Ngậm "trái đắng" với trái phiếu Saigon Glory
(Dân trí) - Saigon Glory chậm thanh toán 5.000 tỷ đồng trái phiếu, trái chủ mong nhận được gốc, lãi; ngân hàng họp bàn phương án xử lý tài sản bảo đảm là dự án The Spirit of Saigon đối diện chợ Bến Thành.
Trái chủ ngậm "trái đắng"
Chị P.Lam (TPHCM) kể chị dùng 5 tỷ đồng mua trái phiếu thuộc lô SGL-2020.02 do Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco, sau đây gọi tắt là Saigon Glory) phát hành. Mục đích phát hành để thực hiện dự án The Spirit of Saigon - Khu văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, khách sạn 6 sao ngay trung tâm quận 1, TPHCM, đối diện chợ Bến Thành.
Tuy nhiên, chị Lam cho biết mới chỉ được trả 2 lần lãi trái phiếu, mỗi lần hơn 100 triệu đồng rồi không được trả thêm. Thậm chí đã quá thời gian đáo hạn, Saigon Glory phải thanh toán gốc trái phiếu nhưng chị cũng không nhận được thông báo gì từ chủ đầu tư này. Tiền gốc không được nhận, lãi cũng "mất hút", chị Lam cho biết việc này ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của gia đình chị.
"Saigon Glory từng gửi văn bản xin ý kiến gia hạn lô trái phiếu nhưng tôi không đồng ý. Tuy nhiên từ đó, công ty cũng không phản hồi gì. Công ty không trả lãi, trả gốc cũng không thông báo với tôi. 5 tỷ đồng là khoản tiền lớn với gia đình tôi, tôi có thể bỏ qua phần lãi nhưng Saigon Glory phải trả lại số tiền gốc cho tôi", chị Lam nói.
Lô trái phiếu chị Lam mua chỉ là một trong 10 lô trái phiếu mà Sài Gòn Glory đã phát hành với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 5.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 6-7 năm nay, nhưng Sài Gòn Glory đã chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cả tiền gốc và lãi. Còn 5.000 tỷ đồng còn lại sẽ được đáo hạn vào tháng 8/2025.
Với việc Sài Gòn Glory chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán, dự án này đang được đưa ra phương án xử lý tài sản bảo đảm
Đề nghị xử lý tài sản bảo đảm
Đại diện người sở hữu trái phiếu (Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt), ngân hàng tổ chức quản lý tài sản bảo đảm là Techcombank, ông Vũ Quang Bảo - Tổng giám đốc Saigon Glory - có cuộc họp mới đây vào ngày 6/10 tại trụ sở chính của Chứng khoán Tân Việt (Hà Nội).
Biên bản cuộc họp được thống nhất bởi Chứng khoán Tân Việt và ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo, còn Saigon Glory đề xuất lược bỏ nội dung về giá trị tài sản bảo đảm của trái phiếu và không đồng ý ký xác nhận vào biên bản.
Theo biên bản, từ tháng 6 năm nay, Techcombank đã 5 lần yêu cầu Saigon Glory định giá lại tài sản bảo đảm nhưng không nhận được phản hồi. Tháng 9 vừa rồi, ngân hàng đã tạm ứng chi phí để thực hiện định giá lại.
Cụ thể, giá trị tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai của tháp A (chưa xây dựng xong) được định giá lại là 4.653 tỷ đồng theo Chứng thư định giá ngày 30/8/2023 của Công ty TNHH DPV (đối tác nhượng quyền được sử dụng thương hiệu của Tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ bất động sản Colliers tại Việt Nam).
Giá trị tài sản bảo đảm là phần vốn góp của Saigon Glory được định giá lại là âm 1.028 tỷ đồng căn cứ theo báo cáo đánh giá phần vốn góp tháng 9/2023 của Công ty cổ phần Chứng khoán DSC - chi nhánh TPHCM.
Ngân hàng giải thích trước đây, giá trị tháp A theo Chứng thư định giá của Thẩm định giá Indochina là 11.551 tỷ đồng - là giá trị của tháp A sau khi đã được hoàn thành xây dựng tại thời điểm 31/12/2024 với giả định Saigon Glory đủ tiền để hoàn thành dự án.
Cần lưu ý, báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Saigon Glory nêu dùng 9.915 tỷ đồng trên 10.000 tỷ đồng trái phiếu huy động để cơ cấu nợ, dùng 85 tỷ đồng để xây dựng dự án.
Tháng 9 năm nay, thực tế tháp A đang xây dựng được 4 tầng thô (thuộc khối tháp), Saigon Glory đã dừng xây dựng và chưa có kế hoạch tiếp tục xây dựng cụ thể. Đồng thời, trong báo cáo Đánh giá giá trị phần vốn góp Saigon Glory của Công ty chứng khoán DSC, trên tài khoản của Saigon Glory không có đủ tiền để xây dựng.
Công ty đang có khoản phải thu hơn 19.000 tỷ đồng với bên thứ 3 đã quá hạn và được DSC đánh giá khó khả năng thu hồi. Vì vậy, Công ty TNHH DPV đã đánh giá tại tài sản tháp A với hiện trạng chưa xây dựng xong là 4.653 tỷ đồng.
Đối với tài sản là phần vốn góp Công ty Saigon Glory, ban đầu giá trị ký thế chấp là 7.000 tỷ đồng. Tại tháng 9/2023, theo kết quả đánh giá độc lập với DSC, các tài sản của công ty bao gồm dự án, tiền mặt, khoản phải thu được đánh giá không đủ để trả tổng khoản nợ của doanh nghiệp (khoảng 32.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong đó khoản tổn thất lớn nhất trong tài sản của Saigon Glory là khoản phải thu với bên thứ 3 trị giá hơn 19.000 tỷ đồng được đánh giá khó có khả năng thu hồi hết. Do đó, phía ngân hàng kết luận giá trị hợp lý của vốn góp chủ sở hữu tại ngày 1/9/2023 ở mức âm 1.028 tỷ đồng đối với kịch bản cơ sở.
Biên bản cho biết ngay trong cuộc họp, ngân hàng đề nghị Saigon Glory bàn giao tài sản bảo đảm (bàn giao hồ sơ và bàn giao thực địa, ký các hợp đồng ủy quyền theo yêu cầu để phục vụ việc bán đấu giá tài sản) trước ngày 31/10/2023.
Theo ý kiến của ngân hàng, trường hợp buổi đấu giá chưa diễn ra hoặc diễn ra chưa thành công, các bên có quyền thỏa thuận tìm người mua nhưng cần có sự chấp thuận của người sở hữu trái phiếu trước khi bán cho người mua đó. Trường hợp phiên đấu giá diễn ra thành công, Saigon Glory không được quyền tìm kiếm người mua.
Theo điều khoản tại hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ được chi trả cho các khoản chi phí để xử lý tài sản bảo đảm, thuế, phí… sau đó sẽ được sử dụng thanh toán cho trái chủ. Số tiền còn thừa (nếu có) sẽ được hoàn trả cho các bên bảo đảm.
Trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm vẫn không đủ để thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu thì Saigon Glory có nghĩa vụ thanh toán tiếp theo quy định tại Điều 307 Bộ Luật Dân sự.
Saigon Glory hẹn trước ngày 31/11 bàn giao hồ sơ xử lý tài sản bảo đảm
Công ty TNHH Saigon Glory vừa gửi văn bản phản hồi đến ngân hàng và Chứng khoán Tân Việt để làm rõ một số nội dung quan đến việc bàn giao tài sản bảo đảm.
Saigon Glory cho biết, các bên liên quan chưa thừa nhận về giá trị tài sản bảo đảm là phần vốn góp tại Saigon Glory được định giá 0 đồng. Vì thế, việc thay đổi giá trị của tài sản này thành âm 1.028,3 tỷ đồng là chưa phản ánh đúng nội dung cuộc họp giữa các bên. Đến nay, công ty vẫn chưa nhận được các chứng thư định giá cùng báo cáo thẩm định giá đối với tài sản bảo đảm từ ngân hàng bằng bất kỳ hình thức nào.
Saigon Glory cho biết kể từ sau buổi họp 3 bên ngày 6/10 đến nay, ngân hàng vẫn chưa làm rõ được quy trình bàn giao tài sản bảo đảm, chưa gửi danh sách nhân sự phụ trách tiếp nhận tài sản bảo đảm cũng như các hồ sơ bàn giao cần có văn bản phê duyệt của Hội đồng thành viên Saigon Glory thông qua việc bàn giao tài sản bảo đảm.
Saigon Glory cho hay vẫn đang thực hiện việc rà soát phân nhóm hồ sơ bàn giao và gặp phải khó khăn do các thành viên của Hội đồng thành viên không tham gia các buổi họp khi được triệu tập để đối chiếu số liệu sổ sách công ty.
Do đó, công ty này đề nghị dời lịch bàn giao các hồ sơ liên quan đến khi các nội dung nói trên đã được các bên làm rõ, mục tiêu là có thể thực hiện trước ngày 31/11 như nội dung đã trao đổi tại cuộc họp ngày 6/10.
Công ty cũng cho biết sẽ phối hợp cung cấp và nỗ lực thực hiện nhằm sớm bàn giao để thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định của các hợp đồng thế chấp và văn kiện trái phiếu đã phát hành, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các bên liên quan, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Vào năm 2020, Công ty TNHH Saigon Glory huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua 10 lô lẻ, có kỳ hạn 3-5 năm và lãi suất tối thiểu năm đầu tiên 11%/năm. Trong đó, 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 6-7/2023 và 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 8/2025.
Tháng 10/2022, sau "lùm xùm" về khả năng thanh toán trái phiếu trên thị trường tài chính liên quan vụ lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, Saigon Glory có cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 10.000 tỷ đồng trái phiếu này, theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, công ty mua 5.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn không muộn hơn 12/6/2023 còn giai đoạn 2 không muộn hơn 12/6/2024.
Tháng 4 vừa qua, Saigon Glory có báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của năm 2022 lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Trong năm 2022, công ty này có 40 đợt thanh toán lãi trái phiếu cho 10 lô phát hành bên trên, tổng thanh toán gần 1.110 tỷ đồng.