DNews

Công ty huy động vốn lấy tiền ở đâu để trả "lãi trên trời"? (Kỳ 2)

Mộc An Cát Sinh

(Dân trí) - Công ty Caple, Tâm Lộc Phát và Nhật Nam đang sản xuất, kinh doanh lĩnh vực gì mà có thể trả lãi cho nhà đầu tư 38-100%/năm? Báo cáo tài chính năm 2022 của các công ty này hé lộ nhiều dấu hiệu bất thường.

Công ty huy động vốn lấy tiền ở đâu để trả "lãi trên trời"? (Kỳ 2)

Trong bài viết trước, báo Dân trí đã phản ánh tình trạng "Huy động vốn bằng cách phân chia lợi nhuận trên trời" của các công ty như Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam, Công ty CP Truyền thông Tâm Lộc Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Capel.

Nội dung phản ánh cho thấy, các công ty này có điểm chung là hứa phân chia lợi nhuận gồm cả gốc và lãi theo ngày cho nhà đầu tư. Công ty Capel và Nhật Nam trả tiền nhà đầu tư từ thứ 2 đến thứ 6, Công ty Tâm Lộc Phát trả từ thứ 2 đến thứ 7. Công ty Nhật Nam trả lãi 46%/năm, Tâm Lộc Phát trả lãi 38,4%/năm và Capel trả lãi lên tới 100%/năm.

Luật sư và chuyên gia kinh tế nhận định, đây là mức lãi suất quá cao và phi thực tế, khó có mô hình sản xuất kinh doanh chân chính nào có thể trả mức lãi suất như trên. Báo cáo tài chính của các công ty này bộc lộ những điểm bất thường.

Công ty Tâm Lộc Phát: 2022 lợi nhuận âm gần 600 triệu đồng

Trong quá trình nhập vai làm nhà đầu tư để tìm hiểu về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Tâm Lộc Phát, phóng viên có đặt câu hỏi với nhân viên tư vấn, rằng công ty kinh doanh lĩnh vực gì mà có thể trả lãi cao và liên tục cho nhà đầu tư.

Vân Anh, nhân viên tư vấn của Tâm Lộc Phát cho biết: "Không phải công ty em lấy tiền của người vào trước để trả cho người vào sau. Công ty em có nhiều mảng kinh doanh và sắp tới còn khai trương thêm cửa hàng vàng rất lớn ở cạnh trụ sở chính công ty luôn".

Cụ thể về từng lĩnh vực kinh doanh, Vân Anh liệt kê, Tâm Lộc Phát hiện đang kinh doanh hiệu quả những lĩnh vực như: Truyền thông & Tổ chức sự kiện, bất động sản, chuỗi cafe nghệ sỹ, công nghệ 4.0, hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp, kinh doanh kênh truyền hình Tâm Lộc Phát TV, hệ thống taxi du lịch,  trang điện tử...

Công ty huy động vốn lấy tiền ở đâu để trả lãi trên trời? (Kỳ 2) - 1

Các mảng kinh doanh của Tâm Lộc Phát được cập nhật trên website của công ty này (Ảnh: Cát Sinh).

Khi phóng viên phân vân về uy tín của công ty nên chưa quyết định đầu tư ngay, Vân Anh cho biết Tâm Lộc Phát vừa kỷ niệm 4 năm thành lập và hiện có hàng chục văn phòng chi nhánh, văn phòng đại diện tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

Phóng viên yêu cầu được xem báo cáo tài chính 2022 để làm cơ sở quyết định có đầu tư hay không thì Vân Anh cho biết đây là tài liệu nội bộ, không công khai được. Phóng viên lại hỏi, nếu mình tham gia đầu tư, ở những dịp tổng kết năm, mình có được quyền biết về kết quả kinh doanh không, nhân viên tư vấn trả lời là không.

Báo cáo tài chính cho thấy, công ty này có tổng tài sản trị giá 24,5 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, tăng 10,3% so với hồi đầu năm. Cơ cấu tài sản của Tâm Lộc Phát khá đặc biệt khi không ghi nhận tài sản dài hạn mà chỉ có tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp này không có bất kỳ tài sản cố định nào.

Trong tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền chiếm tỷ trọng lớn lên tới 84,7%, ghi nhận mức 20,7 tỷ đồng cuối năm 2022. Hàng tồn kho cuối năm là 2,6 tỷ đồng, chiếm 10,4%. Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng hay trả trước cho người bán cũng chỉ ở mức 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với hàng chục nghìn người đã tham gia đầu tư, theo tư vấn của các nhân viên Công ty Tâm Lộc Phát, người góp vốn ít nhất là 50 triệu đồng, người nhiều thì 500 triệu đồng, có không ít người góp vốn tiền tỷ.

Chưa kể, có những người tham gia nhiều hợp đồng. Vậy, tại sao báo cáo tài chính của công ty này, tiền và các khoản tương đương tiền chỉ có 20,7 tỷ đồng? Tiền của các nhà đầu tư đã bị lãnh đạo Công ty Tâm Lộc Phát mang đi đâu?

Nguồn vốn tài trợ cho tài sản này gồm 2,8 tỷ đồng nợ phải trả (chiếm khoảng 11,7%) và vốn chủ sở hữu là 21,6 tỷ đồng (khoảng 88,3%) vào cuối năm 2022. Có thể hiểu đơn giản chủ sở hữu của công ty này góp vốn lập công ty rồi gửi vào ngân hàng là chính.

Về báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2021, doanh nghiệp này không phát sinh doanh thu bán hàng. Sang năm 2022, công ty ghi nhận 467,5 triệu đồng doanh thu. Tâm Lộc Phát không có giá vốn hàng bán. Đây là trường hợp hiếm thấy và thường ghi nhận ở công ty dịch vụ, không có sản xuất. Điều này cũng trùng khớp với việc doanh nghiệp không có tài sản cố định, đất đai nhà xưởng trong cơ cấu tài sản kể trên.

Năm 2022, công ty ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp là 1 tỷ đồng. Trong năm công ty không phát sinh thêm doanh thu, chi phí từ các hoạt động khác nên lợi nhuận sau thuế là âm 565,7 triệu đồng. Dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất thường khi chỉ ghi chính ở tiền thu khác, tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh.

Công ty Nhật Nam: Năm 2022 lỗ 2,2 tỷ đồng

Trong quá trình nhập vai làm nhà đầu tư muốn hợp tác với Công ty Nhật Nam, phóng viên Dân trí được Tuân, nhân viên kinh doanh và Hằng, tự giới thiệu là trưởng phòng kinh doanh của Nhật Nam cho biết, Công ty Sông Đà Invest chịu trách nhiệm huy động vốn mang về cho hệ sinh thái của Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam.

Hằng nói thêm, Nhật Nam có 30 chi nhánh trên toàn quốc với các lĩnh vực kinh doanh như: Khai khoáng, xây dựng, du lịch, Spa và kinh doanh xe ô tô. Trong phần giới thiệu doanh nghiệp, người dẫn chương trình cũng đưa ra hàng loạt sổ đỏ tại các dự án bất động sản của Nhật Nam tại Phú Quốc, Bắc Giang, Hà Nội.

Công ty huy động vốn lấy tiền ở đâu để trả lãi trên trời? (Kỳ 2) - 2

Nhân viên của Công ty Nhật Nam gửi ảnh và giới thiệu đây là hội thảo kêu gọi đầu tư chật kín người của công ty (Ảnh: Trương Tuân).

Báo cáo tài chính năm 2022 của Nhật Nam cho thấy, doanh nghiệp này có quy mô tổng tài sản cuối năm 2022 khoảng 195,1 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản của doanh nghiệp khá cân bằng với gần 99 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 96,2 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Phần lớn tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này là tiền và các khoản tương đương tiền với 93,5 tỷ đồng. Phần còn lại được phân bổ vào hàng tồn kho (khoảng 2,5 tỷ đồng), các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn (khoảng 2,9 tỷ đồng).

Tài sản dài hạn chủ yếu của doanh nghiệp là tài sản cố định (khoảng 94,7 tỷ đồng). Có thể đây là tài sản liên quan đến bất động sản do doanh nghiệp này chuyên về đầu tư thương mại bất động sản.

Vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp được ghi nhận là 200 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này có khoản lỗ lũy kế cuối năm 2022 là 9,4 tỷ đồng. Khoản lỗ này ăn mòn vào phần vốn góp của chủ sở hữu.

Tương tự như Công ty Tâm Lộc Phát, doanh nghiệp này được góp 200 tỷ đồng và dành một nửa gửi tiền, một nửa đầu tư vào tài sẳn cố định.

Năm 2022 công ty này không ghi nhận số liệu về hoạt động kinh doanh. Năm trước đó, doanh thu bán hàng của Nhật Nam là 35,3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi giá vốn khoảng 30,2 tỷ đồng, chi phí lãi vay 3 tỷ đồng và các khoản chi phí khác, doanh nghiệp lỗ trước thuế 2,2 tỷ đồng.

Mặc dù làm ăn thua lỗ như vậy nhưng đến giữa tháng 5 năm nay, công ty vẫn liên tục tổ chức các hội thảo kêu gọi nhà đầu tư góp vốn và vẫn cam kết trả lãi lên tới 46%/năm. Vậy, tiền ở đâu để Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam trả lãi cho hàng chục nghìn nhà đầu tư là câu hỏi cần sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Công ty Capel: Năm 2022 vốn góp còn... 0 đồng

Trong một hội nghị khách hàng được tổ chức tại Hải Phòng cuối năm 2021, lãnh đạo Công ty Capel cho biết, công ty này sẽ dành nguồn tiền huy động được từ những người tham gia góp vốn để đầu tư vào bất động sản, du lịch và trái phiếu.

Công ty Capel đầu tư vào đâu? (video: Cát Sinh).

Báo cáo tài chính của công ty này cho thấy, biến động tài sản của doanh nghiệp này khá kỳ lạ trong năm 2022. Thời điểm đầu năm, tổng tài sản của Capel là 322,3 tỷ đồng nhưng đến cuối năm chỉ còn ghi nhận 1 đồng.

Cụ thể, thời điểm đầu năm công ty có 34,4 tỷ đồng tiền mặt, 145,5 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Nhưng đến cuối năm, những khoản mục này đều không còn. Tài sản ngắn hạn giảm từ 179,9 tỷ đồng về chỉ còn 1 đồng mang tính chất tượng trưng.

Đối với tài sản dài hạn, thời điểm đầu năm ghi nhận 142,4 tỷ đồng nhưng đến cuối năm không còn xuất hiện trên bảng cân đối kế toán.

Về cơ cấu nguồn vốn hồi đầu năm ghi nhận gồm 99 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu và 222,6 tỷ đồng quyền chọn chuyển đổi trái phiếu. Đến cuối năm, giá trị khoản quyền chọn chuyển đổi này ghi nhận về 0 còn vốn góp về mức 1 đồng.

Doanh nghiệp này càng bí ẩn hơn khi không cung cấp bất kỳ số liệu nào về hoạt động kinh doanh hay dòng tiền.

Nội dung, hình ảnh, video: Cát Sinh - Mộc An