đốc cấp cao của UBS cho biết một số vấn đề gây tranh cãi nhất đã được quyết định bởi các cơ quan quản lý của chính phủ Thụy Sĩ.

Chủ tịch UBS - ông Colm Kelleher cho biết: "Việc mua lại này rất hấp dẫn đối với các cổ đông của UBS nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là trường hợp giải cứu khẩn cấp. Thỏa thuận hoàn toàn cần thiết đối với cấu trúc tài chính của Thụy Sĩ và cả nền tài chính toàn cầu".

Trong khi đó, Chủ tịch Credit Suisse - ông Axel Lehmann cho biết trong một tuyên bố: "Với những tình huống bất thường và chưa từng có gần đây, việc sáp nhập là giải pháp tốt nhất hiện có. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với Credit Suisse. Chúng tôi buộc phải đạt được thỏa thuận càng sớm càng tốt để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra".

Bên cạnh việc là ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ, Credit Suisse còn quản lý tài sản của nhiều người giàu nhất thế giới và cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư toàn cầu. Credit Suisse có hơn 50.000 nhân viên vào cuối năm 2022, trong đó, 17.000 người làm việc tại Thụy Sĩ. Trước khi sụp đổ, Credit Suisse được xếp hạng trong số 30 ngân hàng quan trọng nhất của hệ thống tài chính toàn cầu.

CEO của UBS - ông Ralph Hamers sẽ đảm nhiệm vai trò CEO của ngân hàng sau khi sáp nhập và ông Kelleher sẽ là chủ tịch. Theo ông Kelleher, hậu tiếp quản, UBS dự định sẽ điều chỉnh hoạt động của đơn vị mới phù hợp với văn hóa thận trọng với rủi ro vốn có của họ.

UBS được, mất gì khi bỏ 3,2 tỷ USD để mua Credit Suisse? - 2

Việc giải tán Credit Suisse là hậu quả mới nhất của sự sụp đổ của ngân hàng SVB (Ảnh: Sky News).

Hai ngã rẽ khác biệt

Được thành lập vào năm 1856, Credit Suisse đã trở thành trụ cột của nền tài chính Thụy Sĩ và từng có thời điểm ngang hàng với những gã khổng lồ của Mỹ như JPMorgan Chase. Trong khi đó, UBS ra đời sau nhiều thập kỷ sáp nhập giữa các công ty cho vay nhỏ hơn trên toàn quốc. Cả hai đều bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do đặt cược thất bại vào thị trường nhà ở của Mỹ.

Nhưng trong khi UBS hồi phục thì Credit Suisse lại gặp khó khăn. Credit Suisse chao đảo từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, phải nộp hàng tỷ USD tiền phạt vì liên quan đến một loạt vụ bê bối. Những biến động trong quản lý và nỗ lực cải cách thất bại dẫn tới thua lỗ cũng ảnh hưởng nhiều đến ngân hàng.

Một trong những khoản lỗ đáng kể của Credit Suisse là số tiền 5,5 tỷ USD liên quan đến sự sụp đổ của công ty đầu tư Archegos vào năm 2021.

Việc giá cổ phiếu Credit Suisse sụt giảm do ảnh hưởng của sự sụp đổ của ngân hàng SVB và Signature (Mỹ), đã khiến các lỗ hổng tồn tại lâu nay của ngân hàng Thụy Sĩ trở nên rõ ràng và đẩy nhanh sự sụp đổ của họ.

Việc UBS mua lại Credit Suisse được coi là sự sụp đổ đáng tiếc của một tổ chức 166 năm tuổi từng là biểu tượng của ngành ngân hàng Thụy Sĩ, đồng thời khuếch đại sức mạnh của UBS - một biểu tượng khác của ngành.

Các nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý của chính phủ Thụy Sĩ cho biết thỏa thuận trên là cách hiệu quả nhất để trấn an các nhà đầu tư về sức khỏe của lĩnh vực tài chính của quốc gia này cũng như hạn chế khả năng ảnh hưởng tới những nước khác.

Được thành lập năm 1856, Credit Suisse đã vươn lên vị trí dẫn đầu về tài chính và từng có thời điểm ngang hàng với những gã khổng lồ của Mỹ như JPMorgan Chase.

Tuy nhiên, ngân hàng có trụ sở tại Zurich này cũng bị phủ bóng đen bởi nhiều thập kỷ bê bối, những biến động trong quản lý và những nỗ lực cải cách thất bại, dẫn tới thua lỗ. Việc giá cổ phiếu Credit Suisse sụt giảm do ảnh hưởng của sự sụp đổ của ngân hàng SVB (Mỹ), đã khiến các lỗ hổng tồn tại lâu nay của ngân hàng Thụy Sĩ trở nên rõ ràng và đẩy nhanh sự sụp đổ của họ.

Colm Kelleher, Chủ tịch của UBS, nói với các nhà phân tích ngày 19/3: "Đây là một ngày lịch sử ở Thụy Sĩ, nhưng thành thật mà nói, một ngày mà chúng tôi hy vọng sẽ không đến".

Credit Suisse đã phải vật lộn để xoay chuyển tình thế trong những tháng gần đây nhưng sự kiện ngân hàng SVB và ngân hàng Signature sụp đổ đã góp phần làm trầm trọng hơn tình hình của ngân hàng Thụy Sĩ. Kể từ đó, thị trường đã trở nên đặc biệt cảnh giác với Credit Suisse.

Giá cổ phiếu và trái phiếu của Credit Suisse giảm mạnh trong cả tuần đó bất chấp nỗ lực của các nhà quản lý Thụy Sĩ nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Ngày 16/3, Credit Suisse thông báo sẽ vay 53,68 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ để ngăn chặn tình hình xấu đi.

Tuy nhiên, trước đó một ngày, chính phủ Thụy Sĩ đã liên hệ với UBS và yêu cầu ngân hàng này xem xét việc mua lại Credit Suisse. Là một phần của thỏa thuận, UBS về cơ bản sẽ đóng cửa ngân hàng đầu tư của Credit Suisse.

Việc giải tán Credit Suisse là hậu quả mới nhất của sự sụp đổ của ngân hàng SVB. Mặc dù là đơn vị cho vay quy mô tương đối trung bình hoạt động chủ yếu ở Mỹ nhưng sự sụp đổ nhanh chóng của SVB đã khiến các nhà đầu tư và người gửi tiền lo lắng về rủi ro tiềm ẩn ở các đơn vị khác trên thế giới.

Theo New York Times, CNN