DNews

Công ty huy động vốn bội ước, nhà đầu tư... chờ chết! (Kỳ 4)

Cát Sinh

(Dân trí) - Công ty Nhật Nam và Công ty Capel ngưng phân chia lợi nhuận, ra thông báo hứa trả tiền rồi thất hứa. Hàng loạt nhà đầu tư điêu đứng. Có người cấp cứu không có tiền chạy chữa, nằm chờ chết.

Công ty huy động vốn bội ước, nhà đầu tư... chờ chết! (Kỳ 4)

"Có lẽ mẹ em chết cũng không đòi được tiền"

Đó là chia sẻ của anh Mạc Văn Hữu, con trai bà Bùi Thị Dung (55 tuổi, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) khi bà này cầm sổ đỏ và vay mượn nhiều nơi để đầu tư 2,1 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam. Tuy nhiên, anh Hữu cho biết, bà Dung mới chỉ thu về được hơn 200 triệu đồng thì công ty Nhật Nam ngừng chi trả.

Theo anh Hữu, nhiều tháng trời không được Công ty Nhật Nam trả tiền như cam kết, bà Dung quay cuồng với các khoản nợ khiến sức khỏe và tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến tháng 4 vừa qua, bà Dung đang đi xe máy thì bị tai nạn nặng phải nhập viện cấp cứu.

"Gia đình không còn tiền chạy chữa nên đến công ty trình bày hoàn cảnh, xin được trả một khoản tiền như cam kết để cứu người nhưng công ty Nhật Nam chỉ im lặng", anh Hữu kể lại.

Hiện tại, bà Dung rơi vào tình trạng tột cùng khó khăn. Bà có 2 con trai và một con gái, tất cả đã lập gia đình nhưng kinh tế đều khó khăn. Anh Hữu cho biết, mẹ mình đã bị bệnh viện trả về mấy tháng nay và không còn biết gì. 

Công ty huy động vốn bội ước, nhà đầu tư... chờ chết! (Kỳ 4) - 1

Anh Hữu cho biết, đến sáng 1/8/2023, bà Dung vẫn nằm bất động trên giường (Ảnh: NVCC).

Anh cùng nhiều nhà đầu tư lên Công ty Nhật Nam đòi tiền nhiều lần nhưng không được. Ngân hàng liên tục ra thông báo đòi tiền nhưng gia đình không thể xoay sở để trả. Anh nói với nhân viên ngân hàng "giờ chị có xiết nhà em cũng phải chịu, gia đình đã cạn kiệt".

Vừa phải đi làm nuôi gia đình nhỏ, các con bà Dung phải đối mặt với những khoản nợ lớn bà Dung vay mượn lúc còn tỉnh táo. Thêm nữa, mỗi tháng phải thuê người chăm mẹ hết 10 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc, các con bà Dung phải chia nhau cùng gánh vác.

"Có lẽ đến lúc mẹ em chết cũng không đòi được tiền của Công ty Nhật Nam", anh Hữu chia sẻ.

Ông Bùi Dũng Phước (83 tuổi, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) là một thương bệnh binh tỷ lệ 81% với tiền sử bệnh động kinh có rối loạn tâm thần, không còn sức lao động và hoàn cảnh gia đình neo đơn.

Công ty huy động vốn bội ước, nhà đầu tư... chờ chết! (Kỳ 4) - 2

Xác nhận của cơ sở y tế cho thấy ông Phước là thương binh 81% (Ảnh: NVCC).

Ông Phước gom góp cả đời lao động cùng tiết kiệm từ tiền chính sách nhà nước hỗ trợ được 500 triệu đồng, sau khi được mời đi hội thảo và được rỉ tai: "ông không phải làm, chỉ cần đầu tư vào đây những người tài giỏi và uy tín kia sẽ làm thay ông".

Tin tưởng những lời quảng cáo và hình ảnh công ty Nhật Nam tạo ra, 28/10/2022, người thương binh tuổi "bát tuần" rút toàn bộ 500 triệu đồng tham gia kí hai hợp đồng hợp tác kinh Doanh với Công ty này.

Tuy nhiên, ông Phước cho biết, đến thời điểm này ông chỉ nhận được 34,8 triệu đồng tiền "phân chia lợi nhuận" từ Công ty Nhật Nam. Số tiền gốc còn lại 465,2 triệu đồng của ông đến giờ vẫn không lấy được.

Ông Phước cho biết, sau khi không trả tiền như cam kết, Công ty Nhật Nam liên tục hứa hẹn sẽ trả tiền nhưng lại sai hẹn. Đến tháng 2 năm nay, ông Phước được nhân viên của công ty này tư vấn chuyển đổi từ hợp đồng cũ sang hợp đồng mới thì sẽ được trả tiền sớm hơn. Tin lời tư vấn, ông Phước lại chuyển đổi hợp đồng nhưng kết quả ông vẫn không nhận được tiền.

Công ty huy động vốn bội ước, nhà đầu tư... chờ chết! (Kỳ 4) - 3

Ông Phước cho biết mình đã chuyển đổi 2 hợp đồng theo hướng dẫn của nhân viên công ty nhưng cũng không được trả tiền như cam kết (Ảnh: NVCC).

Theo người thương binh này, trong buổi gặp mặt đối chất với các nhà đầu tư, bà Vũ Thị Thúy, chủ tịch Công ty Nhật Nam đã cam kết sẽ trả tiền bình thường trở lại vào tháng 6/2023. Tuy nhiên, đến thời điểm ông Phước viết lá đơn này gửi Dân trí là ngày 27/7, đúng ngày thương binh liệt sỹ, ông Phước vẫn không nhận được thêm đồng nào từ Công ty này.

Công ty huy động vốn bội ước, nhà đầu tư... chờ chết! (Kỳ 4) - 4

Có những người đầu tư nhiều hợp đồng với số tiền vài tỷ đồng vào Công ty Nhật Nam rồi bị mắc kẹt với nợ nần (Ảnh: Cát Sinh).

Trước khi đầu tư, ông Phước đã từng được con cháu can ngăn nhưng không nghe, còn bảo "đưa tiện cho những người thông minh kinh doanh hộ mình thì kiểu gì chả được". Đến khi không được như lời hứa, ông Phước xấu hổ với con cháu và hầu như không đi các đám thứ ở quê nữa, phần vì ngại, phần vì không còn tiền.

Ông Phước cho rằng vì tin những thông tin trong hội nghị của Công ty Nhật Nam nên ông mới bị mắc lừa (Video: NVCC).

"Tôi rất bức xúc và căm hận, họ không chỉ làm tôi khổ mà còn làm bao nhiêu người tan cửa nát nhà. Có những người đi vay để đưa tiền nay cũng chưa lấy được", ông Phước bức xúc.

Cắm sổ ngân hàng, bán trâu gom tiền đầu tư

Bà Lê Thị Nương ở Thanh Hóa cho biết, mình cắm sổ ngân hàng để vay 200 triệu đồng, gom thêm tiền nhà đầu tư vào Capel tổng cộng 613 triệu đồng. Theo bà, khi phát hiện mình đầu tư vào công ty này, bà bị chồng phản ứng rất quyết liệt, hai vợ chồng cự cãi đến mức chồng bà bị đột quỵ. 

Chưa hết, bà Nương còn giới thiệu anh em họ hàng đầu tư hơn 1 tỷ đồng vào Capel. Trong đó, có trường hợp bác bà Nương, gia cảnh không có tiền, chỉ có 2 con trâu làm vốn. Bà Nương cho biết, mình quá tin tưởng Capel nên nói với bác rằng bán 2 con trâu đi đầu tư vào đây, chỉ 24 tháng sau thì sẽ được 6 con trâu. 

Công ty huy động vốn bội ước, nhà đầu tư... chờ chết! (Kỳ 4) - 5

Nhiều người cho biết, vì trót ký đồng hợp tác đầu tư với Công ty Caple khiến họ khổ sở (Ảnh: Cát Sinh).

Tin lời bà Nương, bác bà bán 2 con trâu được 48 triệu đồng đầu tư hết vào Capel. Nhưng mới lấy được 7 triệu thì công ty này không trả nữa. "27 tết tôi phải đi vay nóng 20 triệu đồng đưa cho bác ăn tết, còn 20 triệu đồng tôi xin khất chứ giờ tôi cũng không có tiền đền cho bác", bà Nương chia sẻ.

Sau nhiều lần không có cách nào gặp được ông Lã Quốc Trưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty Capel, khoảng giữa tháng 3 năm nay, các nhà đầu tư đã kéo đến văn phòng đại diện của công ty này tại Hà Nội (Lô A2/D21, KĐT mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và gặp được bà Hà Thị Nga, Tổng giám đốc Công ty Capel để đòi quyền lợi.

Tại đây,  một nhà đầu tư lớn tuổi tại Hà Nội cho biết, riêng bản thân ông đầu tư vào Capel 6 tỷ đồng, con trai ông đầu tư 2 tỷ đồng nhưng không hề biết Công ty Capel mang tiền đi đâu, đầu tư vào lĩnh vực nào, ông đã yêu cầu nhiều lần nhưng công ty không trả lời.

Một phụ nữ khác nói, nếu theo đúng hơp đồng thì Công ty Capel phải phân chia lợi nhuận. Bây giờ tất cả các nhà đầu tư cùng đồng lòng, không lấy lợi nhuận nữa, chỉ cần công ty trả gốc thôi. Một nhà đầu tư khác nói, hợp đồng ghi rõ, nếu công ty không trả tiền đúng hạn thì 3 tháng phải thanh lý hợp đồng, trả tiền gốc cho nhà đầu tư, yêu cầu công ty làm đúng hợp đồng.

Bà Hà Thị Nga, TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Capel cho biết, mình không cầm tiền của nhà đầu tư nên không có quyền quyết định. Bà Nga hứa sau một tuần nữa, tức là chậm nhất đến 23/3/2023, công ty sẽ có văn bản trả lời chính thức cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư khẳng định vẫn không nhận được tiền như cam kết. 

Các nhà đầu tư cho biết, văn phòng Công ty Cổ phần Tập đoàn Capel tại Hà Nội đã đóng cửa. Họ không cách nào liên lạc được với lãnh đạo công ty này, gọi điện không nghe máy, nhắn tin không trả lời.

Luật sư Lê Khắc Vịnh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, thời gian vừa qua "nở rộ" tình trạng các doanh nghiệp huy động vốn thông qua nhiều hình thức như đầu tư mua cổ phần, trái phiếu, góp vốn, hợp tác kinh doanh… có dấu hiệu lừa đảo, huy động vốn trái phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Thực tế nhiều nhà đầu tư đã thế chấp, cầm cố nhà đất các tài sản khác hoặc vay mượn tiền của người thân, gia đình, bạn bè để lấy tiền đầu tư. Khi các doanh nghiệp huy động vốn mất khả năng thanh toán cho nhà đầu tư thì dẫn đến việc các nhà đầu tư này mất tiền, mất tài sản nhà đất.

Nguyên nhân của thực trạng này là do:

Thứ nhất: xuất phát từ việc đầu tư sinh lợi nhuận rất cao so với các hình thức đầu tư khác, nên dễ kêu gọi được các nhà đầu tư. Thứ hai: Các doanh nghiệp huy động vốn này tạo dựng vỏ bọc vững chắc, đánh bóng uy tín, tên tuổi doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.

Thứ ba: Các nhà đầu tư nóng vội chưa tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp đầu tư cũng như những rủi ro có thể gặp phải khi đầu tư. Thứ tư: Cơ chế quản lý cũng như quy định pháp luật còn hạn chế tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp này huy động vốn trái phép đem lại rủi ro cho các nhà đầu tư.

Tùy tính chất và mức độ của sự việc nhà đầu tư có thể nhờ các cơ quan bảo vệ pháp luật như Tòa án, công an, … để hỗ trợ can thiệp giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc huy động vốn của các doanh nghiệp.

Cụ thể, các nhà đầu tư có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp huy động vốn.

Trong trường hợp có hành vi huy động vốn trái phép hoặc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ các doanh nghiệp huy động vốn, các nhà đầu tư có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Nội dung, hình ảnh, video: Cát Sinh