DNews

"Sức khỏe" Saigon Glory trong vụ lỡ hẹn thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu

Khổng Chiêm Thảo Thu

(Dân trí) - Saigon Glory lỗ hơn 152 tỷ đồng vào năm 2022, chậm thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành. Công ty cùng các bên liên quan đang lên phương án xử lý tài sản bảo đảm là dự án The Spirit of Saigon.

"Sức khỏe" Saigon Glory trong vụ lỡ hẹn thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu

Chậm thanh toán lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng

Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco, sau đây gọi tắt là Saigon Glory) hồi tháng 6-7-8 năm nay có gửi văn bản lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công bố về việc chậm thanh toán 5 lô trái phiếu với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng.

Các lô trái phiếu này có mã SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04 và SGL-2020,05, phát hành từ tháng 6-7/2020, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào tháng 6, tháng 7 năm nay. Tuy nhiên đến hạn thanh toán, Saigon Glory đã chậm thanh toán gốc hoặc gốc và lãi.

Lý do công ty nêu là thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi dẫn đến chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán đúng hạn so với kế hoạch.

Thời điểm đó, Saigon Glory cho biết đã thực hiện hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu. Tuy nhiên, tỷ lệ tham dự hội nghị không đủ để tổ chức. Do đó, công ty phối hợp cùng các bên liên quan lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản phê duyệt phương án gia hạn trái phiếu.

Trước khi chậm thanh toán, trong năm 2022, Saigon Glory đã thanh toán 40 đợt lãi trái phiếu với số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng.

Vào năm 2020, Saigon Glory huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua 10 lô lẻ, có kỳ hạn 3-5 năm và lãi suất tối thiểu năm đầu tiên 11%/năm. Trong đó, 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 6-7/2023 (đã lỡ hẹn thanh toán) và 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 8/2025.

Tháng 10/2022, sau "lùm xùm" về khả năng thanh toán trái phiếu trên thị trường tài chính liên quan vụ lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, Saigon Glory có cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 10.000 tỷ đồng trái phiếu này, theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, công ty mua 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn không muộn hơn 12/6/2023 còn giai đoạn 2 không muộn hơn 12/6/2024.

Phản ánh với phóng viên báo Dân trí, bà V.N.L (TPHCM) cho biết chưa được Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco, sau đây gọi tắt là Saigon Glory) thanh toán số tiền 262 triệu đồng đầu tư trái phiếu và toàn bộ lãi phát sinh từ sau ngày 13/6/2023 đến nay.

Bà L. cho biết, ngày 7/11/2022, bà đã mua 2.462 trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu (tương đương tổng 262,2 triệu đồng) do Sài Gòn Glory phát hành. Trái phiếu này được phát hành ngày 12/6/2020, có mã là SGL-2020.01. Đơn vị bà L. trực tiếp làm việc là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Bà L. nói thời điểm đó tin tưởng uy tín, năng lực công ty này và các thông tin mà đơn vị này đưa ra nên đã "xuống tiền".

Tài sản đảm bảo cho lượng trái phiếu này gồm 100% phần vốn góp của Công ty TNHH Sài Gòn Glory do Công ty Bitexco thế chấp, công trình trên đất hình thành trong tương lai là tháp A - cấu phần khách sạn, Văn phòng hình thành trên ô đất dự án.

Bà L. nói theo cam kết ban đầu, ngày 12/6/2023 là thời điểm đáo hạn trái phiếu và công ty có trách nhiệm thanh toán cả gốc lẫn lãi nhưng tới nay bà chưa nhận được.

Sức khỏe Saigon Glory trong vụ lỡ hẹn thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu - 1

Thông tin các lô trái phiếu do Công ty Saigon Glory phát hành.

Bà N.T.K.H (Hà Nội) cho biết, từ tháng 8/2022 đến tháng 11/2022, bà đã chi gần 1 tỷ đồng mua trái phiếu SGL-2020.01 do Sài Gòn Glory phát hành nhưng không được trả gốc và lãi như cam kết trên hợp đồng. Bà H. có tổng 5 hợp đồng mua trái phiếu, mỗi hợp đồng từ 100 triệu đồng đến 225 triệu đồng do Chứng khoán Tân Việt thu xếp mua - bán.

Theo cam kết của đơn vị này thể hiện trên hợp đồng, lãi suất trả cho bà H. là từ 9,1% đến 9,6%/năm, dù thời gian đầu tư của bà H. ngắn, thường dưới một năm. Đơn cử, theo bảng tính lợi tức và lịch thanh toán của Chứng khoán Tân Việt, khoản đầu tư mua trái phiếu 100 triệu đồng vào ngày 28/11/2022 và ngày đáo hạn là 28/9/2023 có lãi suất 9,6%/năm.

Hay khoản đầu tư 170 triệu đồng mua trái phiếu vào ngày 10/10/2022 và ngày đáo hạn là 8/2/2023 có lãi suất 9,1%/năm, bà H. cho biết vì bà mua kỳ hạn ngắn nên mức lãi suất ở mức này, trong khi đó nhiều người có mức lãi suất 11-12%/năm... Chi gần 1 tỷ đồng và hiện nắm giữ 5 hợp đồng mua - bán trái phiếu song bà H. cho biết không nhận được tiền như cam kết. Hiện bà H. đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng với hy vọng đòi lại quyền lợi chính đáng.

Saigon Glory làm ăn ra sao?

Theo thông tin doanh nghiệp công bố lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2022, Saigon Glory lỗ hơn 152,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 290,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm so với cùng kỳ, còn hơn 6.847 tỷ đồng.

Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 3,99 lần. Như vậy tương ứng, công ty có hơn 27.300 tỷ đồng nợ phải trả.

Sức khỏe Saigon Glory trong vụ lỡ hẹn thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu - 2

Thông tin tài chính Saigon Glory báo cáo lên HNX (Nguồn: HNX).

Theo thông tin mới nhất, Saigon Glory và các bên liên quan đang bàn thảo về việc xử lý tài sản bảo đảm, giải quyết quyền lợi cho trái chủ.

Biên bản họp mới đây giữa các bên liên quan thể hiện Saigon Glory đã "hẹn" với đại diện người sở hữu trái phiếu (Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt) và ngân hàng tổ chức quản lý tài sản bảo đảm (Techcombank) là trước ngày 31/11 bàn giao hồ sơ xử lý tài sản bảo đảm.

Tài sản bảo đảm là phần vốn góp của Saigon Glory và bất động sản hình thành trong tương lai của tháp A thuộc dự án The Spirit of Saigon - dự án được doanh nghiệp này triển khai ngay đối diện chợ Bến Thành, quận 1, TPHCM. The Spirit of Saigon cũng được biết đến là từng "qua tay" các đơn vị phát triển là Masterise Homes, Viva Land.

Theo phương án Techcombank đề xuất, tài sản bất động sản trên sẽ được  bán đấu giá. Theo điều khoản tại hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ được chi trả cho các khoản chi phí để xử lý tài sản bảo đảm, thuế, phí… sau đó sẽ được sử dụng thanh toán cho trái chủ. Số tiền còn thừa nếu có sẽ được hoàn trả cho các bên bảo đảm.

Trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm vẫn không đủ để thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu thì Saigon Glory có nghĩa vụ thanh toán tiếp theo quy định tại Điều 307 Bộ Luật Dân sự.

Sức khỏe Saigon Glory trong vụ lỡ hẹn thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu - 3

Saigon Glory là chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon, đối diện chợ Bến Thành nhưng nhiều tháng nay, công trình ngừng thi công (Ảnh: Khổng Chiêm).