DNews

Phương thức nào khiến hàng nghìn người lao vào công ty huy động vốn? (Kỳ 3)

Cát Sinh

(Dân trí) - Dù báo cáo tài chính năm 2022 là âm hoặc lỗ nhưng Công ty Tâm Lộc Phát, Nhật Nam và Capel vẫn được quảng bá rằng đang có hàng trăm nghìn người tham gia với số tiền "cực khủng".

Phương thức nào khiến hàng nghìn người lao vào công ty huy động vốn? (Kỳ 3)

"Làm giàu không khó"

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam), Công ty CP Truyền thông Tâm Lộc Phát (Công ty Tâm Lộc Phát), Công ty Cổ phần Tập đoàn Capel (Công ty Capel) công khai nói rằng họ đã thu hút được hàng trăm nghìn người tham gia.

Tại hội nghị khách hàng của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam mà phóng viên tham dự, Hằng, người tự giới thiệu là trưởng phòng kinh doanh nói rằng, hiện số lượng khách hàng cũ của Tập đoàn này khoảng 30.000 người ở 30 chi nhánh trên toàn quốc.

Phương thức nào khiến hàng nghìn người lao vào công ty huy động vốn? (Kỳ 3) - 1

Hoạt động đào tạo Sales của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam (Ảnh: Trương Tuân).

Cũng theo nhân viên của đơn vị này quảng cáo, công ty Sông Đà Invest mỗi tuần đều tổ chức từ một đến hai hội thảo để thu hút các nhà đầu tư mới. Theo họ, trong số những người tham gia góp vốn vào công ty này, người ít thì tham gia vài chục triệu đồng, người trung bình thì vài trăm triệu, người nhiều là vài tỷ và có những người đầu tư hàng chục tỷ đồng (?). 

Về công ty Tâm Lộc Phát, cả nhân viên tư vấn trực tiếp và nhân viên tư vấn qua zalo cho phóng viên Dân trí đều khẳng định rằng, hiện tại công ty này có khoảng 10 nghìn nhà đầu tư. Những nhà đầu tư này thường bắt đầu với số tiền khoảng 50 triệu đồng, sau một thời gian thấy phân chia lợi nhuận đều sẽ tăng lên và đăng ký thêm các hợp đồng khác lớn hơn.

Theo họ, có không ít người đầu tư từ 500 triệu đồng trở lên vào Công ty Tâm Lộc Phát (?). 

Phương thức nào khiến hàng nghìn người lao vào công ty huy động vốn? (Kỳ 3) - 2

Hình ảnh được cho là hội nghị khách hàng trên 500 người, do nhân viên kinh doanh của Tâm Lộc Phát cung cấp.

Trong một hội nghị khách hàng tổ chức tại Hải Phòng cuối năm 2021, lãnh đạo công ty Capel nói rằng, họ đã đạt được khoảng 60 nghìn khách hàng tham gia đầu tư cùng công ty và dễ dàng chinh phục mục tiêu 100 nghìn người đầu tư cùng Capel trong năm 2022.

Mục tiêu được công ty huy động vốn đặt ra: 100 nghìn người tham gia đầu tư vào Công ty Capel (Video: Cát Sinh)

Điểm chung của 3 công ty này là có số lượng người tham gia lên đến hàng chục nghìn người ở mỗi công ty, với số tiền góp vốn rất lớn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính lại không thể hiện hoặc thể hiện một phần rất nhỏ. Kết quả hoạt động kinh doanh bết bát, thậm chí lỗ vốn nhưng vẫn hứa trả lãi cho nhà đầu tư từ 38% đến 100%.

Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại huy động được nhiều người tham gia như vậy, phải chăng các nhà đầu tư kia họ không thấy bất thường và bất an khi nhận mức lãi suất cao đến vô lý như vậy? Hoặc, các công ty này có phương thức gì đặc biệt khiến hàng trăm nghìn người tin theo?

Điều này cần cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ.

"Mật ngọt" khiến nhà đầu tư trở thành... thiêu thân

Theo PGS. TS Kinh tế Đinh Trọng Thịnh, đầu tiên, các công ty huy động vốn có nhiều biểu hiện không minh bạch về tài chính sẽ dùng thủ đoạn trả lãi cao bất thường để đánh vào lòng tham của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các công ty này biết rõ tâm lý đề phòng của nhà đầu tư nên họ tìm mọi cách để có được lòng tin của khách hàng, khiến họ yên tâm rút hầu bao và giới thiệu thêm người thân tham gia hệ thống.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, đầu tiên các công ty huy động vốn sẽ "nhả cho ăn" thời gian đầu để nhà đầu tư tin tưởng và yên tâm. Nhiều người sau khi được các công ty huy động vốn trả tiền lại dồn vào, vay thêm để "chơi gói to hơn".

Các công ty này còn liên tục đưa ra chính sách trả hoa hồng và thưởng cho những người đã tham gia hệ thống giới thiệu được người mới đầu tư vào. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, mạng lưới các nhà đầu tư tham gia vào các công ty huy động vốn đã dày đặc.

Vị giảng viên kinh tế nói thêm, thủ đoạn tiếp theo mà các công ty huy động vốn làm ăn bất minh sử dụng để củng cố niềm tin của nhà đầu tư là tạo ra các hội thảo hoành tráng ở những khách sạn đẳng cấp, thuê trụ sở công ty ở vị trí đắc địa, văn phòng đẹp, nhân viên ăn mặc sang trọng, đẳng cấp. Đặc biệt, họ mời những chuyên gia có uy tín về kinh tế, pháp luật làm cố vấn cho công ty, thường là các chuyên gia đã nghỉ hưu. 

Ngoài ra, một số đơn vị còn tung tin có "ông này, ông kia" làm to cũng cổ phần góp vốn vào công ty nên trong các sự kiện đặc biệt họ cử người mang hoa đến chúc mừng.

"Các công ty này tạo ra những hạng mục kinh doanh, nghe rất hợp thời, có khả năng sẽ thu được lợi nhuận lớn nhưng lại không công bố kết quả kinh doanh cho nhà đầu tư biết. Nhà đầu tư cũng khó kiểm chứng được chất lượng thật, ảo của các dự án, hạng mục kinh doanh của các công ty này".

Ông Thịnh chỉ ra điểm giống nhau ở các công ty huy động vốn có biểu hiện bất minh về tài chính mà ông khẳng định việc "sập" chỉ là vấn đề thời gian.

Nhiều công ty huy động vốn đưa ra các lĩnh vực kinh doanh "hot" nhưng báo cáo tài chính lại cho thấy hầu như không có dòng tiền. Vậy, tiền ở đâu để họ trả cho hàng nghìn nhà đầu tư với mức lãi cao gấp nhiều lần ngân hàng là câu hỏi cần cơ quan chức năng gấp rút vào cuộc điều tra, làm rõ.

Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các công ty này có biểu hiện của hình thức huy động vốn theo mô hình Ponzi. Họ không có hoạt động sản xuất kinh doanh thực chất, có thì rất ít chỉ mang tính chất đối phó, tượng trưng. Bản chất là các công ty này lấy tiền của người trước trả cho người sau, đến khi không có người mới đầu tư vào nữa thì mất khả năng chi trả, công ty sập. 

"Công ty sập thì cả người vào trước và người vào sau đều mất tiền. Vì người vào trước lấy được tiền lại đầu tư thêm các gói khác to hơn. Người vào sau thì chỉ lấy được vài lần rồi công ty không trả nữa. Ví dụ, họ tham gia 1 tỷ đồng và theo cam kết sẽ trả trong 8 tháng, nhưng mới trả được 1 vài tháng, thậm chí chưa được 1 tháng công ty đã ngưng trả", ông Thịnh phân tích.

Nội dung, hình ảnh, video: Cát Sinh