Vụ rò rỉ dữ liệu tiết lộ bí mật động trời của "ông lớn" Credit Suisse

Nhật Linh

(Dân trí) - Một cuộc điều tra có tên Suisse Secrets đã tiết lộ Credit Suisse đã thất bại trong việc truy quét các khoản tiền bất hợp pháp từ các tài khoản của tội phạm, độc tài và tham nhũng.

Các hãng truyền thông quốc tế hôm qua đưa tin, nhiều năm qua, ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ Credit Suisse đã mở tài khoản cho những kẻ độc tài, tội phạm buôn ma túy, tội phạm chiến tranh và những kẻ buôn người.

Vụ rò rỉ dữ liệu tiết lộ bí mật động trời của ông lớn Credit Suisse - 1

Vụ rò rỉ cho thấy Credit Suisse đã thất bại trên diện rộng trong việc thẩm định và từ chối những khách hàng đáng ngờ và xử lý các khoản tiền bất hợp pháp (Ảnh: DW).

Từ dữ liệu bị rò rỉ do một người tố cáo cung cấp cho tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung (SZ), cuộc điều tra của Suisse Secrets đã tiết lộ các chủ sở hữu của hơn 100 tỷ franc Thụy Sĩ (109 tỷ USD) trong một tổ chức tài chính có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Tờ SZ, đài truyền hình NDRWDR của Đức, Guardian của Anh và New York Times của Mỹ nằm trong số 40 hãng truyền thông tham gia vào cuộc điều tra này.

Suisse Secrets đã khám phá ra điều gì?

Các hãng truyền thông đã phân tích dữ liệu bị rò rỉ từ 30.000 khách hàng của Credit Suisse từ khắp nơi trên thế giới. Các tài khoản này được mở từ những năm 1940 đến những năm 2010. Hơn 2/3 tài khoản đã được mở sau năm 2000 và nhiều tài khoản vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Những người bị phanh phui bao gồm một kẻ buôn người bị kết án ở Philippines, một ông chủ sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông bị bỏ tù vì tội hối lộ và một tỷ phú Ai Cập đã ra lệnh sát hại bạn gái ngôi sao nhạc pop người Lebanon.

Các khách hàng khác bao gồm nhiều nguyên thủ quốc gia và chính phủ, các bộ trưởng, nhân viên tình báo cũng như các nhà tài phiệt và doanh nhân có danh tiếng không rõ ràng.

Theo SZ, một cựu quản lý của Siemens bị kết tội hối lộ vào năm 2008 cũng được cho là có 6 tài khoản tại ngân hàng này. Năm 2006, một trong những tài khoản của cựu giám đốc Siemens đã có tài sản trị giá hơn 54 triệu franc Thụy Sĩ (hiện trị giá khoảng 51,66 triệu euro) - một khoản tiền mà SZ cho rằng không thể có được bằng đồng lương từ Siemens.

Vụ rò rỉ cũng tiết lộ các tài khoản bí mật được nắm giữ bởi Vua Abdullah II của Jordan, cựu Phó Thủ tướng Iraq Ayad Allawi, nhà chuyên quyền Algeria Abdelaziz Bouteflika và cựu Tổng thống Armenia Armen Sarkissian.

Ông Sarkissian đã từ chức hồi tháng 1, ngay sau khi SZ liên hệ với để hỏi về tài khoản của ông tại Credit Suisse. Cựu Tổng thống này cho biết ông đã đóng tất cả các tài khoản trước khi được yêu cầu kê khai tài sản.

Vụ rò rỉ cho thấy Credit Suisse đã thất bại trên diện rộng trong việc thẩm định và từ chối những khách hàng đáng ngờ và xử lý các khoản tiền bất hợp pháp đó.

SZ cho rằng những kẻ lừa đảo có thể đã mở tài khoản hoặc giữ tài khoản ngay cả khi "ngân hàng có thể đã biết từ lâu rằng họ đang giao dịch với tội phạm".

Vụ rò rỉ dữ liệu tiết lộ bí mật động trời của ông lớn Credit Suisse - 2

Trụ sở của Credit Suisse tại Thụy Sĩ (Ảnh: DW).

Credit Suisse bác bỏ cáo buộc

Ngay sau thông tin về cuộc điều tra này được đưa ra, ngân hàng Thụy Sĩ đã kịch liệt phủ nhận các cáo buộc và cho rằng cuộc điều tra dựa trên thông tin không đầy đủ, không chính xác.

"Các vấn đề được đưa ra chủ yếu mang tính lịch sử, trong một số trường hợp có từ những năm 1940, và các tài khoản của những vấn đề này dựa trên thông tin một phần, không chính xác hoặc có chọn lọc đưa ra khỏi ngữ cảnh, dẫn đến các diễn giải thiên lệch về hoạt động kinh doanh của ngân hàng", Credit Suisse cho biết.

Theo ngân hàng này, 90% tài khoản được trích dẫn trên đã bị đóng.

Đối với các tài khoản vẫn hoạt động, Credit Suisse cho biết họ "sẵn lòng tiến hành thẩm định, đánh giá và thực hiện các bước liên quan đến kiểm soát, phù hợp với khuôn khổ hiện tại của chúng tôi".

Theo tờ DW, Thụy Sĩ từ lâu là một trong những trung tâm tài chính không rõ ràng nhất thế giới. Nhưng trong những năm gần đây, đất nước này đã tìm cách xóa bỏ "tai tiếng" là thiên đường trốn thuế, rửa tiền và biển thủ quỹ chính phủ.

Các ngân hàng Thụy Sĩ hiện trao đổi thông tin về chủ tài khoản với một số quốc gia, nhưng không phải một số quốc gia nghèo nhất và tham nhũng nhất.

Cuộc điều tra cho thấy một số lượng lớn khách hàng trong dữ liệu của Suisse Secrets đến từ Venezuela, Ai Cập, Ukraine và Tajikistan.

Trong 2 thập kỷ qua, Credit Suisse đã dính hàng chục vụ bê bối và đã phải nộp phạt hơn 10 tỷ USD.

Trong tháng này, ngân hàng này cũng trở thành nhà cho vay lớn đầu tiên của Thụy Sĩ đối mặt với các cáo buộc về rửa tiền. Tuy nhiên, Credit Suisse đã phủ nhận cáo buộc này.